(Báo Quảng Ngãi)- Toàn tỉnh hiện có 124 hồ thủy lợi, thủy điện; trong đó, có 25 hồ lớn, 36 hồ vừa và 63 hồ nhỏ. Hầu hết các hồ chứa có lưu vực lớn, độ sâu hơn 10m, được xem là điều kiện thuận lợi để phát triển nghề nuôi trồng thủy sản nước ngọt.
[links()]
Cải thiện cuộc sống người dân
Ông Nguyễn Văn Tuấn, ở xã Đức Tân (Mộ Đức) cho biết, nguồn lợi thủy sản trong lòng hồ chứa nước Đá Bàn rất dồi dào, nhiều nhất là cá mè, trắm cỏ và cá lóc. Hoạt động đánh bắt thủy sản ở hồ Đá Bàn chủ yếu vào ban đêm hoặc rạng sáng. Tuy vất vả nhưng gia đình có thêm nguồn thu nhập.
Hồ chứa nước Nước Trong, xã Sơn Bao (Sơn Hà) có nhiều tiềm năng trong nuôi trồng thủy sản nước ngọt. |
Tại hồ chứa nước Nước Trong, ngoài nguồn lợi thủy sản tự nhiên dồi dào, thì chính quyền địa phương, Chi cục Thủy sản tỉnh cũng triển khai thí điểm mô hình nuôi cá lăng nha và cá điêu hồng trong lồng bè. Ông Đinh Văn Ôn, ở xã Sơn Bao (Sơn Hà) cho biết, cá lăng nha và cá điêu hồng nuôi lồng tại hồ Nước Trong phát triển tốt, không xảy ra dịch bệnh. Sau 7 - 8 tháng nuôi là có thể thu hoạch, sản lượng trung bình từ 3 - 3,5 tạ/lồng. Thông qua Hợp tác xã Nông nghiệp - Thương mại và Dịch vụ Hiệp Phát (Sơn Hà), nhiều người trong và ngoài tỉnh đặt hàng tiêu thụ nên đầu ra và giá bán ổn định, người dân có thu nhập khá.
Theo Chi cục Thủy sản tỉnh, toàn tỉnh hiện có trên 940ha diện tích mặt nước nuôi thủy sản nước ngọt, trong đó có khoảng 800ha nuôi ở các hồ chứa, với sản lượng khoảng 1.700 tấn/năm. Riêng 3 hồ chứa nước gồm: Nước Trong, xã Sơn Bao và Đồng Giang, xã Sơn Giang (Sơn Hà), Hố Tạc, xã Nghĩa Thuận (Tư Nghĩa) được Sở NN&PTNT lựa chọn triển khai thực hiện mô hình nuôi thí điểm thủy sản nước ngọt trong lòng hồ. Ngoài ra, Chi cục Thủy sản tỉnh cũng đã tham mưu Sở NN&PTNT xây dựng và triển khai thực hiện Kế hoạch hỗ trợ nuôi thủy sản lồng bè trên sông, lòng hồ chứa thủy lợi, thủy điện trên địa bàn tỉnh. "Song song với việc tranh thủ các nguồn lực để xây dựng các mô hình nuôi cá lồng bè mới, Chi cục sẽ đẩy mạnh đào tạo, hướng dẫn quy trình kỹ thuật, giúp người dân đầu tư nuôi trồng thủy sản theo hướng an toàn, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế", Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Đỗ Thị Thu Đông nói.
Khắc phục bất cập
Dù tạo sinh kế cho người dân nhưng việc phát triển nuôi trồng thủy sản tại các hồ chứa thủy lợi, thủy điện trên địa bàn tỉnh cũng bộc lộ những bất cập. Việc nuôi trồng, khai thác thủy sản trong lòng hồ chưa có sự ràng buộc trách nhiệm và nghĩa vụ giữa các chủ nuôi với đơn vị quản lý hồ chứa. Điều này dẫn đến tình trạng người dân tranh chấp vùng nuôi, sử dụng các phương pháp khai thác gây suy giảm nguồn lợi thủy sản, hoặc chưa thực hiện đúng quy trình và kỹ thuật, gây ô nhiễm môi trường, gây mất an toàn công trình hồ chứa thủy lợi, thủy điện...
Chủ tịch UBND huyện Sơn Hà Đinh Thị Trà đề xuất, cần quy định rõ quyền lợi, trách nhiệm cũng như chế tài xử phạt đối với các hộ được cấp phép tham gia nuôi trồng thủy sản trong lòng hồ thủy lợi, thủy điện. Ngành chuyên môn tăng cường hướng dẫn, chuyển giao ứng dụng kỹ thuật trong nuôi trồng gắn với bảo vệ nguồn lợi thủy sản, nhằm tạo vùng nguyên liệu đảm bảo nguồn cung liên tục về sản lượng, đồng nhất về chất lượng. Qua đó đảm bảo công trình phát huy hiệu quả theo hướng đa mục tiêu, vừa phát triển kinh tế, vừa đảm bảo mục đích sử dụng chính của hồ thủy lợi, thủy điện.
Hiện nay, ngành nông nghiệp tỉnh đã trình UBND tỉnh Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Đề án khuyến khích, hỗ trợ phát triển nuôi trồng thuỷ sản trên sông, lòng hồ chứa nước thủy lợi, thuỷ điện trên địa bàn tỉnh đến năm 2030. Đây được xem là giải pháp quan trọng, tạo động lực phát huy hiệu quả tiềm năng, thế mạnh tại các lòng hồ thủy lợi, thủy điện theo hướng đa mục tiêu, cũng như góp phần tạo sinh kế ổn định và bền vững cho người dân trong lưu vực.
Bài, ảnh:
THANH PHONG