Tình quân dân nơi đầu sóng

11:12, 22/12/2012
.

(QNg)- Ra Lý Sơn, chúng tôi được nghe nhiều câu chuyện kể về tình quân dân trên đảo. Mỗi câu chuyện là một bản tình ca với bao nốt nhạc là những việc làm đầy ắp nghĩa tình, tô thắm thêm hình ảnh Bộ đội cụ Hồ trong lòng nhân dân.

TIN LIÊN QUAN


Năm nay, mùa mưa bình lặng đến lạ! Đang giữa mùa đông chúng tôi vẫn có thể ngồi tàu lênh đênh ra đảo Bé - Lý Sơn. Tàu cập cảng, trung úy "quân hàm xanh" Nguyễn Hữu Hùng ra tận mép sóng đón chúng tôi. Sau đó đưa chúng tôi đi bộ một vòng quanh đảo thăm hỏi nhân dân đang trồng hành tỏi mưu sinh, giữ từng tấc biển quê mình.

 

Bộ đội trồng cây xanh trên đảo Lý Sơn.
Bộ đội trồng cây xanh trên đảo Lý Sơn.


Trên cánh đồng tận cùng của đảo, bà Trần Thị Thinh đang cặm cụi ấn từng tép tỏi giống xuống cát trắng mịn, ngừng tay bảo: "Sáng qua, các chú bộ đội Trạm Biên phòng đảo Bé về giúp gia đình trồng xong hai sào tỏi ở phía tây rồi. Đám này diện tích nhỏ, mình cố tự trồng, để các chú ấy còn giúp gia đình khác nữa". Bà Thinh là hộ nghèo, năm nay đã hơn 70 tuổi. Tuổi già của bà Thinh chẳng được thảnh thơi vì bà phải nuôi 2 cháu ngoại mồ côi mẹ, Cha các em đi đánh cá ngoài Hoàng Sa đã nằm lại vĩnh viễn với biển khơi, mẹ em đột ngột qua đời vì bệnh tật. Hiểu được hoàn cảnh của bà Thinh, các chiến sĩ Trạm Biên phòng đảo Bé thường xuyên "ưu tiên" giúp đỡ, chia sẻ việc nhà, việc đồng, cùng bà Thinh chăm sóc, dạy dỗ hai đứa trẻ.

Ở đảo Bé - Lý Sơn, hễ biển động là hơn 100 nóc nhà rơi vào tình trạng cô lập với đất liền. "Nội bất xuất, ngoại bất nhập", có khi kéo dài cả tháng trời. Khi ấy Trạm Biên phòng đảo Bé là chỗ dựa của nhân dân trên đảo. Những bữa cơm tập thể mà các chiến sĩ biên phòng của Trạm "chia lửa" với bà con khi biển động được nhân dân kể lại thật bùi ngùi, cảm động sâu sắc sự mến phục các anh lính Cụ Hồ mang quân hàm xanh.

Trung uý Nguyễn Hữu Hùng được bà con đảo Bé dành cho tình cảm đặc biệt nhất, bởi anh đã có hơn 7 năm tình nguyện công tác trên hòn đảo nhỏ này. Anh Hùng bảo với chúng tôi: "Tình cảm của nhân dân chính là động lực giúp tôi vượt qua mọi khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ của người lính".

Trung uý Hùng bám trụ ở đảo Bé nhiều năm nên đồng đội sợ anh ế vợ! Thế rồi, trong một dịp giao lưu văn nghệ của tập thể giáo viên một trường học trong đất liền với quân dân trên đảo, nghe Hùng kể về "thành tích bám đảo" của mình, có một cô giáo trẻ đã cảm kích, cảm mến và tình yêu nảy nở. Cô giáo ấy giờ đã là vợ của anh. Lấy nhau, trung uý Hùng vẫn ở lại đảo Bé, cô giáo trẻ công tác trong đất liền. Hùng kể: "Ngày mình chọn đi hỏi vợ, giông bão lại bủa về đảo Bé, mình không về được.

Lễ ăn hỏi thiếu chú rể nhưng thừa niềm vui vì cô ấy càng hiểu đời lính biên phòng của mình nhiều hơn".


Chia tay trung uý Hùng và những người lính mang quân hàm xanh ở đảo Bé, trở về đảo lớn, chúng tôi có dịp tham dự hoạt động "nghĩa tình biên giới hải đảo" của cơ quan quân sự huyện Lý Sơn. Không gian ấm áp, thân tình như chẳng hề có lằn ranh giữa người dân và các chiến sĩ ở đây. Những hạt gạo chắt chiu từ bếp ăn của lính được đem ra để trao tay người nghèo. Mỗi ngày một nắm nhỏ nhưng "góp gió thành bão", một năm qua hũ gạo tình thương lên đến hơn 700kg. Những đồng tiền tiết kiệm chi tiêu vặt hàng ngày được bỏ vào "heo đất" đến gần chục triệu đồng để trao học bổng cho các em học sinh nghèo hiếu học.

Xúc động nhất về tình quân dân nơi chân sóng ấy chính là câu chuyện "giảm một hộ nghèo" mà ngư dân nghèo Lê Văn Đa ở khu dân cư số 4, thôn Đông, xã An Vĩnh kể với chúng tôi. Nhờ sự giúp đỡ của các chiến sĩ, anh Đa đã được hỗ trợ 40 triệu đồng đầu tư trồng hành tỏi, mua thêm lưới để đánh bắt gần bờ. Một năm trôi qua, anh Đa đã vươn lên cải thiện cuộc sống. Chia sẻ với khó khăn của đồng đội, cơ quan quân sự huyện Lý Sơn còn đóng góp 17 triệu đồng giúp chiến sĩ dân quân thường trực Trần Sang ở đảo Bé xây dựng nhà mới...

Không thể kể hết những câu chuyện mà chúng tôi được nhân dân kể về tình nghĩa của những chiến sĩ quân đội nhân dân đang công tác trên đảo Lý Sơn. Thượng tá Nguyễn Thành Định - Chính trị viên cơ quan quân sự huyện Lý Sơn cho biết: "Truyền thống "tương thân tương ái" từ lâu như là tình cảm tự nhiên chứ không chỉ vì hai chữ "trách nhiệm". Đó chính là điểm tựa để anh em trong đơn vị hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao".      


Bài, ảnh: THANH NHỊ

 


.