(Báo Quảng Ngãi)- Trước nhu cầu sử dụng rau sạch của người tiêu dùng ngày càng tăng cao, người trồng rau trong tỉnh đã chủ động sản xuất theo hướng an toàn. Tuy nhiên, vấn đề hậu kiểm sản phẩm chưa được chính quyền cơ sở và ngành chức năng quan tâm.
[links()]
Ông Nguyễn Văn Quy, ở thôn Xuân Hòa, xã Hành Tín Đông (Nghĩa Hành) là một trong những người tiên phong trồng rau sạch ở địa phương. Nhận thức được tác hại của nguồn thực phẩm không đảm bảo an toàn do sử dụng phân bón hóa học, thuốc trừ sâu, từ đầu năm 2022, ông Quy mạnh dạn đầu tư cải tạo 750m2 đất vườn để trồng xen kẽ các loại rau sạch như mướp, khổ qua...
Mô hình trồng rau sạch của ông Nguyễn Văn Quy, ở thôn Xuân Hòa, xã Hành Tín Đông (Nghĩa Hành). |
Không chỉ ông Quy, hiện nay có nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh từng bước thay đổi tư duy sản xuất, giảm dần việc sử dụng phân bón hóa học và thuốc trừ sâu, thay vào đó là dùng các loại chế phẩm sinh học để sản xuất sản phẩm sạch, an toàn. Phó Chủ tịch UBND xã Hành Tín Đông Nguyễn Ngọc Sinh cho biết, trồng rau an toàn đem lại nhiều lợi ích, không chỉ trên phương diện kinh tế mà còn có ý nghĩa về mặt xã hội, cũng như bảo vệ môi trường. Vì vậy, trong thời gian tới, địa phương sẽ tăng cường tuyên truyền gắn với nhân rộng mô hình trồng rau sạch, an toàn đến với người dân để vừa nâng cao hiệu quả sản xuất, vừa bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.
Ngoài một số diện tích sản xuất rau sạch, rau an toàn quy mô lớn thì còn có nhiều mô hình trồng rau sạch do người dân tự đầu tư chuyển đổi. Sản phẩm thu hoạch chưa được ngành chức năng kiểm tra các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm, nên việc tiêu thụ rau sạch, rau an toàn gặp khó khăn. Theo các hộ dân trồng rau an toàn, mối liên hệ giữa các khâu như thu hoạch, xử lý, vận chuyển, bảo quản, tiêu thụ... chưa có sự liên kết chặt chẽ, người dân phải tự tìm đầu ra cho sản phẩm vì chưa có thị trường ổn định.
Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm và thủy sản tỉnh Nguyễn Đức Bình cho biết, để hỗ trợ người dân an tâm sản xuất rau an toàn và đảm bảo về đầu ra cho sản phẩm, trong thời gian đến, đơn vị sẽ xây dựng, triển khai kế hoạch hậu kiểm về an toàn thực phẩm cho sản phẩm rau sạch trên địa bàn tỉnh. Việc tổ chức tốt chuỗi cung ứng, sản xuất nông sản sạch sẽ phát triển bền vững vì có đầu ra ổn định, giúp người sản xuất nâng cao thu nhập và góp phần bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.
Bài, ảnh:
NHẬT VY