Ký ức ngày giải phóng Ba Tơ

07:10, 30/10/2012
.

(QNg)- Những ngày này 40 năm trước, đất Ba Tơ sục sôi khí thế cách mạng. Quân và dân Ba Tơ ráo riết chuẩn bị giải phóng quê hương khỏi sự xâm chiếm tàn bạo của Mỹ-ngụy. Để đến ngày 30/10/1972, Ba Tơ hoàn toàn giải phóng, trở thành huyện đầu tiên của khu V không còn bóng dáng của kẻ thù.


45 NGÀY ĐÊM LỊCH SỬ

Giải phóng Ba Tơ là thành quả của một quá trình đấu tranh kéo dài của quân và dân nơi đây. Và cao trào của cuộc chiến “trường kỳ” ấy bắt đầu từ ngày 15/9/1972, khi Ba Tơ được chọn là nơi mở đầu của chiến dịch sau Thu do Tỉnh ủy Quảng Ngãi phát động.

Tối 15/9/1972 trời mưa to, bão lụt nhưng nhờ quyết tâm của bộ đội chủ lực, người dân địa phương, du kích... ta đồng loạt nổ súng đều khắp và mạnh mẽ. Bằng sức mạnh quân sự to lớn của Trung đoàn 52, đặc công Quân khu V, bộ đội chủ lực của tỉnh (D20), ta đã tiêu diệt, bao vây bọn ngụy quân, ngụy quyền trong các mục tiêu đánh chiếm. Đến 21 giờ 45 phút ngày 18/9/1972, ta đã chiếm lĩnh hoàn toàn quận lỵ Ba Tơ. Riêng chi khu Đá Bàn do lụt lớn, bộ đội ta vượt sông gặp khó khăn nên trận đánh không dứt điểm, địch co cụm phản kích chờ quân tiếp viện.

Bộ đội ta ký thi đua quyết tâm giải phóng Ba Tơ.  Ảnh: TL
Bộ đội ta ký thi đua quyết tâm giải phóng Ba Tơ. Ảnh: TL


Lúc này, địch không thể tiếp viện được cho Đá Bàn vì ta đã bao vây chặt. Súng đạn, lương thực, thuốc men được địch thả xuống trở thành nguồn bổ sung cho quân giải phóng. Theo chỉ đạo của Quân khu, Trung đoàn 52 cùng lực lượng địa phương có nhiệm vụ chốt giữ quận lỵ Ba Tơ, đánh địch phản kích và  tiến tới tiêu diệt Trung tâm biệt kích Đá Bàn.

Địch phản kích quyết liệt, cho quân lấn chiếm một số điểm cao xung quanh quận lỵ, dùng pháo, máy bay B52, B57 đánh phá liên tục ngày đêm hầu hết các chốt của ta, quận lỵ Ba Tơ trở thành “túi bom”, “túi pháo” của địch. Song khẩu hiệu “Hy sinh vì Tổ quốc, quyết giải phóng Ba Tơ” đã trở thành hành động của quân và dân Ba Tơ, của bộ đội Trung đoàn 52.

Những ngày cuối tháng 10/1972, trời vẫn mưa tầm tã, tình hình chiến sự ngày càng gay go, ác liệt. Vòng vây của quân giải phóng ngày càng khép chặt. Kế hoạch phản kích chiếm lại Ba Tơ của địch bất thành. Đúng 23 giờ 45 phút ngày 29/10/1972, ta mở đợt tấn công bằng hỏa lực mạnh. Đến ngày 30/10/1972, ta tiêu diệt Trung tâm biệt kích Đá Bàn, diệt dứt điểm Tiểu đoàn biệt động 69; đồng thời đánh dạt một bộ phận nhỏ tàn quân ngụy chạy về phía Minh Long. Vậy là, huyện Ba Tơ đã hoàn toàn giải phóng sau gần 45 ngày đêm lịch sử. Cờ đỏ tung bay giữa núi rừng Ba Tơ hùng vĩ.

HẠNH PHÚC CỦA NGƯỜI LÍNH GIÀ

Những người lính khi xưa tham gia giải phóng Ba Tơ nay đã già, có người không còn nữa. Nhưng với người lính già Phạm Văn Hương (xã Ba Liên, Ba Tơ), nay đã ngoài 70 tuổi, thì ký ức về cuộc chiến vẫn còn nguyên vẹn. Có những câu chuyện “bên lề” cuộc chiến mà bây giờ đã trở thành kỷ niệm.

Ông Phạm Văn Hương say sưa kể chuyện giải phóng Ba Tơ. Ảnh: NGỌC ĐỨC
Ông Phạm Văn Hương say sưa kể chuyện giải phóng Ba Tơ. Ảnh: NGỌC ĐỨC


Một tháng trước ngày giải phóng, Huyện đội phó Phạm Văn Hương được lệnh túc trực tác chiến. Thế là đằng đẵng cả tháng trời vị chỉ huy ấy không... tắm. “Vì là chỉ huy nên phải thường xuyên nắm bắt tình hình, kịp thời nghe chỉ đạo của cấp trên, do đó mình phải nhịn tắm mà ngồi “ôm” máy liên lạc. Chiến sự đang ác liệt, nếu bỏ lỡ một mệnh lệnh khẩn từ cấp trên là ảnh hưởng đến đại cuộc ngay”- ông Hương nhớ lại.

Già Hương kể: Làm bạn với bộ đội những ngày ấy là chị em thuộc Hội phụ nữ huyện. Cách các chị chăm sóc anh em trong chiến tranh lửa đạn mới quý làm sao. Từng bó rau rừng, từng chén muối hòa với nước sông được bày biện gọn gàng, sạch sẽ là tấm lòng của các chị dành cho những người lính như Phạm Văn Hương. “Chính bàn tay dịu dàng của các chị đã chăm sóc chúng tôi lúc đau ốm hay bị thương. Nhờ đó, chúng tôi vững tin để tiếp tục chiến đấu”- già Hương bùi ngùi. Thật vui khi biết rằng, trong số những cô gái ấy, có một người đã trở thành vợ ông. Cô gái ấy tên là Phạm Thị Điếc.

Trước thế trận giằng co với địch ở chi khu Đá Bàn, ta buộc phải liên tục chuẩn bị nguồn lương thực, thực phẩm. Ngày ấy, việc người lính Phạm Văn Hương cõng 60kg gạo trên đôi vai đi bộ từ Sa Huỳnh về Ba Tơ là chuyện thường ngày. Ngồi nghĩ lại lúc đó, già Hương bảo, có lẽ niềm khát khao nhìn thấy quê hương được giải phóng đã hun đúc ý chí của mỗi người lính. Để rồi với động lực ấy, họ đã làm được những việc phi thường.

Chúng tôi hỏi ông Phạm Văn Hương về cảm giác những ngày đầu quê hương được giải phóng, vị lính già ánh mắt xa xăm nhớ lại: Niềm vui giải phóng quê hương quá to lớn, choáng hết mọi suy nghĩ. Hạnh phúc, niềm vui và nước mắt hòa quyện vào nhau tạo nên “vị ngọt” khó phai mờ.

BẮN RƠI 4 MÁY BAY ĐỊCH


Ông Phạm Văn Hương kể rằng: Trong trận đánh với địch ở khu vực suối Lệ Trinh (xã Ba Chùa) vào cuối tháng 10/1972, đơn vị của ông đã bắn rơi 4 máy bay trực thăng của địch. Trong đó, chính tay ông bắn rơi 1 chiếc. Ngày đó, với vũ khí còn nhiều hạn chế mà đã bắn rơi được máy bay địch như vậy là kỳ tích. “Với số vũ khí ít ỏi, chúng tôi chỉ có thể đánh bằng quyết tâm và niềm tin sắt đá”- ông Hương khẳng định.


NGUYỄN TRIỀU

 


.