Chật vật bảo tồn đa dạng sinh học

11:03, 27/03/2023
.
(Báo Quảng Ngãi)- Hệ sinh thái rừng và biển đa dạng, có ý nghĩa quan trọng trong việc phòng hộ, bảo vệ sản xuất và môi trường, phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu. Song, việc bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển bền vững các hệ sinh thái rừng, biển vẫn còn nhiều hạn chế.
 
[links()]
Hệ sinh thái biển "kêu cứu"
 
Kết quả khảo sát điều tra tổng thể hiện trạng môi trường và đa dạng sinh học các hệ sinh thái ven biển Việt Nam của TS.Nguyễn Văn Quân và TS.Nguyễn Đăng Ngải tại 19 đảo trong cả nước cho thấy, đảo Lý Sơn chỉ đứng sau đảo Phú Quý (Bình Thuận) về diện tích rạn san hô (trên 1.700ha), tương đương đảo Cù Lao Chàm (Quảng Nam) về tính đa dạng thành phần loài (khoảng 157 loài thuộc 18 họ san hô cứng tạo rạn). Đảo Lý Sơn có 202 loài cá biển, 137 loài rong biển, 96 loài giáp xác, 40 loài da gai, 6 loài cỏ biển... Đây được xem là nguồn tài nguyên có giá trị lớn không chỉ về mặt kinh tế - xã hội, mà còn liên quan đến đa dạng sinh học và môi trường.
 
Hệ sinh thái trong rừng cộng đồng xã Hành Tín Đông (Nghĩa Hành) đa dạng và phong phú về thảm thực vật, nhất là các loại cây dược liệu.
Hệ sinh thái trong rừng cộng đồng xã Hành Tín Đông (Nghĩa Hành) đa dạng và phong phú về thảm thực vật, nhất là các loại cây dược liệu.
Tuy nhiên, tốc độ đô thị hóa, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường cũng như việc khai thác quá mức các nguồn lợi thủy sản đã dẫn đến sự suy giảm nhanh cả về số lượng cũng như mật độ hệ sinh thái biển Lý Sơn. Hiện đã xác định hơn 25 loài tại vùng biển Lý Sơn nằm trong danh mục các loài thủy sinh quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng ở Việt Nam cần được bảo vệ, phục hồi và phát triển. Trong đó, có 5 loài hải sản (hải sâm, bào ngư, tôm hùm đá nhiệt đới, trai tai tượng và rong biển đỏ) thuộc nhóm quý hiếm, nguy cấp đã được Liên minh Bảo tồn thiên nhiên Quốc tế (IUCN) liệt kê vào diện “có nguy cơ tuyệt chủng”.
 
Còn tại Gành Yến, xã Bình Hải (Bình Sơn), nơi có hệ sinh thái biển đa dạng và phong phú, nhất là các rạn san hô và sự dồi dào về nguồn lợi hải sản gần bờ. Nhưng từ khi nhiều người biết đến thì bãi san hô bị tổn thương, diện tích thu hẹp ở phạm vi gần bờ, do du khách giẫm đạp, hái bẻ.
 
Đa dạng sinh học rừng còn bỏ ngỏ
 
Theo thống kê chưa đầy đủ, hệ sinh thái nội địa trong tỉnh có 478 loài động vật có xương sống ở cạn, trong đó có 53 loài động vật quý hiếm được Sách đỏ Việt Nam (1992) ghi nhận. Mức độ quý hiếm của các loài động vật tại các khu vực của tỉnh được xác định là cao hơn so với nhiều vùng trong nước, đặc biệt là voọc chà vá chân xám (Sách đỏ Việt Nam và Sách đỏ của IUCN xếp vào diện cực kỳ quý hiếm và nguy cấp). Các ngành chức năng của tỉnh ghi nhận tại rừng phòng hộ huyện Ba Tơ có khoảng 10 đàn voọc chà vá chân xám (169 cá thể). Qua đó cho thấy, hệ sinh thái rừng phòng hộ Ba Tơ phải rất đa dạng và phong phú, thì mới có thể nuôi dưỡng được quần thể voọc chà vá chân xám lớn thứ 3 trong cả nước sinh sống. Chính vì vậy, đây được xem là một trong những khu vực có giá trị lớn cho bảo tồn đa dạng sinh học không chỉ ở Quảng Ngãi, mà cả Việt Nam và khu vực. 
 
Ngoài ra, toàn tỉnh hiện có gần 107 nghìn héc ta rừng tự nhiên, gần 10 nghìn héc ta rừng ven biển và 5 vùng đất ngập nước ven biển, với tổng diện tích gần 1.800ha. Theo Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Phạm Duy Hưng, tính đa dạng của các thảm thực vật, hệ động vật tại hầu hết các khu vực trên chỉ mới được quan sát và ghi nhận, chứ chưa điều tra, đánh giá, thống kê cụ thể và chi tiết. Vì vậy, công tác bảo tồn đa dạng sinh học cũng chỉ dừng lại ở việc tuyên tuyền, bảo vệ là chính, chứ chưa có phương án cụ thể, tương ứng với từng đối tượng ở từng khu vực.
 
Năm 2017, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 116/QĐ-UBND phê duyệt Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Mục tiêu đề ra là thành lập mới và đưa vào hoạt động 3 khu bảo tồn: Khu dự trữ thiên nhiên khu tây huyện Ba Tơ (quy hoạch trên 35,7 nghìn héc ta); khu dự trữ thiên nhiên khu tây huyện Trà Bồng (gần 1.200ha) và khu bảo tồn sinh cảnh loài rùa Trung Bộ Bình Sơn (136ha); đồng thời thành lập mới 4 hành lang đa dạng sinh học... Nhưng đến nay, hầu hết các nhiệm vụ trên chưa được triển khai, hoặc thực hiện thiếu đồng bộ nên kết quả đạt được chưa như mong muốn.
 
Bảo tồn để phát triển
 
Phó Giám đốc Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Lý Sơn (Ban Quản lý) Huỳnh Ngọc Dũng cho biết, thời gian qua, cùng với tuyên truyền, phổ biến nội dung, ý nghĩa của việc giữ gìn và bảo vệ môi trường biển, Ban Quản lý đã đẩy mạnh tuần tra, kiểm soát các hoạt động gây ảnh hưởng đến hệ sinh thái và rạn san hô trong khu bảo tồn. Đồng thời, đề xuất, triển khai thực hiện bảo tồn nguồn gen của 5 loài hải sản nguy cấp, quý hiếm bản địa bằng các giải pháp bảo tồn tại chỗ. Phấn đấu đến năm 2025, hoàn thành xác định thực trạng, giá trị và đánh giá ban đầu ít nhất 25 nguồn gen, tư liệu hóa ít nhất 25 nguồn gen gắn với xây dựng ít nhất 2 mô hình bảo tồn.
 
Đối với hệ sinh thái biển, vùng đất ngập nước ven biển, chính quyền các địa phương ven biển tăng cường tuyên truyền, kiểm tra, giám sát ngăn chặn việc sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc để khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Riêng khu vực rừng phòng hộ huyện Ba Tơ, sắp đến sẽ được dự án Bảo tồn đa dạng sinh học do tổ chức Fauna & Flora International (FFI) - Chương trình Việt Nam đề xuất sẽ tập trung thực hiện việc khảo sát, điều tra cụ thể và chi tiết về tính đa dạng của hệ sinh thái. Qua đó, xây dựng giải pháp phát triển bền vững hệ sinh thái, bảo tồn giá trị cảnh quan đặc sắc của vùng miền, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội.
 
Bài, ảnh: MỸ HOA
 
 
 

.