(Báo Quảng Ngãi)- Công trình thủy lợi (CTTL), nhất là các công trình nhỏ, kênh mương nội đồng ngày càng hư hỏng, xuống cấp và bị xâm hại, nhưng chưa được duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa kịp thời, làm giảm hiệu quả khai thác.
[links()]
Hiện toàn tỉnh có 788 CTTL, gồm 124 hồ chứa, 521 đập dâng, 6 đập ngăn mặn và 137 trạm bơm. Đối với đê điều, toàn tỉnh có gần 92km đê sông, đê biển và đê cửa sông, gần 56,2km kè lát mái và gần 4,69km mỏ hàn. Đối với kênh mương, có tổng chiều dài 4.275km (1.224km kênh loại I, loại II và 3.051km kênh loại III), trong đó, đã kiên cố gần 2.278km, đạt 53,3%. Năng lực tưới theo thiết kế là 75,673 nghìn héc ta, nhưng năng lực tưới thực tế là 52,645 nghìn héc ta sản xuất nông nghiệp, đạt 69,57%; cấp nước cho công nghiệp, sinh hoạt 7.184m3/năm và tạo nguồn cấp nước cho trên 913ha nuôi trồng thủy sản.
Tuyến kênh S18-2 đoạn qua xã Đức Thắng (Mộ Đức) bị hư hỏng, bồi lấp cuối kênh, nhưng chưa được đầu tư nâng cấp. |
Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Võ Quốc Hùng, nguyên nhân chính là do trình độ chuyên môn và năng lực quản lý, vận hành của các tổ chức thủy lợi cơ sở còn hạn chế. Theo đó, với 1.537 nhân lực, nhưng chỉ có 127 người có trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp, sơ cấp kỹ thuật và 174 người có chứng chỉ, chứng nhận quản lý, khai thác CTTL. Hầu hết các tổ chức thủy lợi cơ sở phụ thuộc vào nguồn cấp bù thủy lợi phí duy trì hoạt động, nên không có nguồn vốn huy động để tổ chức tái đầu tư và duy tu, bảo dưỡng CTTL.
Công tác duy tu, bảo dưỡng và sửa chữa CTTL do Công ty TNHH MTV Khai thác CTTL tỉnh quản lý cũng gặp nhiều khó khăn, do nguồn lực hạn chế. Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác CTTL tỉnh Hà Thế Vinh cho rằng, kênh mương thường xuyên hư hỏng, bồi lấp sau mỗi mùa mưa lũ; các đập ngăn mặn bị thấm, rò rỉ thường xuyên, nên chi phí sửa chữa, bảo dưỡng khá lớn. Vì vậy, với 3 tỷ đồng thực hiện nhiệm vụ chi thường xuyên hằng năm, đơn vị không thể tổ chức nạo vét, sửa chữa, duy tu, bảo dưỡng CTTL một cách đồng bộ, mà chỉ ưu tiên khắc phục, gia cố những vị trí hư hỏng nặng, xung yếu.
Không chỉ thiếu nguồn lực để duy trì công tác bảo dưỡng, sửa chữa các CTTL, mà trên địa bàn tỉnh hiện còn 18 hồ chứa bị hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng, không đảm bảo an toàn và trên 1.996km kênh mương đất cũng đang... đợi kiên cố!
Tại buổi làm việc với Sở NN&PTNT mới đây, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Văn Tỉnh gợi ý mô hình quản lý và vận hành các CTTL mà Tổng cục Thủy lợi đang thí điểm thực hiện tại một số địa phương trong cả nước. Đó là, chuyển giao CTTL nhỏ, thủy lợi nội đồng từ các tổ chức thủy lợi cơ sở (được đầu tư từ vốn ngân sách) về Công ty TNHH MTV Khai thác CTTL tỉnh quản lý, với sự tham gia của người dân trong việc lập kế hoạch phân phối nước, bảo vệ bảo dưỡng công trình... Mô hình này không chỉ nâng cao nhận thức và có trách nhiệm của người dân trong việc sử dụng nước, bảo vệ công trình, mà còn nâng cao hiệu quả sử dụng kinh phí đầu tư, tái đầu tư gắn với duy tu, sửa chữa CTTL.
Tổng cục Thủy lợi cũng đề nghị Sở NN&PTNT tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo rà soát, đánh giá thực trạng cơ cấu tổ chức, năng lực của tổ chức thủy lợi cơ sở theo quy định của Luật Thủy lợi. Tăng cường vai trò, trách nhiệm của người dân trong đầu tư, quản lý, khai thác và bảo vệ CTTL nhỏ, thủy lợi nội đồng, nhằm phát huy và nâng cao hiệu quả công trình...
Bài, ảnh:
MỸ HOA