Gấp rút hoàn thành các nhiệm vụ gỡ "thẻ vàng" thủy sản

09:03, 02/03/2023
.
(Báo Quảng Ngãi)- Cùng với cả nước, Quảng Ngãi đang tập trung thực hiện các nhiệm vụ đề ra tại Quyết định số 81/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ để được gỡ “thẻ vàng” thủy sản. Theo đó, đến tháng 5/2023 phải hoàn thành 12 đầu việc liên quan đến chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo, không theo quy định (IUU). 
[links()]
 
Có 12 đầu việc phải hoàn thành 
 
Quyết tâm gỡ “thẻ vàng” thủy sản trong năm 2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 81 về “Kế hoạch hành động chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU), chuẩn bị làm việc với Đoàn Thanh tra của Ủy ban Châu Âu lần thứ 4”. Trong đó nhấn mạnh, đến tháng 5/2023, có 12 đầu việc phải đảm bảo hoàn thành 100%, thuộc 3 nhóm nhiệm vụ: Quản lý đội tàu, theo dõi, kiểm tra, kiểm soát hoạt động tàu cá; xác nhận, chứng nhận và truy xuất nguồn gốc thủy sản; thực thi pháp luật, xử lý vi phạm.
 
Lực lượng Công an tỉnh tuyên truyền về chống khai thác IUU và trao cờ Tổ Quốc cho ngư dân tại cảng Tịnh Hòa (TP.Quảng Ngãi) vào tháng 2/2023.
Lực lượng Công an tỉnh tuyên truyền về chống khai thác IUU và trao cờ Tổ Quốc cho ngư dân tại cảng Tịnh Hòa (TP.Quảng Ngãi) vào tháng 2/2023.
Tại Quảng Ngãi, tính đến thời điểm này đã hoàn thành 100% việc cập nhật dữ liệu tất cả tàu cá vào cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia. Đối với 11/12 đầu việc còn lại, tỷ lệ hoàn thành công việc ở mức từ 77 - 99%. Đối với nhóm nhiệm vụ quản lý đội tàu, theo dõi, kiểm tra, kiểm soát hoạt động tàu cá, Quyết định số 81 quy định, đến tháng 5/2023, hoàn thành 100% việc đăng ký, đăng kiểm, đánh dấu tàu cá, cấp giấy phép khai thác thủy sản, lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá (VMS) theo quy định. Ở tỉnh ta việc cấp giấy phép khai thác thủy sản đến nay đạt hơn 77%, tỷ lệ đánh dấu tàu cá đạt hơn 97%, tỷ lệ tàu cá lắp đặt thiết bị VMS đạt hơn 98%.  
 
Đối với nhóm nhiệm vụ xác nhận, chứng nhận và truy xuất nguồn gốc thủy sản, theo Quyết định số 81, đảm bảo 100% tàu cá có chiều dài 15m trở lên phải cập cảng chỉ định. Toàn tỉnh có 3.206 tàu có chiều dài từ 15m trở lên (chiếm hơn 70% tổng số tàu cá của tỉnh). Tuy nhiên, tỷ lệ tàu cá có chiều dài 15m trở lên cập cảng chỉ định đạt thấp; sản lượng thủy sản bốc dỡ qua cảng chỉ định chỉ chiếm 6,9% so với sản lượng thủy sản khai thác của địa phương.
 
Để triển khai hiệu quả các quy định pháp luật về thủy sản, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu, đến tháng 5/2023, xử phạt 100% các trường hợp vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài và thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng. Mở các đợt tuần tra, kiểm tra, kiểm soát có sự phối hợp của các cơ quan chức năng và xử phạt nghiêm 100% hành vi khai thác IUU. Xác minh, xử lý 100% các tàu cá không duy trì kết nối thiết bị VMS theo quy định. Về nhóm nhiệm vụ này, năm 2022, các cơ quan chức năng của tỉnh đã xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản 47 trường hợp, với tổng số tiền hơn 678 triệu đồng và đã cập nhật dữ liệu đầy đủ vào phần mềm theo dõi của Tổng cục Thủy sản. Tuy nhiên, tỷ lệ xử lý, xử phạt vẫn còn ở mức thấp so với thực tế vi phạm.
 
Tập trung khắc phục tồn tại, hạn chế 
 
Các địa phương trong tỉnh đang khẩn trương thực hiện các phần việc theo quy định tại Quyết định số 81 của Thủ tướng Chính phủ. Thị xã Đức Phổ hiện có 60 tàu cá chưa lắp đặt thiết bị VMS, 136 tàu cá có chiều dài dưới 15m chưa có giấy phép khai thác thủy sản. Phó Chủ tịch UBND TX.Đức Phổ Võ Minh Vương cho biết, phần lớn các tàu chưa lắp đặt thiết bị VMS  nằm bờ trên địa bàn là tàu cá nhiều năm không hoạt động. UBND thị xã đã chỉ đạo phòng chuyên môn phối hợp với UBND phường Phổ Thạnh làm việc với các chủ tàu, nếu các chủ tàu xác định vẫn tiếp tục cho tàu nằm bờ, không hoạt động, địa phương sẽ kiến nghị Sở NN&PTNT xóa tên tàu cá trong sổ đăng ký tàu cá quốc gia. Đối với các tàu cá dưới 15m chưa được cấp giấy phép khai thác thủy sản, yêu cầu chủ tàu khẩn trương hoàn tất các thủ tục cần thiết, nếu không đáp ứng quy định thì không cho vươn khơi. 
 
Sản lượng thủy sản bốc dỡ qua cảng chỉ định của tỉnh chỉ chiếm 6,9% so với sản lượng thủy sản khai thác của địa phương.  Trong ảnh: Bốc dỡ thủy sản tại cảng chỉ định Tịnh Hòa (TP.Quảng Ngãi).
Sản lượng thủy sản bốc dỡ qua cảng chỉ định của tỉnh chỉ chiếm 6,9% so với sản lượng thủy sản khai thác của địa phương. Trong ảnh: Bốc dỡ thủy sản tại cảng chỉ định Tịnh Hòa (TP.Quảng Ngãi).
Huyện Bình Sơn cũng đã gấp rút thành lập đoàn kiểm tra chống khai thác IUU, làm việc với các chủ tàu chưa lắp đặt thiết bị VMS, chưa có giấy phép khai thác thủy sản. Đầu tháng 2/2023, địa phương có 29 tàu cá chưa lắp đặt thiết bị VMS. Đến nay, sau nhiều lần tuyên truyền, vận động, có 6 tàu cá tại xã Bình Hải hoàn tất lắp đặt thiết bị VMS.  “Quan điểm của địa phương là phải kiên quyết xử lý, không cho tàu cá chưa lắp đặt VMS xuất bến, vươn khơi. Trong số 23 tàu cá chưa lắp đặt thiết bị VMS, có 7 tàu cá đã nằm bờ từ 4 - 5 năm. Đối với các tàu cá này, huyện đề nghị Sở NN&PTNT xóa tên tàu cá trong sổ đăng ký tàu cá quốc gia và đưa ra khỏi danh sách quản lý tàu cá của tỉnh”, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Sơn Ung Đình Hiền nói.
 
Để chấm dứt tình trạng tàu cá, ngư dân địa phương khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài và đảm bảo 12/12 đầu việc liên quan đến chống khai thác IUU hoàn thành 100% theo quy định tại Quyết định số 81, tỉnh đã đề ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp cụ thể. Trong đó, đến ngày 31/3/2023 hoàn thành việc xây dựng quy chế phối hợp giữa các địa phương để kiểm soát 100% tàu cá của tỉnh hoạt động trên địa bàn ngoài tỉnh, tàu cá của tỉnh khác cập cảng trên địa bàn tỉnh để làm xác nhận nguồn gốc thủy sản. Giám sát, kiểm tra hằng ngày để phát hiện và xử lý, xử phạt đối với tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên nhưng không cập cảng chỉ định để bốc dỡ thủy sản...
 
Giám đốc Sở NN&PTNT Hồ Trọng Phương nhận định, hơn 5 năm chống khai thác IUU, các cấp, ngành, địa phương đã đẩy mạnh tuyên truyền, yêu cầu ngư dân tuân thủ các quy định trong khai thác thủy sản. Song, việc đăng ký, đăng kiểm, đánh dấu tàu cá, cấp giấy phép khai thác thủy sản, lắp đặt thiết bị VMS chưa đạt 100%. Ở giai đoạn “nước rút”, chuẩn bị làm việc với Đoàn thanh tra của Ủy ban Châu Âu lần thứ 4, ngành nông nghiệp sẽ tăng cường hơn nữa công tác phối hợp cùng các ngành, địa phương trong kiểm tra, xử lý đối với các hành vi khai thác IUU. Đồng thời, tập trung tháo gỡ tồn tại, vướng mắc, nỗ lực cao nhất trong thực hiện, để đảm bảo 12 đầu việc chống khai thác IUU quy định tại Quyết định số 81 hoàn thành 100%.  
 
Mở đợt cao điểm kiểm tra, xử lý vi phạm
 
Từ nay đến tháng 4/2023, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh phối hợp với Sở NN&PTNT cùng các địa phương mở đợt cao điểm tuần tra, kiểm tra, kiểm soát và xử phạt tất cả các hành vi khai thác IUU. Xác minh, xử lý 100% tàu cá không duy trì kết nối thiết bị VMS và điều tra, xử lý các tàu cá Việt Nam bị nước ngoài bắt giữ, xử lý và xử phạt tất cả các trường hợp vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài. Các trường hợp vi phạm đều bị xử lý nghiêm, không áp dụng hình thức cảnh cáo, ký cam kết không vi phạm.
 
Bài, ảnh: Ý THU
 
 
 
 
 
 

.