Đầu tư vào nông nghiệp: Cần gỡ rào cản về đất đai

09:02, 09/02/2023
.
(Báo Quảng Ngãi)- Thực tế cho thấy, rào cản đầu tiên và khó khăn nhất của các doanh nghiệp (DN) có dự định đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp chính là tiếp cận đất đai.
 
Trang trại Bò sữa Vinamilk Quảng Ngãi, do Công ty TNHH MTV Bò sữa Việt Nam (Vinamilk) được triển khai thực hiện từ năm 2017, tại xã Đức Phú (Mộ Đức), nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành mọi thủ tục pháp lý về đất. Dự án có công suất thiết kế là 4.000 con bò sữa, tổng vốn đầu tư là 700 tỷ đồng, diện tích xây dựng trên 91ha. Trong đó, 30ha đất trước đó do UBND xã Đức Phú quản lý đã được UBND tỉnh giao cho nhà đầu tư xây dựng khu sản xuất, chế biến thức ăn và trang trại chăn nuôi; còn 61ha đất trồng nguyên liệu đến nay vẫn chưa thể hoàn tất các thủ tục cấp cho nhà đầu tư. Điều này ảnh hưởng lớn đến tiến độ thực hiện cũng như việc vận hành, mở rộng quy mô đầu tư dự án.
 
Công ty CP Chăn nuôi Tiến Đạt gặp khó trong việc mở rộng quy mô vì vướng thủ tục đất đai.
Công ty CP Chăn nuôi Tiến Đạt gặp khó trong việc mở rộng quy mô vì vướng thủ tục đất đai.
Trong khi đó, Giám đốc Công ty CP Chăn nuôi Tiến Đạt, xã Nghĩa Thắng (Tư Nghĩa) Nguyễn Quang Sáng cũng cho rằng, rào cản lớn nhất đối với DN chính là vấn đề đất đai. Chẳng hạn như, DN muốn thuê đất 20 năm, diện tích từ 5ha trở lên để tranh thủ sự hỗ trợ của Nhà nước thì lại gặp vướng mắc với quy định: Người dân chỉ được cho thuê đất không quá 2 năm và chính quyền huyện là không quá 5 năm! Cũng vì vướng những quy định nên các địa phương ngại tạo quỹ đất sạch để thu hút đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, khiến cộng đồng DN gặp rất nhiều khó khăn. Trong khi đó, để hình thành trang trại hay vùng nguyên liệu đáp ứng yêu cầu xuất khẩu, thì DN cần quỹ đất “sạch” đủ lớn để đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ, đảm bảo quy trình sản xuất khép kín gắn với vận hành chuỗi cung ứng, vận chuyển, bảo quản, logistics...
 
Tháo gỡ vướng mắc này, cộng đồng DN đề xuất ngành chức năng của tỉnh có chính sách hỗ trợ, khuyến khích nhằm hấp dẫn nhà đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là các DN sản xuất và chế biến các sản phẩm chủ lực theo Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP). Đồng thời thực hiện nhất quán và minh bạch quy trình cho thuê đất, tạo điều kiện thuận lợi để DN và nông dân liên kết hình thành vùng sản xuất tập trung. Bên cạnh đó, ngành chuyên môn và chính quyền các địa phương rà soát quy hoạch và đánh giá hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp, lâm nghiệp, nhất là phần diện tích đất của các nông lâm trường hoạt động kém hiệu quả. Qua đó, xây dựng cơ chế cho DN thuê phần diện tích đất trên để đầu tư sản xuất, vừa góp phần sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên đất, vừa hình thành và xây dựng nền nông nghiệp sinh thái ổn định, bền vững.
 
Bài, ảnh: THANH PHONG
 
 

.