Một mùa xuân mới lên đường

08:02, 08/02/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Chúng tôi đến với bán đảo Cam Ranh những ngày đầu xuân, ngan ngát trong hương tràm lan tỏa. Đại dương ngời lên màu ngọc bích - Biển vào xuân rộn rã, trong lành và ấm áp. Những người lính đoàn M46 Hải quân ra đón chúng tôi sau một mùa luyện tập. Đó là những tân binh tuổi mười tám, đôi mươi, chắc khỏe, hồn nhiên và họ đã quen với thao trường miền nắng gió. Ngày mai các anh sẽ ra ngoài ấy canh giữ biển trời Tổ quốc nơi Trường Sa thân yêu.

Đêm. Bán đảo trời đầy sao, làn gió xuân nhè nhẹ ùa về mang theo chút mặn mòi hương biển thật phóng khoáng và dễ chịu. Dạ hội đêm nay với những người lính thủy, họ ôm đàn hát say sưa, dẫu chưa có ánh đèn xoay với bảy sắc cầu vồng nhưng biển trời nơi đây cho các anh một khoảng không mênh mang và tình người nồng ấm. Ngồi bên tôi binh nhì Hoàng Xuân Bắc, chiến sĩ khẩu đội 1 C5-D3 - quê Quảng Hòa – xứ biển Quảng Bình. Mới lớn lên, đã biết vá lưới, cầm mái chèo theo cha ra biển, anh tâm sự: “Ngày nhỏ em cứ ước ao sau này được làm lính thủy và điều đó đã thành sự thật. Những ngày huấn luyện tân binh chúng em cứ nôn nao mong đợi đến ngày chuyển quân ra đảo, sẽ được đến với Trường Sa”.  

 

Lưu luyến phút chia tay.                              Ảnh: Văn Thành Châu
Lưu luyến phút chia tay. Ảnh: Văn Thành Châu


Đang mải chuyện, Bắc bỗng ồ lên, mắt hướng về phía sân khấu, tôi ngoái nhìn đó là một người con gái đang say sưa hóa thân vào câu hát. Ghé bên tai tôi Bắc nói nhỏ: “Thủy đó anh ạ! Thủy là cô giáo trường tiểu học, mái trường ấy đã bao năm nay kết nghĩa với đơn vị”. Câu dân ca em hát sao mà xao lòng đến thế, cả không gian dường như lắng lại: “Tình yêu em như sóng biển chiều hôm, đã trao anh dạt dào bao kỉ niệm, như vầng trăng sáng tỏ ngoài khơi xa…”. Phải chăng em cô gái xứ trầm hương ấy đã phải lòng người lính biển. Và, câu chuyện của những chàng trai trên bán đảo cũng dài miên man như con sóng…     
                                                       
Cuộc đời người lính đã đến với các anh, chiếc túi xách cha mua tạm thời gập lại, gia tài của thời học sinh xếp gọn gàng trong chiếc ba lô. Bài tập hợp điều lệnh đầu tiên là kỷ luật quân đội, giờ giấc ăn, nghỉ, sinh hoạt chính xác từng phút không còn tản mạn như những ngày ở nhà mẹ thường la nhắc. Ai đó đã thầm nghĩ, biết vào bộ đội thế này chắc ở nhà mẹ thương nhưng cũng mừng lắm đây. Trung đội trưởng, khẩu đội trưởng vẫn còn trẻ lắm, các anh cũng như những thầy giáo trẻ ở lớp học phổ thông. Ban đầu nỗi nhớ nhà, quê hương, bạn bè thật diết da, môi trường này cũng có nhiều gò bó, những khi lên lớp các thủ trưởng thật nghiêm nhưng cũng rất đỗi thân tình.

Nhớ mùa hạ đi qua, nắng thao trường là hình ảnh đáng nhớ của những người lính. Nằm áp mình ôm súng với cái nắng hầm hập trên cát, lăn, lê, bò toài với bảy động tác tiền nhập giữa những bãi cỏ tranh, gai mỏ diều trên bãi tập, tối về mình mẩy ê nhức. Những hôm hành quân vượt dốc và đào hào công sự, tập sơ cứu băng bó cõng thương binh, rồi những chiều trên biển tập kỹ thuật bơi vũ trang, bơi rèn luyện vất vả mà vui. Giọt mồ hôi thầm lăn trên má những người lính trẻ trong đêm, để sáng ra nhìn nhau ai cũng bật cười. Những ngày luyện tập trên thao trường quen dần, mỗi khi nghe còi báo động trong đêm không ai còn lúng túng như những buổi đầu nữa. Nắng lửa và gió biển là món quà mỹ phẩm đậm đà cho làn da mỗi người chiến sĩ. Mái tóc đen mượt, nước da trắng trẻo, dáng hình thư sinh, giờ đây đã thẫm hơn, nam nhi hơn, chắc khỏe hơn…

Ngày mai chúng tôi lên đường, đêm nay những con tim nóng hổi đang hòa cùng nhịp hát, sân khấu bỗng như hừng cháy: “Cháy lên đi lửa thiêng cao nguyên, còn mãi trong ta tình yêu cao nguyên…”  Ai đó nhỉ? Hóa ra là anh bạn miền cao. Chàng trai da ngăm, mắt sáng vóc dáng chắc nịch như cây gỗ rừng là binh nhất Y Thái người con của dân tộc Ê Đê - xứ sở của những mùa hoa Dã quỳ và câu Khan dài vắt ngang đỉnh núi . Y Thái ở khẩu đội 2 C13-D862 vừa hoàn thành khóa huấn luyện tân binh, anh cũng đang háo hức mong chờ ngày được ra đảo.

 

Khoảnh khắc mùa xuân ở nơi đầu sóng Trường Sa. Ảnh: VTC
Khoảnh khắc mùa xuân ở nơi đầu sóng Trường Sa. Ảnh: VTC


Đêm nay nỗi nhớ tháng giêng lại ùa về trong tâm thức những người con xứ Bắc. Với những người lính nơi bán đảo mùa xuân ấy “Tháng giêng đến bất ngờ/ Rưng rưng nỗi nhớ/ Trang sách trang thơ mỗi ngày gập mở/ Nơi ấy cuối trời đồng đội cũng vào xuân”… Hòa trong tiếng sáo réo rắt, giọng cô giáo Liên trong veo với khúc ngâm “Bán đảo mùa xuân” của anh bạn thơ Xuân Tình. Bài thơ đến với những người lính thật đúng lúc.

Lời thơ dung dị, lắng sâu và đậm đà chất lính cùng với tiếng ngâm trong trẻo, đằm thắm, diết da như con người em vậy. Tiếng thơ ngâm giữa ba bề sóng dội đưa chúng tôi về miền nhớ miền thương. Ngày mai bán đảo và em sẽ trở nên xa xôi diệu vợi, khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn, nhớ lắm nơi “Dải đất nhỏ vươn ngực trần rám nắng/Đồi cát thương ai mà oằn lưng trĩu nặng/ Sóng vỗ về thao thức tuổi đôi mươi…”. Hát nữa lên em! mai xa rồi, chúng tôi và những người lính quên sao được bán đảo và những ngày có em, những kỹ sư tâm hồn, thương mến, hiền ngoan.

Càng về khuya, ánh lửa bốc cao hừng hực soi rõ từng khuôn mặt, sân khấu ấm dần lên, những người lính hồn nhiên, tự tin, mạch nguồn cảm xúc cứ dào lên ào ạt, dịu êm như từng đợt sóng: “Con rạch Cái Thia, chảy về Tắc Cổ...” Chất giọng cải lương mùi mẫn, chân chất của vùng phù sa mênh mang sóng nước. Đó là binh nhất Võ Hoài Nam, người lính chiều nay chúng tôi mới gặp ở C5-D3. Khi hỏi chuyện anh còn dè dặt thế mà giờ đây mạnh mẽ đúng chất đàn ca tài tử.

Cái tên  “Tư Đờn” mà đồng đội thân mật đặt cho Hoài Nam. Anh  sinh ra trên đất Mũi, nơi mạch đất lao ra biển và bao la rừng tràm, rừng đước với đủ loại cá tôm. Chuyện trò cùng chúng tôi Nam rất tự hào về miền sông nước quê mình và anh còn cho biết ngày xưa những năm tháng chống Mỹ, ông nội và ba anh đã từng che chở cho bộ đội ta và tìm nơi cất giấu vũ khí khi những đoàn tàu không số cập bến.  Xuất hiện một tà áo dài dịu dàng bước ra sân khấu và trên tay là một bông hồng nhỏ nhắn, thắm tươi hồn hậu tặng Hoài Nam.

Cô giáo Trang - hoa khôi của miền gió cát - theo cách gọi của lính. Có phải em không! Thực mà cứ ngỡ như mơ, đẹp quá, hạnh phúc quá, giây phút ngắn ngủi mà thiêng liêng cao quý biết nhường nào. Cái bắt tay khiến chàng lính biển bối rối. Và, gương mặt của em cũng chín đỏ theo nhịp vỗ tay huýt sao râm ran của cánh lính trẻ lém lỉnh. Đêm cuối ở lại với bán đảo chúng tôi dường như ai cũng thao thức, nhớ nhung, ai cũng muốn cố nán lại. Tâm trạng, tình cảm của chúng tôi và các anh dường như cùng một hướng trước giờ tạm biệt. Đêm đẫm hơi sương, có chút se lạnh, sóng từng nhịp gầm  gào dội bờ không dứt.

Sáng mai ra, chúng tôi đội ngũ chỉnh tề bên cầu tàu.

Lại một mùa xuân mới lên đường, đứng trên cầu tàu nơi bán đảo chúng tôi được sẻ chia, chứng kiến hình ảnh cuộc chia tay của những người lính thủy mà lòng bâng khuâng khó tả. Xúc động trước những điều giản dị, có người cha khoác lên vai con chiếc ba lô đã cũ sờn mà kỉ vật ấy đã đi suốt cùng cha một thời trận mạc, có người mẹ quàng thêm cho con chiếc khăn ấm rồi ngân ngấn nhìn con như thuở nào tiễn chồng ra trận, và ấm lên giữa trời xuân bán đảo là những cành mai vàng rực cháy và tà áo dài thướt tha làm xốn xang bao trái tim người lính. Bất chợt tôi lại rưng rưng nhớ về một thuở hành quân trên chiến hào biên giới, như câu thơ tôi đã viết: “Người lính đón xuân trên đường hành quân/ Có phải hương xuân vương đầy áo lính/ Mà để lòng tôi cứ bồi hồi thương mến/ Hái bông hoa rừng muốn gửi tặng ai…”.


 Bút ký: Duy Hoàn    

 


.