Biết cái chữ nhờ Biên phòng

02:08, 27/08/2010
.

 
(QNg)- Giờ đây Thạnh Đức 2 đã chuyển mình và trở thành một trong những thôn "vượt mặt" cả làng cá Thạch Bi. Đến thôn văn hóa Thạnh Đức 2, đi dưới những ngôi nhà khang trang hôm nay, nhiều người dân vẫn còn nhắc đến "công trình xóa mù" của Bộ đội Biên phòng. Chuyện cũ, nhưng lại luôn mới.


BỎ CHỒNG CON  ĐI HỌC
Nghe tin cặp tàu vào bến, chị Hiệp tất tả ôm sổ chạy qua. Chủ nậu ứng dầu, đại lý 3 tạ gạo, mắm, muối… Chị Hiệp nhẩm tính đối chiếu với số cá mà ngoài biển điện vào và quy ra tổn, thì vẫn còn tiền chia cho bạn. Chị Hiệp kể lại: Hồi chiến tranh chạy giặc hoài, rồi đi ở mướn, làm gì biết chữ. Cách khá lâu, nghe tin biên phòng mở lớp xóa mù ở Thạnh Đức 2, tôi mừng hết biết, vậy là xin đi học. Nghe quyết định đột ngột này, ông xã của chị - Anh hai Hòa không chút đắn đo, mà gật đầu cái rụp: "Ờ thì bà học cho biết chữ. Mai mốt con lớn, tui sắm ghe còn biết đường mà tính tổn, mua hàng, rồi dựng vợ gả chồng còn biết đường nói chuyện với sui gia".

Vậy là tôi dùi mài theo lớp học. Thầy giáo - Trung úy Võ Văn Dương đứng lớp. Chữ nào có vẻ con đàn cháu đống (nhiều chữ cái) thì hỏi thầy và cố nhớ, để về ôn lại. Cứ buổi chiều chị Hiệp lại tất tả: "Thôi cả nhà ăn cơm trước, tui đi học khuya về ăn sau". Chỉ một thời gian chị đã bắt đầu đọc tên nhãn hiệu của các loại hàng hóa, sau chuyển sang đọc sách. Ban đầu đọc chậm, lâu ngày đọc nhanh dần. Chị cảm thấy cuộc đời còn có quá nhiều điều mà trước đây chưa hề biết. Còn riêng anh hai Hòa - Chồng chị thì tự hào: "Bả đọc được, nên biết mọi cái tường tận, còn hồi trước kia chỉ toàn nghe người ta kể lại, vừa tào lao, vừa tam sao thất bản".

Bù lại những thiệt thòi của mình, các con trai của chị: Trần Ngọc Thạch, Trần Thị Hỡi đều được học hành đến nơi đến chốn. Nếu học giỏi, theo được luôn thì làm nghề bờ, không học nổi thì cũng phải hết cấp 2 cấp 3 gì đó, mới đi biển. Sau này đi biển cũng phải có trình độ mới điều khiển được các loại máy móc, nhất là coi định vị, tầm ngư, hải đồ… Đó là điều anh chị quán triệt cho mấy cậu con trai trong nhà.

Hứa là làm, khi 3 đứa con trai đã trưởng thành, anh Hòa bắt đầu nâng cấp chiếc tàu cá làm nghề giã cào. Làm ăn khá, anh mua thêm một chiếc nữa cho đủ cặp. Và cũng từ đó, công việc của bà chủ tàu mới thực sự bận rộn.

CHUYỆN CŨ LUÔN MỚI
Chị Hiệp cho biết, nhiều khi tàu vô mấy cửa biển khác, mình phải đón xe theo. Đi mua hàng hóa cũng phải biết nhãn hiệu tốt, để ra tiệm tìm mua. Nếu quan hệ với các chủ nậu  không biết cầm bút viết vô sổ, không biết cột nào ghi cá rác, cột nào ghi cá xuất khẩu loại 1, loại 2… thì dễ bị người ta coi thường, qua mặt và tìm cách tính gian.

Nhiều năm làm ăn thuận lợi, căn nhà tôn ọp ẹp của chị đã được thay thế bằng ngôi nhà ngói rộng và khang trang. Có được nguồn nhân lực tốt, cặp tàu của chị thường xuyên đi đánh bắt gặp nhiều thuận lợi. Thực tế cho thấy nếu ngư dân đi biển biết khai thác hết các tính năng của các loại thiết bị, cộng với kinh nghiệm đúc kết được trong quá trình đi biển, thì cơ may trong việc đánh bắt sẽ lớn hơn những người khác.

Câu chuyện của chị Hiệp cũng là câu chuyện của rất nhiều chị em hiện nay đang làm bà chủ của những đôi tàu lớn tại thôn Thạnh Đức 2. Nhiều chị hỏi chuyện đều cùng một tâm trạng: "Biết chữ cũng rất đỡ cho việc làm ăn…". Trong câu chuyện, các chị luôn không quên thầy giáo Dương - người đã tận tình bên ngọn đèn dầu để truyền đạt say sưa cho các chị.

Là một thôn nằm bên kia sông của Sa Huỳnh, nhiều năm trước, đường qua Thạnh Đức 2 là chiếc cầu gỗ lắc lẻo. Đồn Biên phòng 304 đã cử một tổ công tác sang chốt tại Thạnh Đức và mở lớp xóa mù, làm cầu, đường và nhiều công trình khác giúp nhân dân. Còn giờ đây Thạnh Đức 2 đã chuyển mình và trở thành một trong những thôn "vượt mặt" cả làng cá Thạch Bi. Đến thôn văn hóa Thạnh Đức 2, đi dưới những ngôi nhà khang trang hôm nay, nhiều người dân vẫn còn nhắc đến "công trình xóa mù" của Bộ đội Biên phòng. Chuyện cũ, nhưng lại luôn mới.

            Bài, ảnh: HÀ ANH

.