(Báo Quảng Ngãi)- Các doanh nghiệp (DN), cơ sở kinh doanh xăng, dầu trên địa bàn tỉnh đang gặp một số khó khăn cần được chia sẻ để ổn định hoạt động, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
[links()]
Do ảnh hưởng của mưa bão, 246 cửa hàng bán lẻ xăng, dầu trên địa bàn tỉnh phải đối mặt với nhiều khó khăn. Trong đó, khó khăn lớn nhất với các cửa hàng kinh doanh xăng, dầu trên địa bàn tỉnh đến từ các thương nhân, tổng đại lý, đại lý bán buôn.
Theo đó, vào cuối ngày, các cửa hàng, cây xăng bán lẻ phải tính toán lên đơn, kèm theo số lượng và chuyển tiền trước cho các đơn vị bán buôn. Thông thường, trong đêm bên bán buôn sẽ chốt số lượng hàng và chuyển hàng đến vào sáng sớm hôm sau.
Tuy nhiên, nhiều tháng qua, hầu như các đơn hàng của cửa hàng xăng, dầu bán lẻ đều bị chậm giải quyết, dẫn đến lượng hàng nhập về thất thường. Như một số cây xăng ở KKT Dung Quất và các KCN tỉnh, do lượng hàng nhập về ít không đủ để phục vụ nhu cầu của các DN vận tải hoạt động tại đây.
Một cửa hàng kinh doanh xăng, dầu trên địa bàn TP.Quảng Ngãi. ẢNH: THANH NHỊ |
Lượng hàng quá ít nên một số cây xăng chọn giải pháp phục vụ khách quen là chính, còn lại bán cầm chừng, không phục vụ mua hàng với số lượng lớn. Đây là điều hoàn toàn trái ngược với quy luật kinh doanh xăng, dầu và vi phạm các quy định của pháp luật đối với ngành nghề này.
Đại diện một DN kinh doanh xăng, dầu ở KKT Dung Quất cho biết, đơn vị muốn lấy thêm hàng để bán nhưng phía đại lý nói là khan hiếm hàng, số lượng hàng ký kết theo hợp đồng đã bị thương nhân đầu mối cắt giảm. Vì thế, đại lý phải giảm số lượng cung cấp đối với các cửa hàng bán lẻ.
Theo các DN kinh doanh bán lẻ, các cửa hàng kinh doanh xăng, dầu, nhiều tháng qua, bảng chiết khấu được các đại lý áp dụng cho đơn vị hầu hết ở mức 0 đồng, thậm chí âm do đại lý không tính giá vận chuyển vào đơn giá mà thu thêm bằng một hóa đơn khác.
Khi giá bán buôn bằng giá bán lẻ, thậm chí cao hơn giá bán lẻ, đã dẫn đến các đơn vị bán lẻ phải chịu lỗ. Theo tính toán của các DN, cửa hàng bán lẻ trên địa bàn tỉnh, mỗi lít xăng, dầu họ phải chịu lỗ từ 1.000 - 3.000 đồng do giá nhập vào và giá bán ra bằng nhau, đơn vị phải chịu lỗ chi phí mặt bằng, nhân công, điện, nước, môi trường... Những DN kinh doanh xăng, dầu ở vùng cao, vùng xa, hải đảo lại càng khó khăn hơn.
Đơn cử như DN tư nhân Nhiên Phường ở huyện Lý Sơn, sau khi chính sách trợ giá xăng, dầu bị cắt thì DN này phải chịu hoàn toàn chi phí vận chuyển hàng từ đất liền ra đảo. Mỗi chuyến hàng, chỉ tính tiền dầu để chạy tàu chở hàng đã hết hơn 10 triệu đồng, chưa kể chi phí khác liên quan đến bán hàng trên đảo. Mỗi tháng, nhập vài ba chuyến hàng, cộng thêm các chi phí, DN này chịu lỗ từ 30 - 50 triệu đồng.
Đại diện Sở Công thương cho biết, công tác điều hành giá xăng, dầu thuộc thẩm quyền của Bộ Tài chính và Bộ Công thương. Hiện nay, Chính phủ đang chỉ đạo 2 bộ này phối hợp để đưa ra cách điều hành phù hợp, tạo điều kiện để kinh doanh bán lẻ xăng, dầu có thể cân đối, hoạt động hiệu quả, tạo sự bình ổn thị trường xăng, dầu phục vụ chiến lược phục hồi, phát triển kinh tế sau đại dịch Covid-19.
THANH NHỊ