Giải pháp nào để hạn chế việc ngư dân xâm phạm Cảng xuất sản phẩm, NMLD Dung Quất?

10:02, 07/02/2012
.

(QNĐT)- Liên tục trong tháng 11 và 12/2011, hàng trăm phương tiện thuyền, thúng đánh bắt hải sản của ngư dân huyện Bình Sơn xâm nhập vào hàng lang an toàn Đê chắn sóng và Cảng xuất sản phẩm NMLD Dung Quất. Đã nhiều lần chính quyền địa phương vào cuộc xử lý, nhưng sự việc đâu vẫn vào đấy. Qua tìm hiểu, vấn đề then chốt là phải giải quyết an sinh cho ngư dân, bởi đó là nghề truyền đời hàng trăm năm qua của họ.

TIN LIÊN QUAN


Anh Khương Lê Thành - Trưởng phòng An toàn môi trường NMLD Dung Quất cho biết: Trung bình mỗi ngày có đến hàng trăm thuyền đánh bắt hải sản của ngư dân, xâm phạm sâu vào bên trong hành lang an toàn Cảng xuất sản phẩm (Jetty), một số thuyền ngư dân tiến sát gần tàu nhận sản phẩm như (xăng, dầu, khí hóa lỏng...) của NMLD Dung Quất để đánh bắt hải sản và neo đậu rất dễ xảy ra va chạm và cháy nổ.

Ngư dân Nguyễn Đức Trang phát biểu ý kiến tại buổi họp dân ở xã Bình Thuận.
Ngư dân Nguyễn Đức Trang phát biểu ý kiến tại buổi họp dân ở xã Bình Thuận.


Lực lượng bảo vệ của NMLD Dung Quất vận động ngư dân điều khiển phương tiện ra khỏi hành lang an toàn, nhưng hầu hết đều không tuân thủ.

Một số chủ thuyền có hành vi thách thức, chống đối lại lực lượng bảo vệ , gây ảnh hưởng đến an ninh, an toàn khu xuất sản phẩm.

Nguy hiểm hơn, nếu để tình hình này kéo dài có thể tạo cơ hội cho các đối tượng xấu lợi dụng trà trộn phá hoại hay gây rối trật tự công cộng, mất an ninh trật tự, an toàn tại khu vực công trình quan trọng liên quan đến an ninh Quốc gia.

Trước tình hình trên, chính quyền địa phương đã nhiều lần vào cuộc xử lý, tuy nhiên sự việc cứ kéo dài. Tại cuộc họp dân mới đây vào tháng 1/2012 tại xã Bình Thuận, đại đa số ngư dân cho rằng: Đây là nghề truyền thống của họ, nhiều thế hệ đã mưu sinh bằng nghề này hơn hàng trăm năm qua.

Ngư dân Nguyễn Đức Trang - thôn Tuyết Diêm II, xã Bình Thuận bức xúc: Gia đình tôi sinh sống bằng nghề này từ mấy chục năm nay, từ lúc chỉ có cát và biển chưa một công trình nào của NMLD hay Khu kinh tế Dung Quất... giờ cấm vận thì vợ và con chúng tôi biết dựa vào đâu để sinh sống? Vì vậy, chúng tôi  đề nghị chính quyền địa phương phải chuyển đổi ngành nghề cho ngư dân chúng tôi, khi nào giải quyết được vấn đề an sinh xã hội thì khi đó chúng tôi tự rời khỏi khu vực Cảng xuất sản phẩm.

Theo phương án của chính quyền địa phương thì giới hạn hành lang an toàn là 500 mét, cách từ chân cầu cảng trở ra. Theo đó, mọi hoạt động của ngư dân đều phải nằm ngoài hành lang an toàn này.

Anh Bùi Văn Thương, xã Bình Thuận cho hay: Nếu theo cách giới hạn này, chúng tôi hoạt động và neo đậu hết thuyền, thúng... ngay ngoài hành lang an toàn thì lúc đó còn lối nào cho tàu chở dầu ra vào khu vực Cảng xuất sản phẩm. Chúng tôi mong mỏi rằng, chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng cần nghiên cứu giải pháp thích hợp, cụ thể, thiết thực và lâu bền hơn. Nếu được chuyển đổi nghề nghiệp thì chúng tôi sẵn sàng từ bỏ cái nghề "chim trời, cá biển này".


V.N
 


.