(QNg)- Quảng Ngãi có 6 huyện miền núi với số dân trên 168 ngàn người. Những năm qua Công an các huyện miền núi đã tham mưu cho cấp ủy và chính quyền địa phương tranh thủ già làng, người uy tín để đảm bảo an ninh, trật tự (ANTT) phục vụ phát triển kinh tế xã hội ở địa phương.
Những năm qua, Giám đốc Công an tỉnh đã chỉ đạo các phòng nghiệp vụ phối hợp chặt chẽ với Công an các huyện miền núi triển khai đồng bộ các biện pháp phát động phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”. Trong đó chú trọng việc tranh thủ các già làng, người có uy tín trong đồng bào các dân tộc thiểu số trong công tác đảm bảo ANTT. Công an các địa phương, đơn vị đã tranh thủ được 387 già làng, người có uy tín ủng hộ các phong trào (nhiều nhất là huyện Ba Tơ có 114 cụ, Sơn Hà 78 cụ, Sơn Tây 71 cụ, Minh Long 52 cụ…).
Lãnh đạo Công an tỉnh trao đổi với các già làng, người có uy tín huyện Sơn Hà. Ảnh: TV |
Các già làng, người uy tín đã và đang đóng góp tích cực trong việc tuyên truyền, vận động nhân dân, con cháu trong gia đình, dòng họ tự giác thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nêu cao tinh thần cảnh giác, phát hiện và báo cáo các cấp có thẩm quyền xử lý kịp thời các vụ việc có liên quan đến ANTT; tham gia tích cực vào công tác phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội; vận động đối tượng có lệnh truy nã ra đầu thú; vận động nhân dân giao nộp vũ khí, vật liệu nổ.
Đồng thời Công an các huyện miền núi đã phối hợp chặt chẽ với Mặt trận cùng cấp thường xuyên bám dân, bám địa bàn thực hiện "4 cùng" (cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng dân tộc); tôn trọng lắng nghe ý kiến của đồng bào. Thông qua đó nắm chắc tình hình, chủ động giữ vững ANTT ngay từ cơ sở.
Theo chân Trung úy Phạm Văn Sang - cán bộ an ninh, Công an huyện Ba Tơ, chúng tôi đến nhà ông Phạm Văn Lân (ở thôn Nước Lang, xã Ba Dinh). Ông Lân là người có uy tín với đồng bào dân tộc ở địa phương. Ông cho biết: Để vận động người dân thực hiện tốt các chính sách của Nhà nước trước tiên mình phải gương mẫu thực hiện tốt thì mọi người sẽ nghe theo. Mặt khác mình phải tích cực trong lao động sản xuất để phát triển kinh tế, từ đó mọi người làm theo.
Đến huyện Minh Long chúng tôi tìm gặp cụ Nguyễn Đức Thịnh, người dân tộc Hrê ở thôn Hà Liệt, xã Long Hiệp. Cụ Thịnh đã từng là Bí thư Huyện uỷ nên khi nghỉ hưu về địa phương, cụ đặc biệt có uy tín với đồng bào ở đây. Với những kinh nghiệm của mình, cụ thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở bà con có nhận thức đúng về pháp luật để thực hiện. Từ đó thôn Hà Liệt được công nhận đạt chuẩn văn hoá, đời sống của người dân được nâng cao, hộ đói ngày càng giảm, không có người vi phạm pháp luật. Ở huyện Sơn Tây chúng tôi còn được biết đến cụ Đinh Văn Đăm (ở thôn Tà Dô, xã Sơn Tân). Cụ Đăm chủ động đến gặp những người có uy tín ở xã Sơn Bao (Sơn Hà) để bàn bạc, giải quyết việc xâm canh, trâu bò phá hoại hoa màu ở vùng giáp ranh giữa 2 xã, không để xảy ra phức tạp.
Giản dị, mộc mạc, chân tình và đầy nhiệt huyết, những già làng, người có uy tín ở các huyện miền núi đã và đang là tấm gương sáng, là cầu nối giữa Đảng với dân, là điểm tựa tinh thần trong đồng bào các dân tộc thiểu số. Họ đã và đang góp phần quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh tại các huyện miền núi của tỉnh.
VĂN TRA