(QNg)- Cán bộ trinh sát, vận động quần chúng tại các đồn Biên phòng hàng ngày bám địa bàn, cùng ăn, cùng ở, cùng làm với nhân dân, nên nhiều gia đình coi lính biên phòng như con trong nhà.
TIN LIÊN QUAN |
---|
CHỐT CHỈ HUY TẠI NHÀ DÂN
Ở thôn Phước Thiện, xã Bình Hải (Bình Sơn), người dân chài thường chỉ ra ngôi nhà nằm bên mé biển với câu nói quen thuộc: "Nhà ông bà Mai Hớn, Đồn công an biên phòng Bình Hải từ ngày giải phóng đóng ở đó".
Đại tá Ngô Duy Mười (thứ 2 bên trái) Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh thăm hỏi đồng bào vùng cao. |
Gọi là "đồn" nhưng chỉ là một ngôi nhà nhỏ, mái tôn đen xỉn, vách bằng phên tre. Toàn bộ ngôi nhà đã bị gió đẩy chao nghiêng như bóng dáng già nua của vợ chồng ông. Ông bà Mai Hớn đều trên 80 tuổi. Từ ngày giải phóng, ông bà thương yêu Bộ đội Biên phòng. Hết lớp này đến lớp khác ông đều coi lính biên phòng như con cái trong gia đình. Ông thường tần ngần nhắc tên từng cán bộ, những đồng chí quê ở Bình Định, Nghệ An... Kỳ thực, căn nhà ấy lại chính là "cơ quan tác chiến" của các chiến sĩ Đồn biên phòng Bình Hải. Suốt nhiều tháng năm gian khó, anh em trinh sát và Ban chỉ huy đồn khi xuống địa bàn thường có mặt ở đây. Tất cả chụm lại họp bàn phương án rồi nhanh chóng hòa vào bóng đêm để làm nhiệm vụ.
Đại úy Nguyễn Tấn Nỉ (cựu chiến binh), thượng tá Trần Như Tám (hiện là Phó phòng trinh sát Bộ Chỉ huy biên phòng tỉnh) và nhiều cán bộ biên phòng khác từng có mặt ở ngôi nhà này đều nhớ những "bữa cơm cuối cùng với mẹ" khi hoàn thành nhiệm vụ về quê. Đại tá Nguyễn Thanh Phương, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh, mỗi lần ghé thăm địa bàn đều mang theo món quà nhỏ tặng gia đình cụ. Giờ ông, bà Hớn đã đi xa. Nhưng, đến Phước Thiện mà hỏi: "Đồn biên phòng bà Hớn", ai cũng có thể kể về những câu chuyện đầy ắp tình quân dân tại địa phương này.
Cuộc sống giờ có nhiều đổi thay. Tuy nhiên, mấy chục năm qua, những người lính biên phòng vẫn hàng ngày xuống bám địa bàn thực hiện phương châm ba cùng, bốn bám và có hàng trăm gia đình như cụ Hớn. Để trở thành những người con ở các làng chài, các anh luôn chia ngọt, sẻ bùi với người dân. Có những chiến sĩ đã bén duyên và lập gia đình ngay tại làng biển, mảnh đất mà cuộc đời binh nghiệp của các anh đã gắn bó.
20 NĂM NUÔI CON
Ở Quảng Ngãi, có những người mẹ ròng rã 20 năm nuôi các con là CBCS Bộ đội Biên phòng. Mẹ Nguyễn Thị Hải (Tứ) ở thôn An Cường, xã Bình Hải, có một miếng mít, một quả ổi bà cũng chạy lên đưa tận tay cho mấy con bộ đội biên phòng. Thấy mẹ lúc nào cũng nhắc bộ đội, thằng con út thường cự nự: "Mẹ thương bộ đội hơn cả thương con".
Mẹ Châu Thị Hôm và gia đình ông Nguyễn Văn Lâm ở thôn Trung Hải, xã Phổ Khánh (Đức Phổ), vợ chồng ông Nguyễn Hợi ở thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu... là những người gần 20 năm cưu mang và giúp đỡ Bộ đội biên phòng. Chúng tôi ghé thăm nhà mẹ Thân ở thôn Trung Hải, xã Phổ Khánh (Đức Phổ), chị Nguyễn Thị Hoa, con gái mẹ thắp nén hương dâng lên bàn thờ mẹ Thân và kể lại: "Hơn 20 năm mẹ thương các anh em biên phòng như con đẻ. Mấy chú cõng gạo từ Sa Huỳnh đi bộ lên xã. Vừa tới nhà, mấy chú phân công nhau người thì nấu cơm, quét nhà, dọn dẹp, gánh nước. Mẹ giành làm các công việc nhưng hổng chú nào chịu nghe". Chị Hoa được mấy chú coi như đứa em út. Hết lớp chiến sĩ này đến lớp chiến sĩ khác, chị Hoa lớn lên, anh em biên phòng đến sau lại nhận chị làm chị Cả.
Ở xã Phổ Khánh (Đức Phổ), chuẩn úy Phạm Ngọc Quang, quê ở tỉnh Hải Dương được phân công cắm chốt làm công tác dân vận ở Phổ Khánh từ khi còn là chàng lính trẻ măng. Gần 20 năm qua, mẹ Châu Thị Hôm đã trở thành người mẹ thứ hai của chuẩn úy Quang và rất nhiều chiến sĩ. Chàng chuẩn úy ngày nào giờ đã thành đại úy, lên chức bố và lập gia đình ở tại làng biển này.
Bài, ảnh: LÊ VĂN