Thu hút đầu tư và hoạt động của doanh nghiệp: Còn nhiều khó khăn, thách thức

08:12, 06/12/2022
.
(Báo Quảng Ngãi)- Năm 2022, công tác thu hút đầu tư và thành lập mới doanh nghiệp (DN) tại Quảng Ngãi đạt được những kết quả quan trọng, góp phần cho sự lớn mạnh của cộng đồng DN trên địa bàn. Tuy nhiên, công tác này vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức.
 
[links()]
 
Trong 10 tháng năm 2022, cơ quan có thẩm quyền của tỉnh đã cấp quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 15 dự án, với tổng vốn đăng ký 286 tỷ đồng. Lũy kế đến nay, toàn tỉnh có 658 dự án đầu tư trong nước còn hiệu lực, với tổng vốn hơn 367 nghìn tỷ đồng; trong đó có 380 dự án đã đi vào hoạt động, 268 dự án đang triển khai và 10 dự án đang tạm dừng. Riêng đối với dự án đầu tư nước ngoài (FDI), tỉnh đã cấp phép mới cho 3 dự án FDI, với tổng vốn đầu tư 74,82 triệu USD. Lũy kế đến nay, toàn tỉnh có 63 dự án FDI còn hiệu lực, với tổng vốn đầu tư 1,878 tỷ USD; hiện có 47 dự án đã đi vào hoạt động.
 
Sản xuất ghế sofa xuất khẩu tại Công ty TNHH Tân MaHang Việt Nam (KCN VSIP Quảng Ngãi).
Sản xuất ghế sofa xuất khẩu tại Công ty TNHH Tân MaHang Việt Nam (KCN VSIP Quảng Ngãi).
Từ tháng 1 - 10/2022, toàn tỉnh có 640 DN đăng ký thành lập mới, tăng 36,5% so với cùng kỳ năm 2021; tổng vốn đăng ký 4.189 tỷ đồng, bình quân vốn đạt 6,55 tỷ đồng/DN. Lũy kế đến nay, trên địa bàn tỉnh có trên 10,5 nghìn DN được thành lập, trong đó có 8.094 DN đang hoạt động (76,9%); có 432 DN đăng ký tạm ngừng hoạt động và 124 DN giải thể tự nguyện.
 
Phó Giám đốc Sở Công thương Nguyễn Đức Huy cho biết, thời gian qua, giá xăng, dầu tăng cao làm chi phí đầu vào tăng lên, khiến DN gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là DN hoạt động trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp. Giá nguyên vật liệu tăng cao, nhiều ngành gặp khó khăn phải thu hẹp quy mô sản xuất. Công nghiệp chế biến, chế tạo phần lớn hoạt động ở phân khúc thấp trong chuỗi giá trị. Sản phẩm công nghiệp có hàm lượng công nghệ cao, sản phẩm công nghiệp mới không nhiều...
 
Trưởng ban Quản lý KKT Dung Quất và các KCN tỉnh Hà Hoàng Việt Phương cho rằng, chất lượng cải thiện môi trường đầu tư thời gian qua còn có mặt hạn chế, một số kiến nghị của DN chưa được giải quyết dứt điểm. Nhất là vướng mắc về cơ chế thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất đối với các dự án chưa được tháo gỡ, dẫn đến hạn chế việc huy động nguồn lực của các thành phần kinh tế.
 
Hiện nay, Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung KKT Dung Quất đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050 đang trong quá trình thẩm định phê duyệt, nên công tác thu hút đầu tư vào KKT Dung Quất cũng phải chờ đến khi đồ án này được phê duyệt để có cơ sở triển khai. Hơn nữa, năm 2023, dự kiến hoạt động của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất và Khu Liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất sẽ sụt giảm, kéo hàng loạt hoạt động công nghiệp phụ trợ, dịch vụ, thương mại giảm theo.
 
UBND tỉnh đã yêu cầu các sở, ngành, địa phương tiếp tục triển khai thực hiện nhất quán, đồng bộ, hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế năm 2023. Tích cực hơn nữa trong việc hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho DN và người dân về sản xuất kinh doanh, đầu tư; chủ động xử lý hiệu quả những vấn đề tồn đọng kéo dài. Tăng cường huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để đầu tư, phát triển.
 
Bài, ảnh: T.HUYỀN
 
 
 

.