Thủ tướng nhấn mạnh thông điệp quan trọng khi gặp mặt lãnh đạo các ngân hàng

06:10, 16/10/2022
.
Tại cuộc gặp mặt lãnh đạo các ngân hàng thương mại sáng 16/10, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh quan điểm của Đảng và Nhà nước là bảo vệ, khuyến khích, hỗ trợ những doanh nghiệp tuân thủ Hiến pháp và pháp luật, làm giàu chính đáng, nhưng phải xử lý những người vi phạm; đồng thời, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân.
 
Thủ tướng đánh giá ngành ngân hàng cơ bản bảo đảm đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng cho nền kinh tế - Ảnh VGP/Nhật Bắc
Thủ tướng đánh giá ngành ngân hàng cơ bản bảo đảm đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng cho nền kinh tế - Ảnh VGP/Nhật Bắc
Sáng 16/10, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì buổi gặp mặt với Chủ tịch, Tổng Giám đốc các ngân hàng thương mại, nhân dịp kỷ niệm 77 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho giới Công Thương và 18 năm Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10).
 
Cùng dự cuộc gặp mặt có Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam Nguyễn Thị Hồng; Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn; lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan liên quan và gần 70 đại biểu là Chủ tịch, Tổng Giám đốc các ngân hàng thương mại đang hoạt động tại Việt Nam. 
 
Điều hành chủ động, linh hoạt chính sách tiền tệ, hỗ trợ phục hồi kinh tế, không chủ quan với rủi ro lạm phát
 
Báo cáo của NHNN và các ý kiến tại cuộc gặp mặt nhận định trong 9 tháng đầu năm 2022, bám sát chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, NHNN đã điều hành chủ động, linh hoạt chính sách tiền tệ, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác nhằm hỗ trợ phục hồi kinh tế nhưng không chủ quan với rủi ro lạm phát, góp phần giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô.
 
NHNN điều hành tín dụng gắn với nâng cao chất lượng tín dụng, đáp ứng kịp thời vốn cho sản xuất kinh doanh, kiểm soát đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro với định hướng tăng trưởng tín dụng năm 2022 khoảng 14%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến tình hình thực tế.
 
Các ngân hàng thương mại đánh giá điều hành của Chính phủ và NHNN đã giúp  ngành ngân hàng đã thực hiện rất tốt, đồng thời 2 nhiệm vụ: Vừa kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; vừa cung cấp vốn tín dụng hỗ trợ nền kinh tế; so với các nước, tỉ giá và lãi suất của Việt Nam có biến động ít, còn lạm phát trong mức Quốc hội cho phép. Đây là cố gắng và kết quả đạt được rất lớn, quan trọng.
 
Triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất 2%/năm thông qua hệ thống các ngân hàng thương mại, NHNN đã trình Chính phủ ban hành Nghị định 31/2022/NĐ-CP về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách Nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh và ban hành kịp thời đầy đủ các văn bản hướng dẫn triển khai; thông báo hạn mức hỗ trợ lãi suất dự kiến cho từng ngân hàng thương mại để triển khai chương trình. Đến cuối tháng 9/2022, doanh số cho vay được hỗ trợ lãi suất đạt khoảng trên 15 nghìn tỷ đồng, dư nợ được hỗ trợ lãi suất đạt khoảng trên 13 nghìn tỷ đồng; số tiền đã hỗ trợ cho khách hàng khi tới kỳ thu lãi trên 29 tỷ đồng.
 
Hiện NHNN đang triển khai các đoàn công tác liên ngành để đánh giá và đôn đốc triển khai chính sách tại một số địa phương; tích cực tổ chức các hội nghị kết nối ngân hàng - doanh nghiệp chuyên đề triển khai Nghị định 31 nhằm thông tin, đối thoại trực tiếp giữa ngân hàng thương mại và khách hàng để nắm bắt nhu cầu thực tế hỗ trợ của doanh nghiệp, các khó khăn, vướng mắc trong quá trình tiếp cận chính sách để kịp thời xử lý, tháo gỡ.
 
Bên cạnh đó, Ngân hàng Chính sách xã hội cũng đã tích cực thực hiện giải ngân các chính sách cho vay ưu đãi thuộc Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH; đến ngày 25/9/2022 đã đạt hơn 10,4 nghìn tỷ đồng, trong đó riêng chương trình cho vay hỗ trợ việc làm đạt 7 nghìn tỷ đồng, với khoảng 150 nghìn lượt khách hàng được vay vốn; phần còn lại là các chương trình cho vay học sinh sinh viên mua máy tính; cho vay nhà ở xã hội; cho vay các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập; cho vay phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
 
Cũng trong 9 tháng đầu năm, thanh toán không dùng tiền mặt tăng trưởng mạnh. Việc thanh toán không dùng tiền mặt đối với dịch vụ công, thanh toán trực tuyến các thủ tục hành chính, thanh toán tiền điện, nước, viện phí,... cũng đạt kết quả tích cực. Ngành ngân hàng tiếp tục triển khai công tác cơ cấu lại tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu và công tác thanh tra, giám sát.
 
Tuy nhiên, báo cáo của NHNN và các ý kiến cũng nêu rõ, còn những khó khăn, thách thức và những vấn đề nổi lên trong điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng.
 
Nhân dịp này, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng bày tỏ cảm ơn các ngân hàng thương mại đã luôn thể hiện trách nhiệm xã hội, có nhiều đóng góp cho công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19.
 
Khẳng định vai trò quan trọng của hệ thống ngân hàng
 
Phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao các ý kiến thẳng thắn, tâm huyết, trách nhiệm và đề xuất, kiến nghị cụ thể, thiết thực, sát thực tiễn của các đại biểu; yêu cầu NHNN và các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu tối đa các ý kiến, kiến nghị để rà soát, hoàn thiện các chính sách, pháp luật liên quan và xử lý, giải quyết kịp thời.
 
Nhấn mạnh một số nội dung, Thủ tướng nêu rõ những kết quả đạt được 9 tháng đầu năm 2022 và thời gian qua khẳng định vai trò quan trọng của hệ thống ngân hàng đối với nền kinh tế và an ninh tiền tệ quốc gia.
 
Hệ thống ngân hàng đóng vai trò huyết mạch tích cực, kịp thời, hiệu quả của nền kinh tế; là kênh dẫn vốn chủ yếu phục vụ sản xuất kinh doanh, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả, nâng cao đời sống nhân dân.
 
Hoạt động ngân hàng gắn trực tiếp với người dân, doanh nghiệp, tác động đến toàn bộ nền kinh tế. Vì vậy, hệ thống ngân hàng có ổn định, lành mạnh, an toàn, hiệu quả thì nền kinh tế mới ổn định và phát triển. Ngược lại, nền kinh tế có ổn định, phát triển thì hệ thống ngân hàng ổn định, lành mạnh, an toàn hiệu quả.
 
Thủ tướng nhắc lại, giải Nobel Kinh tế năm nay được trao cho các nhà kinh tế học nghiên cứu về ngân hàng và khủng hoảng tài chính; trong đó chỉ ra rằng khủng hoảng kinh tế bắt nguồn từ khủng hoảng ngân hàng, điểm cố hữu của hệ thống ngân hàng cũng có thể là nguồn gốc gây ra khủng hoảng kinh tế kéo dài và đòi hỏi cần có chính sách quản lý đặc biệt, phù hợp với tình hình.
 
 Về những kết quả chủ yếu của ngành ngân hàng, Thủ tướng nêu rõ, đã điều hành chính sách tiền tệ chặt chẽ, chủ động, linh hoạt, phối hợp hài hòa với chính sách tài khóa và các chính sách khác để kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn. Mặt bằng lãi suất, tỉ giá cơ bản ổn định.
 
Ngành ngân hàng cơ bản bảo đảm đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng cho nền kinh tế, tập trung cho sản xuất kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên; kiểm soát chặt chẽ các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro (đến cuối tháng 9, tổng vốn tín dụng đạt 11,55 triệu tỷ đồng, tăng 10,8% so với cuối năm 2021).
 
NHNN đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu 2021-2025; tập trung hoàn thiện thể chế, xử lý nợ xấu, bảo đảm an toàn hệ thống.
 
Hệ thống các ngân hàng thương mại không ngừng lớn mạnh cả về quy mô, chất lượng và năng lực tài chính. Tổng tài sản của các ngân hàng cổ phần đến nay đã đạt khoảng 7,5 triệu tỷ đồng; của 4 ngân hàng thương mại Nhà nước đạt hơn 7 triệu tỷ đồng.
 
Các ngân hàng thương mại đã chủ động, tích cực hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng dịch COVID-19 bằng nhiều biện pháp. Đến cuối tháng 7/2022, cơ cấu lại thời hạn, giữ nguyên nhóm nợ 722 nghìn tỷ đồng với 1,1 triệu khách hàng; miễn giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ 92,4 nghìn tỷ đồng với 565 nghìn khách hàng.
 
Hệ thống ngân hàng thương mại đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin; đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt. Đến tháng 8/2002, giao dịch qua thanh toán điện tử liên ngân hàng tăng 33,21% về giá trị so với cùng kỳ; giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng 83,7% về số lượng và tăng 33,4% về giá trị.
 
Nhân dịp này, Thủ tướng cảm ơn các doanh nghiệp, trong đó có các ngân hàng thương mại và người dân đã hỗ trợ vật tư, trang thiết bị y tế và đóng góp lớn vào Quỹ Vaccine phòng, chống COVID-19, tích cực tham gia xóa đói, giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa, khắc phục hậu quả thiên tai…
 
Bên cạnh đó, việc điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng phải đối mặt với rất nhiều khó khăn và thách thức từ bên ngoài. Tình hình thế giới diễn biễn nhanh, phức tạp; lạm phát, lãi suất tăng cao; nhiều đồng tiền mất giá mạnh. Trong khi đó quy mô kinh tế nước ta còn nhỏ, độ mở lớn, sức chống chịu còn hạn chế; doanh nghiệp và  người dân bị ảnh hưởng nặng nề sau 2 năm dịch COVID-19.
 
Thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản bộc lộ những bất cập, ảnh hưởng đến nhiều tổ chức tín dụng và người dân. Hệ thống các ngân hàng thương mại có tiềm lực tài chính nhỏ, chất lượng chưa cao, trình độ quản lý, công nghệ nhiều ngân hàng thương mại còn lạc hậu. Còn hiện tượng sở hữu chéo, cạnh tranh thiếu lành mạnh, tính công khai, minh bạch chưa cao.
 
 Công tác thanh tra, giám sát của ngân hàng còn chưa chủ động, sâu sát, kịp thời, còn để xảy ra sai phạm. Một số ngân hàng thương mại yếu kém phải quyết liệt xử lý, mặc dù rất khó khăn, cần nguồn lực. Công tác bảo đảm an ninh, an toàn đang gặp nhiều thách thức, rủi ro cần được quan tâm, xử lý hiệu quả. Chính sách hỗ trợ lãi suất 2% triển khai chậm, hiệu quả chưa cao do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan nên cần khắc phục triệt để thời gian tới.
 
Đề nghị các ngân hàng thương mại tuân thủ pháp luật
 
Theo Thủ tướng, dự báo thời gian tới sẽ tiếp tục có nhiều khó khăn, thách thức hơn là cơ hội và thuận lợi. Tuy nhiên, càng khó khăn càng phải đoàn kết, thống nhất, càng áp lực càng phải nỗ lực. Chúng ta không hoang mang, lo sợ, cũng không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác mà luôn giữ vững bình tĩnh, bản lĩnh, phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, tìm ra giải pháp phù hợp với  điều kiện, hoàn cảnh đất nước và tình hình thế giới, tạo sự đồng thuận, thống nhất trong xã hội, trong nhân dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước để tổ chức thực hiện có hiệu quả.
 
Về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm những tháng cuối năm và thời gian tới, Thủ tướng nêu rõ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng, bảo đảm chủ động, linh hoạt, phối hợp đồng bộ, nhịp nhàng với các chính sách tài khóa và các chính sách khác để ưu tiên kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Điều hành tỉ giá, lãi suất, tăng tín dụng phù hợp, đáp ứng các yêu cầu phát triển.
 
Triển khai có hiệu quả Đề án cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu; đẩy mạnh xử lý các ngân hàng thương mại yếu kém. Rà soát, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về tiền tệ, tín dụng, ngân hàng phù hợp thông lệ quốc tế và thực tiễn Việt Nam. Tăng cường thanh tra, giám sát; nâng cao năng lực, trình độ cán bộ; cảnh báo rủi ro, bảo đảm an toàn hệ thống. Đẩy mạnh chuyển đổi số ngân hàng, thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số, công dân số.
 
Thủ tướng đồng thời đề nghị các đồng chí lãnh đạo NHNN chỉ đạo các ngân hàng thương mại nghiêm túc triển khai thực hiện những nhiệm vụ tại buổi làm việc ngày 4/8/2022 với tinh thần: "Nỗ lực tiết giảm chi phí, ngành ngân hàng chia sẻ khó khăn với đất nước, đồng hành với người dân và doanh nghiệp vượt qua khó khăn, lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ". Tiếp tục hoàn thiện chính sách pháp luật, đổi mới khuyến khích giảm lãi suất phù hợp, hiệu quả với các đối tượng ưu tiên, phản ứng chính sách kịp thời hơn.
 
Thủ tướng đề nghị các ngân hàng thương mại tuân thủ pháp luật, tăng cường năng lực quản trị, điều hành, năng lực tài chính, bảo đảm an toàn hoạt động. Tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả dịch vụ, chất lượng tín dụng, bảo đảm công khai, minh bạch, tập trung cho các động lực tăng trưởng của nền kinh tế. Hiện đại hóa, nâng cao năng lực cạnh tranh; phát triển ngân hàng số, thanh toán không dùng tiền mặt; triển khai Basel II. Phát triển mạnh mạng lưới; nâng cao hiệu quả phân bổ nguồn vốn tín dụng; phát triển hoạt động dịch vụ phi tín dụng; thúc đẩy tín dụng xanh, phát triển kinh tế xanh. Tiếp tục đề cao trách nhiệm xã hội, tích cực tham gia xóa đói, giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa, vì cộng đồng. Đoàn kết, gắn bó, cạnh tranh lành mạnh theo Hiến pháp và pháp luật.
 
Thủ tướng nhấn mạnh, quan trọng là hệ thống ngân hàng phải huy động được nguồn lực trong nhân dân, xã hội, trong nước và ngoài nước để tập trung cho các động lực tăng trưởng của nền kinh tế như tiêu dùng, đầu tư, xuất nhập khẩu, nhà ở xã hội… và thúc đẩy tín dụng xanh, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi số và đề cao trách nhiệm xã hội. Thủ tướng đặc biệt lưu ý các ngân hàng thương phải đoàn kết, thống nhất, chia sẻ, giúp đỡ, hỗ trợ lẫn nhau và cạnh tranh lành mạnh để tháo gỡ khó khăn, vượt qua các thách thức, theo sự điều hành của NHNN. Tăng cường thanh tra, giám sát, cảnh báo rủi ro, bảo đảm vệ lợi ích chính đáng, hợp pháp của khách hàng.
 
Nhân dịp này, Thủ tướng nhấn mạnh một số thông điệp quan trọng
 
Thứ nhất, Đảng, Nhà nước luôn bảo vệ, khuyến khích, hỗ trợ những doanh nghiệp tuân thủ, hoạt động theo đúng Hiến pháp và pháp luật, cạnh tranh lành mạnh, làm giàu chính đáng, minh bạch, góp phần đắc lực, hiệu quả xây dựng đất nước hùng cường, thịnh vượng, nhân dân hạnh phúc, ấm no.
 
Thứ hai, phải xử lý những người vi phạm Hiến pháp và pháp luật, lợi dụng chính sách để tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, bảo vệ người làm đúng, xử lý người làm sai để tạo môi trường kinh doanh lành mạnh theo Hiến pháp và pháp luật. 
 
Thứ ba, Đảng, Nhà nước luôn luôn bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân theo quy định của Hiến pháp và pháp luật.  
 
Đối với các bộ ngành liên quan, Thủ tướng yêu cầu theo dõi bám sát tình hình, phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng, hiệu quả với NHNN để giải quyết các vấn đề liên quan, nhất là những đề xuất, kiến nghị của các ngân hàng thương mại tại cuộc gặp mặt.
 
Theo Hà Văn/Chinhphu.vn
 

.