Chốt đón tàu không số

10:10, 14/10/2011
.

(QNg)- Để đón hàng từ tàu không số, các tỉnh phía Nam đã thành lập các chốt dọc tuyến biển. Ở tỉnh Quảng Ngãi có đơn vị chốt ở bờ biển lấy mật danh HB 18. Ông Võ Văn Cầu là nhân chứng đã 2 lần đi đón tàu không số.
 
"RA ĐA" BỜ BIỂN

Khi những con tàu không số bí mật chở vũ khí từ miền Bắc vào Nam, lực lượng vũ trang tại các tỉnh phía Nam đã lập tức xây dựng nhiều trạm để đón tàu. Các trạm được bố trí bí mật tại các xã ven biển. Tại Quảng Ngãi, một đơn vị bờ biển ra đời, lấy mật danh là HB 18. Ông Võ Văn Cầu (SN 1936) là một trong những nhân chứng còn sống.
 
Ông Cầu kể cho các chiến sĩ biên phòng về nhiệm vụ của trạm để đón tàu không số.
Ông Cầu kể cho các chiến sĩ biên phòng về nhiệm vụ của trạm để đón tàu không số.

Quê ông Cầu ở thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu (Bình Sơn). Để những chiếc tàu không số hành trình xuyên suốt từ Bắc vào Nam, chốt của ông phải làm một công việc thay cho ra đa bờ biển - đó là bất kể nắng mưa, 5 anh em trong tổ thay phiên nhau dùng ống nhòm quan sát và ghi chép lịch trình của tàu địch. Chốt của ông được bố trí tại một sân đồn của Nhật nằm tại một gành biển, cây cỏ mọc um tùm. Tàu chiến của địch đi ra hay đi vào, đặc điểm, số tàu, thời gian hành trình đều phải mô tả tỉ mỉ trên sổ. Tất cả thông tin này được giao cho điện đài mã hóa và chuyển cho Trung tâm chỉ huy.

Khi phát hiện có sự theo dõi của các lực lượng bờ biển, địch đã đổi chiến thuật bằng cách sơn tàu chiến 2 màu. Mạn trái màu xám nhà binh, mạn phải màu trắng của tàu buôn để đánh lừa các trạm quan sát bờ biển. Năm 1968, trạm của ông di chuyển lên bờ biển thôn An Sen, xã Bình Phú để đón một chuyến tàu đặc biệt. "Nếu thấy ngoài biển chớp pin theo ám hiệu sáng, mờ, sáng thì trong bờ bật pin đáp lại tương tự" - ông Hồ Luân, chỉ huy giao nhiệm vụ cho toàn đội.

Ròng rã mấy đêm cùng anh em bộ đội, ngoài biển vẫn không có tín hiệu gì. Đến mờ sáng đêm thứ 3 thì chiếc tàu xuất hiện. Bám theo chiếc tàu không số là cả một đoàn tàu địch nã súng ầm ầm định bắt sống. Máy bay địch quần đảo quăng pháo sáng làm mặt biển sáng rực như ban ngày. Trong bờ bật tín hiệu liên tục để thông báo có lực lượng đất liền. Các chiến sĩ trên tàu không số thoát khỏi vòng vây, bơi vào bờ và cho tàu nổ tung.

Ông Cầu nhớ mãi hình ảnh 11 chiến sĩ trên tàu không số mặc bộ quần áo bà ba ướt sũng, tất cả đều trẻ trung. Ông Cầu và anh em trong tổ được giao nhiệm vụ trụ lại lặn vớt các loại vũ khí còn chìm dưới biển.

TÀU ĐỊCH BAO VÂY

Đêm 15/7/1967, ông Cầu được chỉ huy giao nhiệm vụ đặc biệt - chạy thuyền ra hướng đảo Lý Sơn đón tàu không số. Tất cả 6 chiến sĩ trên thuyền không biết tên nhau, chỉ gọi bằng số từ 1 đến 6. Ông Cầu mang số 4. Trước khi xuất phát, người chỉ huy phát cho mỗi chiến sĩ một khẩu súng K 59, vài quả lựu đạn và căn dặn: "Không được rơi vào tay địch. Nếu bị địch bắt thì phải tự sát".

Lúc 21giờ, thuyền xuất phát từ cửa Sa Kỳ và hướng ra phía đảo Lý Sơn. Tất cả các chiến sĩ trên thuyền đều căng mắt về phía trước. Nếu có tín hiệu bằng đèn pin từ tàu không số thì đáp trả và quay vòng đèn pin về phía cửa  Sa Kỳ. Một đêm căng thẳng trên biển, tín hiệu của tàu không số vẫn bặt tăm. Đến gần sáng, phía trước mũi tàu hiện lên một quầng sáng và tiếng súng ì ầm. Tàu không số bị nhiều tàu chiến của địch bao vây.

Các chiến sĩ trên tàu không số đã lao tàu về phía cảng Sa Kỳ và bơi thoát vào bờ. Lực lượng đón lõng trong đất liền đã đưa các chiến sĩ trên tàu không số vào vùng an toàn ở xã Tịnh Khê. Còn trên biển, chiếc thuyền của ông Cầu âm thầm hướng mũi về vùng biển phía nam và vào chốt Đức Lợi.

Sau những lần đón tàu, ông Cầu còn tham gia vào các trận đánh dẹp các đồn bót ven biển, tạo ra vành đai an toàn. "Có nhiều trận ác liệt, anh em mình không rút kịp và bị kẹt lại. Vậy là địch cho tàu chiến đổ bộ lên vây chặt đơn vị. Chỉ còn tôi với một vài anh em may mắn sống sót" - ông Cầu hồi tưởng.

Lần giở trong tủ, lôi ra một cuốn sổ bìa cũ. Trong sổ còn lưu lại những lời tâm sự của đồng đội trong đơn vị HB 18 lúc chia tay. "Đây là lưu bút của anh Đào Văn Lục, quê ở Tân Đức - Phú Bình - Bắc Thái. Anh có vợ là Hoàng Thị Ứng. Tôi đã viết thư ra tìm mấy lần nhưng vẫn không thấy hồi âm. Bây giờ không biết anh còn sống hay chết" - ông Cầu bùi ngùi kể lại tình đồng đội trong những năm tháng chiến tranh.

     Bài, ảnh: VĂN CHƯƠNG

.