Nghĩa tình người lính Biên phòng

09:08, 15/08/2013
.

(QNg)- Em Phạm Thị Xu ôm chiếc cặp chạy về khoe với mẹ: “Con được mấy chú Bộ đội Biên phòng cho. Năm học này mẹ khỏi mua cặp, sách vở cho con”. Đấy là niềm vui mà những người lính tình nguyện Bộ đội Biên phòng tỉnh mang đến cho người dân vùng cao Ba Lế (Ba Tơ) trong những ngày tháng tám này.


 Xã Ba Lế là một trong những xã miền núi nghèo của huyện Ba Tơ. Đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 95% dân số, đời sống còn nhiều khó khăn. Là đơn vị đỡ đầu, trong những năm qua, Bộ đội Biên phòng tỉnh đã kề vai với bà con “cõng” cái nghèo bỏ xuống dòng sông Liêng, “gùi” cái sung túc, văn minh về làng, từng bước góp phần trong việc thay đổi diện mạo trên từng thôn làng của xã.

Xây hồ, đắp đập cho dân...

Để người dân có nước sạch dùng, Bộ đội Biên phòng cùng Đoàn thanh niên Trường Cao đẳng nghề kỹ thuật công nghệ Dung Quất vận động quyên góp mua vật liệu chở lên xây bể chứa nước cho bà con. Nhớ lại câu chuyện về cái bể chứa nước sinh hoạt tại làng Bãi Lế, đại úy Nguyễn Văn Thương -Trợ lý thanh niên BĐBP tỉnh kể: Ngày mới chở vật liệu lên tập kết tại nơi nguồn nước chảy, già làng Phạm Văn Gê không cho xây dựng, ông nói: “Cứ để nó chảy tự nhiên, nhốt nó lại làm gì, mà cũng không đủ chỗ cho nó ở đâu. Để đấy dân làng nó uống được bao nhiêu thì uống, không uống thì nó theo sông Liêng về xuôi”.

 

 Khám bệnh, cấp thuốc cho người dân xã Ba Lế.
Khám bệnh, cấp thuốc cho người dân xã Ba Lế.

 

Thế là anh em lính phải đến nhà tuyên truyền, giải thích hết một buổi ông Gê mới thấu hiểu và đồng ý cho bộ đội xây dựng. Công trình hoàn thành, các chiến sĩ tình nguyện mời ông nghiệm thu, nhìn bể nước trong veo ông gật đầu ưng cái bụng, gọi cả làng ra tắm. Mỗi người một vòi, xả nước thỏa thích không còn cảnh chờ đợi như trước đây. Ngay lập tức ông “ra lệnh” cho đứa con trai thịt con gà, mang ché rượu cần ra đãi bộ đội.

Thượng úy Đinh Văn Thôi - thành viên đoàn thanh niên tình nguyện của Bộ đội Biên phòng tỉnh cho biết: Để giúp bà con ở đây xử lý môi trường, năm nào các chiến sĩ tình nguyện phải chia nhau từng tổ, đi đến từng thôn làng dọn dẹp, thu gom xử lý rác thải, khơi thông mương nước.  

Người lính tình nguyện còn hướng dẫn bà con cách gieo sạ lúa nước, liên hệ với Trung tâm khuyến nông cung cấp giống lúa cho năng suất cao. Nhìn những rừng keo xanh tốt đang thời kỳ khai thác, ông  Phạm Văn Ních vui mừng nói: "Đồng bào tao ơn bộ đội nhiều lắm, nhờ nó mà nhà chứa lúa trên rẫy lúc nào cũng đầy, cái Tu (nơi để tiền) trong nhà lúc nào cũng có tiền, không còn thiếu đói ”.

Đuổi con bệnh, đưa học sinh đến trường

Buổi sáng ở làng Tốt - đại úy Tám, quân y sĩ Bộ đội Biên phòng chuẩn bị dụng cụ và thuốc chữa bệnh, để khám và cấp thuốc miễn phí cho đồng bào. Anh Tám bảo: Không phải như ở dưới xuôi đâu anh ạ! Giờ nào bà con cũng có thể đến khám và nhận thuốc được, người không đi nương thì đến sớm, người đi nương thì làm cho hết việc rồi mới về, phải thường trực để phục vụ bà con”. Khi cấp thuốc cho bà con anh dặn dò, viên vàng uống cùng với viên hồng, viên xanh uống với viên nâu... Nghe anh giải thích tôi chợt nhận ra, chỉ có những người lính như anh thường xuyên đến với đồng bào mới hiểu hết được lề ăn, lối ở của họ.

Để vận động học sinh đến trường, khác với trước đây người lính  tình nguyện phải đến tận nhà vào ban đêm, mà thay vào đó là tặng những phần quà như cặp, sách, vở viết và dành thời gian ôn tập cho các em trước khi bước vào năm học mới.

Chủ tịch UBND xã Ba Lế, Phạm Văn Nấu, xúc động nói: Công cuộc xóa đói, giảm nghèo trên vùng cao Ba Lế là con đường dài, chưa biết đến bao giờ kết thúc. Nhưng những gì Bộ đội Biên phòng tỉnh đã làm cho đồng bào trong 10 năm qua thì không thể đong đo, cân đếm cụ thể. Việc lớn nhất là bộ đội đã làm thay đổi cách suy nghĩ của đồng bào.  Chẳng hạn, bây giờ họ đã biết trồng rừng, quản lý, làm kinh tế trên chính mảnh rừng của mình.

Chia tay vùng cao Ba Lế, chúng tôi về xuôi. Tiễn chúng tôi là cơn mưa rừng  như trút nước, các khe suối nước đổ như tấu lên bản nhạc hy vọng vào ngày mai tươi sáng ở vùng cao này.     
           

Bài, ảnh: Văn Tánh

 


.