(Báo Quảng Ngãi)- Đại tá Ngô Đức Tấn, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 94-Quảng Ngãi (Đoàn Sông Trà) đầu tiên, nguyên Sư đoàn phó, Tham mưu trưởng Sư đoàn 307 là một trong những nhân chứng của cuộc giao lưu “Nhân chứng lịch sử với thế hệ trẻ” do Bảo tàng Lịch sử quân sự phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội tổ chức vào cuối tháng 3.2011. Ông là một cán bộ chỉ huy can trường, mặc dù bị 16 vết thương vẫn quyết không rời trận tuyến. Tuy nhiên, trong hành trang người lính ấy, câu chuyện tình yêu, gia đình vẫn còn là điều mới mẻ.
Tiếp chúng tôi trong căn nhà nhỏ nằm sâu trong ngõ tại TP.Quảng Ngãi, đại tá Ngô Đức Tấn cười hiền hậu khi được hỏi chuyện gia đình. Ông bồi hồi nhớ lại: “Năm 1973, lúc đó tôi đang là Tham mưu trưởng Tỉnh đội Quảng Ngãi chính thức nói “lời yêu” với cô y tá cơ quan tham mưu Hồ Thị Minh Thu quê ở huyện Sơn Tịnh. Chúng tôi báo cáo tổ chức, anh em trong đơn vị biết chuyện liền thúc cưới. “Thôi cưới chi giờ để nó cũ đi, đánh giặc cái đã. Hòa bình rồi hãy cưới, tôi xin hoãn”.
Đại tá Ngô Đức Tấn (bên trái) ôn lại những năm tháng chiến tranh. |
Rồi cái ngày mong đợi ấy cũng đến. Sau chiến thắng 30.4.1975, một đám cưới được Tỉnh đội Quảng Ngãi đứng ra tổ chức ấm cúng mặc dù chỉ có bánh kẹo, thuốc, nước. Những tưởng đất nước hết chiến tranh, hai người yên tâm xây dựng hạnh phúc. Nhưng ít ai ngờ rằng bước chân người lính ấy vẫn chưa dừng khi đất nước vẫn còn chiến sự. Ông được phân công về làm Trung đoàn trưởng Trung đoàn 94, đóng quân vùng biên giới Tây Nam; còn vợ ông chuyển ngành về Bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi. Biết vợ đã có thai, trước lúc lên đường, ông dặn lại: “Nếu đẻ con trai thì đặt tên là Việt, nếu đẻ con gái thì đặt tên là Nga”.
Lý giải cho việc đặt tên con, đại tá Ngô Đức Tấn nhận xét: “Cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc do dân tộc Việt Nam tiến hành; để đi đến thắng lợi còn có sự giúp đỡ to lớn của Liên Xô, của nhân dân Nga anh em”. Mặc dù ở phương xa, không được trực tiếp chăm sóc vợ những ngày thai nghén, song người trung đoàn trưởng vẫn không quên bổn phận làm cha, làm chồng. Ông tranh thủ giờ nghỉ trưa vào rừng chặt cây, đào hầm đốt than, bỏ vào 9 bao dứa, gửi xe chở về cho vợ. Tháng 9.1976, cô con gái đầu lòng chào đời trong niềm hạnh phúc vỡ òa của người cha nơi biên ải.
Bấy giờ, quân đội có chủ trương bổ túc văn hóa cho cán bộ sĩ quan do điều kiện chiến tranh nên học hành dang dở, ông nằm trong số đó. Năm 1977, ông vào Quy Nhơn (Bình Định) học tập tại Trường Văn hóa Quân khu 5. Non nửa cuộc đời chinh chiến, đến năm 39 tuổi mới lập gia đình, nỗi nhớ vợ trẻ, con thơ vì thế không lúc nào nguôi trong trái tim người lính trận Ngô Đức Tấn. Hằng ngày, thay vì tham gia thể dục thể thao, ông tranh thủ lên đồi phát cỏ để trồng bạch đàn theo đúng chỉ tiêu nhà trường giao.
Đại tá Võ Cao Lợi, nguyên học viên của trường lúc bấy giờ nhớ lại: “Tôi thấy trưa thứ bảy, anh Tấn không ngủ mà tranh thủ ra phát cây cỏ bèn hỏi sao anh không để chiều trồng. Anh trả lời: “Tranh thủ làm để chiều đón xe đò về thăm vợ con”. Cứ như vậy, cuối buổi chiều thứ 7, vị trung đoàn trưởng lại đón xe đò từ Quy Nhơn, về Quảng Ngãi thăm vợ con, đầu giờ chiều hôm sau lại tất tả trở về trường để tiếp tục một tuần “học, phát cỏ, trồng cây và… về thăm nhà”. Nhưng rồi hạnh phúc của Trung đoàn trưởng Ngô Đức Tấn tiếp tục bước sang một thử thách mới khi Pôn Pốt- Iêng Xa-ry tăng cường gây chiến phía biên giới Tây Nam và gây nhiều tội ác với nhân dân Campuchia. Do đó, sau khi hoàn thành chương trình bổ túc văn hóa, năm 1978, Ngô Đức Tấn trở về đơn vị và lên đường làm nghĩa vụ quốc tế.
Chúng tôi càng bị cuốn hút câu chuyện cuộc đời của người lính “giấu bớt vết thương để đi chiến đấu” Ngô Đức Tấn khi ông kể về trường hợp sinh đứa con thứ hai. Năm 1979, Quân khu 5 tổ chức đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh đã mời cán bộ chiến sĩ có thành tích chiến đấu xuất sắc về dự lễ, trong đó có Trung đoàn trưởng Ngô Đức Tấn. Lúc này, ông từ Campuchia tranh thủ ghé qua nhà một đêm thăm vợ con, sáng hôm sau ra Quân khu (Đà Nẵng).
Hoàn thành nhiệm vụ, cấp trên đồng ý cho ông về nhà một hôm rồi lên đường trở lại đơn vị. Không ngờ, trong thời gian ngắn ngủi đó, người vợ đã mang thai. Năm 1980, bà sinh cho ông một đứa con trai. Đến năm 1989, lúc quân tình nguyện Việt Nam hoàn thành nhiệm vụ ở Campuchia, cũng là thời điểm Đại tá Ngô Đức Tấn tạm gác đời binh nghiệp. Bấy giờ, các vết thương gây nhức nhối, nhiều mảnh đạn đã nằm im trong cơ thể ông mới có dịp phát tác mỗi khi trái gió trở trời. Cuộc sống gia đình đổ dồn lên vai người vợ. Bà hết làm việc ở bệnh viện lại về chăm sóc thuốc thang cho chồng, đưa đón con đi học. Để có thêm thu nhập, bà tận dụng khoảnh đất còn thừa làm chuồng nuôi heo.
Tôi hỏi ông hiện nay có còn đau nhiều không? Ông cho biết nặng nhất là vết thương ở Campuchia năm 1984 khó lành, phải mổ đi mổ lại để gắp xương vụn nên thỉnh thoảng nó vẫn “sinh chuyện”. Ông kể: “Hồi đang làm tiểu đoàn trưởng bị thương nhưng không muốn đi điều trị, tôi bảo quân y sĩ: “Mi mổ lấy cái xương cho tao cái”. “Thủ trưởng làm thế thì mất cái bằng y sĩ của em”- Y sĩ Đinh Tấn Nhân trả lời. Nó sợ không dám làm, tôi lấy cái kéo, hai cái panh tự mổ rút xương ra, sau đó xức vô một lọ penicilin, băng lại mấy ngày là khỏi”. Nghe ông kể, tôi chỉ biết gật đầu thán phục.
Cuộc đời của đại tá Ngô Đức Tấn không phải là huyền thoại, nhưng sự hy sinh của ông có thể xem là tiêu biểu cho một thế hệ người dân Việt Nam. Nhìn ông bà móm mén cười trong hạnh phúc xế chiều, không mấy ai nghĩ rằng cuộc sống vợ chồng của họ đã trải qua nhiều giông gió bởi chiến tranh.
Bài, ảnh: Nguyễn Sỹ Long