(Baoquangngai.vn)- Chiều 25/10, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Phước Hiền chủ trì cuộc họp cho ý kiến về Đề án liên kết phát triển rừng trồng sản xuất trên địa bàn tỉnh.
Theo dự thảo Đề án liên kết phát triển rừng trồng sản xuất trên địa bàn tỉnh do Sở NN&PTNT xây dựng, Quảng Ngãi phấn đấu đến năm 2025, có ít nhất 10 nghìn héc ta rừng được liên kết sản xuất và thực hiện theo phương án quản lý rừng bền vững; toàn tỉnh có 100% sản phẩm của liên kết được kiểm soát nguồn gốc, xuất xứ, trong đó có 80% diện tích tham gia liên kết đáp ứng tiêu chí quản lý rừng bền vững của Việt Nam phù hợp với bộ tiêu chuẩn của thế giới.
Đại diện Sở NN&PTNT phát biểu ý kiến tại cuộc họp. |
Dự thảo đề án xây dựng cơ bản đáp ứng 5 nguyên tắc, gồm liên kết trồng rừng thực hiện giữa chủ rừng và doanh nghiệp, cơ chế liên kết phải đảm bảo công khai, minh bạch để người dân biết, lựa chọn; sự tham gia của chủ rừng dựa trên tinh thần tự nguyện và có cam kết ràng buộc; doanh nghiệp hỗ trợ kinh phí cho chủ rừng để duy trì thực hiện liên kết; cơ quan nhà nước khuyến khích, hỗ trợ thực hiện liên kết theo hướng có lợi cho người dân; nội dung liên kết đảm bảo tính khả thi.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Phước Hiền phát biểu tại cuộc họp. |
Dự thảo Đề án cũng quy định, doanh nghiệp chi trả toàn bộ các chi phí nhằm đạt được các yêu cầu của chứng chỉ quốc tế, bao gồm các hoạt động chính như: Xây dựng phương án quản lý rừng, hệ thống bản đồ, đào tạo, tập huấn cho chủ rừng, hỗ trợ kinh phí kéo dài chu kỳ khai thác, các chi phí liên quan đến đánh giá cấp chứng chỉ rừng… Dự toán kinh phí do doanh nghiệp lập theo dự án hoặc theo hợp đồng ký kết với chủ rừng/tổ hợp tác/hợp tác xã. Kinh phí khái toán để liên kết phát triển rừng trồng đạt quy mô 10 nghìn héc ta là 100 tỷ đồng.
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Phước Hiền cho rằng, việc tỉnh xây dựng Đề án liên kết phát triển rừng trồng sản xuất nhằm tạo khung pháp lý cho các bên tham gia trong quá trình thực hiện liên kết. Mục tiêu nhằm nâng cao giá trị sản xuất, kinh doanh rừng trồng và phát triển lâm nghiệp bền vững về kinh tế, xã hội và bảo vệ môi trường. Tỉnh thống nhất triển khai thí điểm đề án, sau đó rút kinh nghiệm, nhân rộng. Sở, ngành, địa phương phải kiên trì đẩy mạnh tuyên truyền để nông dân đồng thuận, đảm bảo việc thực hiện đề án liên kết trồng rừng bền vững, hiệu quả.
THANH NHỊ