Giao hàng thời công nghệ

02:10, 25/10/2022
.
(Báo Quảng Ngãi)- Những năm gần đây, khi loại hình kinh doanh, mua sắm trực tuyến phát triển thì giao hàng cũng trở thành một nghề tạo thu nhập ổn định cho nhiều người. Tuy nhiên, nghề này tiềm ẩn nhiều rủi ro và áp lực.
 
Có thu nhập...
 
Những năm gần đây, nhất là từ khi dịch Covid-19 bùng phát, việc mua bán hàng qua Internet ngày càng phổ biến. Người bán không thể trực tiếp giao hàng, người mua cũng không đến tận nơi để nhận, nên nhu cầu thuê người giao hàng (shipper) rất lớn. Điều kiện để trở thành một shipper không khó, chỉ cần có sức khỏe, xe máy, điện thoại và thông thạo các địa bàn.
 
Anh Lê Minh Dư, ở xã Bình Đông (Bình Sơn) làm shipper đã hơn 1 năm. Mỗi ngày, anh phải hoàn thành trên 80% đơn hàng để đạt chỉ tiêu. "Trong các chuyến đi, shipper phải biết cách sắp xếp những điểm giao hàng sao cho hợp lý, chọn những đơn hàng trên cùng tuyến đường, hướng đi để tiết kiệm xăng lẫn thời gian, nếu không sẽ khó hoàn thành các đơn hàng", anh Dư nói.
 
Anh Trần Anh Tú, ở xã Nghĩa Trung (Tư Nghĩa) làm nghề giao hàng được 3 năm. Tuy có thu nhập ổn định, nhưng anh cũng chịu nhiều áp lực.                                                   ẢNH: NHẬT VY
Anh Trần Anh Tú, ở xã Nghĩa Trung (Tư Nghĩa) làm nghề giao hàng được 3 năm. Tuy có thu nhập ổn định, nhưng anh cũng chịu nhiều áp lực. ẢNH: NHẬT VY
Còn anh Trần Anh Tú, ở xã Nghĩa Trung (Tư Nghĩa), một ngày làm việc của anh bắt đầu từ 7 giờ 30 đến 17 giờ chiều. Với mỗi đơn hàng sau khi giao xong, anh sẽ nhận được một khoản tiền từ phí vận chuyển. "Hằng tháng, trừ tiền xăng xe, điện thoại, thu nhập trung bình mỗi người từ 6 - 10 triệu đồng, tùy theo đơn hàng thực tế. Nếu hoàn thành tốt hơn thì công ty thưởng thêm, tạo động lực để cố gắng. Với công việc này, shipper có thu nhập ổn định để trang trải cuộc sống", anh Tú chia sẻ. 
 
Ngoài shipper làm chính thức cho các công ty chuyển phát hàng hóa, nhiều bạn trẻ cũng tranh thủ thời gian rảnh để làm shipper tự do. Họ nhận hàng từ các chủ cửa hàng, shop bán hàng trực tuyến để giao cho khách. Mỗi lần vận chuyển, tùy từng quãng đường mà shipper được hưởng từ 10 - 30 nghìn đồng/đơn hàng.
 
... nhưng chịu nhiều áp lực
 
Làm shipper có  nhiều rủi ro, áp lực. “Ngày nắng ráo thì công việc thuận lợi, gặp phải những ngày mưa bão mà hàng nhiều, để giao đúng hẹn thì người giao hàng rất áp lực. Phải bảo quản hàng hóa không bị thấm ướt, hư hỏng, bảo đảm đến tay khách hàng được nguyên vẹn, nếu không thì phải chấp nhận đền tiền”, anh Dư cho biết thêm. 
 
Em Võ Minh An, ở xã Nghĩa Trung (Tư Nghĩa), hiện là sinh viên năm 3 Trường Đại học Phạm Văn Đồng, tranh thủ thời gian rảnh đi làm shipper để kiếm thêm thu nhập trang trải việc học. An cho biết, vất vả nhất là khi giao hàng gặp phải những vị khách khó tính, hoặc viện đủ lý do để không nhận hàng. Có lần nhận giao cho khách món đồ trị giá 500 nghìn đồng, dù đã hẹn trước thời gian nhưng khi đến nơi gọi điện thì không liên lạc được, đành phải quay về. Mỗi đơn phải đi lại nhiều lần như vậy thì coi như lỗ vốn, do tốn tiền xăng, tiền điện thoại và mất thời gian.
 
Công việc giao hàng khá vất vả lại tiềm ẩn hiểm nguy vì suốt ngày phải chạy ngoài đường. “Dù vậy, mỗi người khi đã quyết định làm nghề giao hàng đều cố gắng làm tốt công việc; giữ gìn, bảo quản hàng hóa cho tốt, vận chuyển nhanh chóng, có trách nhiệm với đơn hàng đã nhận cho đến khi bàn giao cho khách”, anh Tú bày tỏ. 
 
Dẫu vậy, shipper vẫn là công việc được nhiều bạn trẻ chọn lựa trong thời đại công nghệ, bởi tính cơ động và tạo thu nhập ổn định. Điều mong mỏi của các shipper là mỗi người hãy là người mua hàng văn minh, lịch sự, dành sự tôn trọng, chia sẻ với những người đã vất vả đường xa, trao tận tay món hàng đến cho mình.
 
NHẬT VY
 
 

.