(QNg)- Sau khi Tiểu đoàn đón nhận danh hiệu đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang (được tổ chức tại Nhà Văn hóa Lao động tháng 7/2012), các đại biểu quê ở miền Bắc tha thiết mời các “chiến hữu” từng “nằm gai nếm mật” ở Quảng Ngãi ra thăm đất Bắc một lần. Nói vậy, cũng phải thư qua điện lại “hai đầu cầu” nhiều lần để cuối cùng mới “tuyển” được 35 người với tinh thần “Nhà nước và nhân dân cùng làm” lên đường ra Bắc trong khí thế rạo rực cả tỉnh đón mừng 38 năm ngày Quảng Ngãi giải phóng và thống nhất đất nước 30/4.
Đón đoàn tại ga Hà Nội là đại tá Lê Văn Huân - Chánh văn phòng Bộ Tư lệnh Pháo binh - Cơ quan chỉ huy cao nhất của Binh chủng Pháo binh, cùng đại diện Ban liên lạc Pháo binh Quân khu 5 – Tây Nguyên, với tình cảm đón “con cháu về thăm quê Nội”. Xe ca vừa dừng trước cổng cơ quan Bộ Tư lệnh, thiếu tướng Nguyễn Như Côn – Tư lệnh trưởng binh chủng tiếp đón chúng tôi với tình cảm nồng hậu. Đoàn chúng tôi được đưa đi viếng Lăng Bác – Người đã tặng cho binh chủng Pháo binh 8 chữ vàng “Chân đồng, vai sắt, đánh giỏi, bắn trúng”, thăm Bảo tàng lịch sử Quân đội, Bảo tàng truyền thống của Binh chủng Pháo binh. Nhìn những hiện vật, tư liệu, hình ảnh… ký ức về những trận đánh “Pháo đối pháo” gắn liền với những chiến tích lẫy lừng mà pháo binh Việt Nam đã làm cho đối phương kinh hoàng như “Cồn Tiên, Dốc Miếu, Khe Sanh, sân bay Tà Cơn… lại òa về với các thành viên trong đoàn.
Trung tá Nguyễn Nhật Thăng - nguyên Tiểu đoàn trưởng giai đoạn 1969 - 1973. |
Cho dù đã 38 năm thống nhất đất nước, nhưng những người lính trở về, mỗi người một số phận trước cuộc sống đời thường với muôn ngàn gian khó, chật vật. Cùng với mảnh vườn, thửa ruộng, rồi nhà cửa, con đau, vợ ốm, vết thương tái phát… luôn bám víu, còn đâu tiền bạc, thời gian mà nghĩ đến chuyện tham quan, du lịch. Cho nên, trong lịch trình ngoài những địa danh ở Hà Nội, Bộ Tư lệnh còn tổ chức đi tham quan Vịnh Hạ Long, mọi người đều háo hức mong chờ. Vịnh Hạ Long, đúng là “Thiên đường” dưới đất, tạo hóa đã ban tặng cho nơi này một món quà vô giá, được UNESCO hai lần công nhận Di sản Thiên nhiên Thế giới. Từ hang Bồ Môn, Đầu Gỗ, đến động Sửng Sốt, Thiên Cung… đến đâu cũng thấy sự kỳ bí của đất trời. Ánh sáng lung linh với hàng ngàn màu sắc cùng nhiều hình dáng khác lạ từ thạch nhũ tạo nên một không gian diệu kỳ vừa thực vừa ảo.
Điểm dừng cuối cùng cũng là nơi để giao lưu gặp mặt giữa các CCB là tỉnh Hải Dương. Hải Dương chẳng những có nhiều địa danh di tích như Đền Kiếp Bạc, nơi thờ vị danh tướng Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn đã ba lần đánh tan quân xâm lược phương Bắc, có chùa Côn Sơn, nơi thờ bậc Công thần - danh nhân Văn hóa thế giới Nguyễn Trãi. Hải Dương còn có người khẩu đội trưởng năm xưa của Tiểu đoàn 107 đã dùng DKZ 75 bắn cháy máy bay HU1A trên đất Quảng Ngãi, nay là Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bùi Thanh Quyến.
Buổi gặp mặt giao lưu và trao Kỷ niệm chương Pháo binh cho cán bộ, chiến sĩ ở đoàn Quảng Ngãi diễn ra đơn giản nhưng đầy cảm động. Lịch họp 8 giờ sáng nhưng chưa đến 7giờ, hội trường của Nhà khách Tỉnh ủy Hải Dương đông nghẹt người. Cán bộ chiến sĩ của cựu Tiểu đoàn hay tin ở khắp miền Tổ quốc - nhất là các tỉnh phía Bắc, hầu như đều tựu về đông đủ. Trên khán đài, ngoài lẵng hoa chúc mừng của lãnh đạo, các ban ngành tỉnh Hải Dương, Bộ Tư lệnh Pháo binh, Ban liên lạc Pháo binh Quân khu 5 -Tây Nguyên… còn có lẵng hoa của lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi, huyện đảo Lý Sơn… càng làm cho buổi họp đầm ấm nghĩa tình.
Trung tá Nguyễn Nhật Thăng – Nguyên tiểu đoàn trưởng giai đoạn 1969 -1973, ngồi trên xe lăn báo cáo tóm tắt lịch sử của Tiểu đoàn “... Thành lập tháng 4/1966 tại Hải Phòng với tên gọi ban đầu là Tiểu đoàn 270 pháo cao xạ 12,8 ly, được điều ngay đến chiến đấu bảo vệ cầu Hàm Rồng (Thanh Hoá). Đến tháng 12/1966 được lệnh hành quân vào Nam và sau đó bổ sung thành Tiểu đoàn pháo binh hỗn hợp đổi tên thành Tiểu đoàn 107 pháo binh, được Bộ Tư lệnh QK 5 điều về chiến đấu trên đất Quảng Ngãi cho đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng. Trong hơn 8 năm chiến đấu trên đất Quảng Ngãi, Tiểu đoàn đã dùng hỏa tiễn cùng các loại pháo đánh phối hợp và tập trung 935 trận, tiêu diệt 2.795 tên địch trong đó có 627 lính Mỹ và quân chư hầu; bắn cháy 96 máy bay các loại, 67 xe tăng, xe bọc thép, thu giữ và phá hủy hàng ngàn phương tiện chiến tranh khác như xe cơ giới, vũ khí, kho tàng, xăng dầu… góp phần to lớn trong việc giải phóng Quảng Ngãi và hoàn toàn miền Nam năm 1975.
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đơn vị được điều ra phòng thủ bờ biển và đảo Lý Sơn. Đến tháng 3/1993 giải thể…” Giọng Trung tá Thăng như chùng xuống khi nhắc đến “…Vinh quang này thuộc về nhân dân cả nước, tỉnh Quảng Ngãi và tất cả chúng ta có mặt hôm nay. Nhưng cao cả nhất là cả ngàn lượt đồng đội của Tiểu đoàn bị thương, hy sinh, trong đó hơn 300 người vĩnh viễn nằm trên đất Quảng Ngãi thân yêu, có người vẫn chưa tìm được hài cốt…”.
Bí thư Tỉnh ủy Bùi Thanh Quyến, nguyên là chiến sĩ C2, DKZ của Tiểu đoàn xúc động nói “…Đã một vài lần gặp mặt, lần này tuy chưa đầy đủ nhưng có lẽ là đông đảo nhất từ TP Hồ Chí Minh, Vũng Tàu, Hà Nội đến tận Lào Cai… đều tranh thủ đến đây, đặc biệt là được đón đoàn đại diện cán bộ, chiến sĩ của D107 ở Quảng Ngãi ra thăm. Trưởng thành từ người lính của Tiểu đoàn, từ lòng mình tôi xin được cảm ơn các đồng đội đã đồng cam cộng khổ, giúp đỡ trong những năm chiến tranh ác liệt, đặc biệt nhân dân Quảng Ngãi đã đùm bọc, che chở, nuôi giấu, cưu mang cho chúng tôi - những người con sinh ra trên đất Bắc được xem như ruột thịt của mình ở miền Nam…”.
Mới đó mà đã nửa thế kỷ, các chiến sĩ trinh sát, pháo thủ ngày nào là học sinh, sinh viên hớn hở vô tư ra trận, nay đầu đã hai thứ tóc, lên chức ông, chức bà. Số phận của mỗi con người sau chiến tranh không giống nhau. Nhưng ở họ vẫn là tấm lòng của những người lính từng “chia ngọt sẻ bùi” trước cái chết và sự sống của chiến tranh.
Minh Điền