(Báo Quảng Ngãi)- Sau một thời gian trồng thử nghiệm, đến nay, người dân huyện Sơn Tây đã nhân rộng diện tích trồng nghệ sẻ lên hơn chục héc ta. Sự phát triển của cây nghệ đã góp phần giải bài toán chuyển đổi cơ cấu cây trồng tại địa phương.
[links()]
Những tín hiệu khả quan
Giữa năm 2021, từ nguồn giống hỗ trợ, anh Đinh Văn Hiếu, ở xã Sơn Liên (Sơn Tây), đã trồng thử nghiệm 2 sào nghệ. “Nghệ sẻ là cây dễ trồng, dễ chăm sóc, ít bị sâu bệnh và phù hợp với điều kiện khí hậu, cũng như thổ nhưỡng của vùng núi nơi đây. So với cây mì, cây nghệ tốn ít công chăm sóc, không đầu tư nhiều nhưng giá bán, lợi nhuận cao hơn. Vụ tới tôi sẽ tiếp tục trồng nghệ”, anh Hiếu chia sẻ.
Gia đình anh Đinh Văn Niêng, ở thôn Tong Tang, xã Sơn Liên (Sơn Tây), vừa xuống giống 6 sào nghệ sẻ. |
Chuyển đổi cây trồng
Năm 2022, UBND xã Sơn Liên đã trích nguồn ngân sách của xã mua 3 tấn nghệ sẻ giống hỗ trợ cho người dân địa phương trồng trên diện tích 3ha. Theo Chủ tịch UBND xã Sơn Liên Trần Minh Tuấn, nghệ sẻ là loại nghệ địa phương củ nhỏ, màu vàng đậm, thơm, chất lượng tốt. Tuy năng suất thấp hơn so với nghệ lai, nhưng lại cho lượng tinh bột nhiều, giá cao hơn và được thương lái ưa chuộng mua về để làm tinh bột nghệ. Dù mới đưa vào trồng thử trên địa bàn, nhưng cây nghệ sẻ mang lại nhiều triển vọng. Với giá thu mua từ 7.000- 8.000 đồng/kg, tính ra cây nghệ sẻ mang lại kinh tế cao hơn nhiều so với cây mì, lại phù hợp với điều kiện canh tác của người dân.
Trưởng phòng NN&PTNT huyện Sơn Tây Phạm Hồng Khuyến cho biết, hầu hết diện tích trồng mì trên địa bàn huyện đang bị bệnh khảm lá, dẫn đến năng suất thấp. Vì vậy, với kết quả ban đầu, nghệ sẻ được xem là cây trồng thay thế cây mì phù hợp nhất, góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Do đó, huyện đang tuyên truyền cho người dân các xã trên địa bàn phát triển trồng nghệ. Đến nay, đã có 3 xã là Sơn Liên, Sơn Tân, Sơn Lập đang triển khai trồng nghệ sẻ, với diện tích hơn chục héc ta. Người dân cũng có thể trồng xen canh nghệ với mì, cây ăn quả, mang lại hiệu quả kinh tế kép trên cùng diện tích.
Hiện nay, hầu hết các xã trên địa bàn huyện Sơn Tây đã thành lập HTX, thậm chí có một số xã đã thành lập được 2 HTX. Các HTX đóng chân trên địa bàn đều đảm nhận vai trò liên kết, bao tiêu đầu ra các mặt hàng nông sản cho người dân tại địa phương, nên rất thuận lợi cho việc phát triển sản phẩm từ cây nghệ sẻ.
Liên kết tiêu thụ sản phẩm
Nhận thấy tiềm năng phát triển cây nghệ trên đất Sơn Tây, HTX Sản xuất và Kinh doanh hàng nông sản Bốn Vân, phường Nguyễn Nghiêm (TX.Đức Phổ), đã kết nối, phối hợp với chính quyền địa phương trong việc cung cấp giống và liên kết với người dân phát triển vùng trồng nghệ. Đồng thời, liên kết với các HTX tại địa phương để bao tiêu đầu ra cho sản phẩm củ nghệ tươi sau thu hoạch.
|
Bài, ảnh:
HỒNG HOA