Chủ động phòng, chống thiên tai

03:06, 29/06/2022
.
(Báo Quảng Ngãi)- Tranh thủ thời tiết thuận lợi, các đơn vị đang đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án (DA), công trình phòng, chống thiên tai (PCTT) để hoàn thành trước mùa mưa bão năm 2022. Đối với những điểm sạt lở chưa được đầu tư, các địa phương cần chủ động phương án ứng phó theo phương châm “4 tại chỗ”.
 
[links()]
 
Tập trung nguồn lực thi công 
 
Hoạt động thi công tại công trình DA Kè chống sạt lở bờ biển thôn Phổ Trường, xã Nghĩa An (TP.Quảng Ngãi) và DA Khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá kết hợp cảng cá Cổ Lũy (TP.Quảng Ngãi) luôn khẩn trương, náo nhiệt. Giám đốc điều hành DA Kè chống sạt lở bờ biển thôn Phổ Trường Đỗ Thái Vũ cho biết, thời tiết thuận lợi nhưng việc thi công DA phụ thuộc hoàn toàn vào thủy triều. Vì vậy, chủ đầu tư và các nhà thầu bố trí nhân lực, phương tiện tổ chức thi công DA theo hình thức “3 ca, 4 kíp”, các đội nhân công làm việc xuyên đêm. Đến thời điểm này, các hạng mục quan trọng của DA đã hoàn thành. Hiện các đơn vị tiếp tục nỗ lực đẩy nhanh tiến độ thi công các hạng mục, đảm bảo toàn DA cơ bản hoàn thành trước ngày 30/8/2022.
 
Công trình Kè chống sạt lở bờ biển thôn Phổ Trường, xã Nghĩa An (TP.Quảng Ngãi) đã hoàn thành các hạng mục quan trọng của dự án.
Công trình Kè chống sạt lở bờ biển thôn Phổ Trường, xã Nghĩa An (TP.Quảng Ngãi) đã hoàn thành các hạng mục quan trọng của dự án.
Ngoài ra, các DA như kè chống sạt lở bờ biển thôn Kỳ Xuyên, xã Tịnh Kỳ (TP.Quảng Ngãi); kè chống sạt lở sông Phước Giang, đoạn qua xã Hành Dũng (Nghĩa Hành); kè chống sạt lở xã Bình Hải, giai đoạn 2 (Bình Sơn)... cũng đang được chủ đầu tư và các nhà thầu tập trung nhân lực, vật tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện, đảm bảo công trình cơ bản hoàn thành và phát huy hiệu quả PCTT trong mùa mưa bão năm 2022.
 
Còn nhiều điểm sạt lở
 
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 957/QĐ-TTg ngày 6/7/2020 phê duyệt Đề án phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển đến năm 2030. Theo đó, đến năm 2023 cơ bản hoàn thành bản đồ về hiện trạng sạt lở, công trình phòng, chống sạt lở. Đến năm 2025, hoàn thành xử lý sạt lở tại các khu vực trọng điểm, xung yếu ảnh hưởng trực tiếp đến khu dân cư tập trung, hệ thống đê điều, cơ sở hạ tầng thiết yếu vùng ven sông, ven biển. Đến năm 2030, hoàn thành 90% việc di dời các hộ dân ra khỏi khu vực có nguy cơ cao xảy ra sạt lở. Đồng thời, hoàn thành việc chỉnh trị ổn định dòng chảy tại một số phân lưu, hợp lưu, trên các đoạn sông chính, khu vực cửa sông, ven biển có diễn biến xói, bồi phức tạp.

Bên cạnh các công trình chống sạt lở bờ sông, bờ biển đã và đang được đầu tư xây dựng nhằm nâng cao năng lực PCTT, hiện nay ở nhiều địa phương, tình trạng xâm thực ven sông, sạt lở núi ngày càng nghiêm trọng nhưng chưa được đầu tư kè chống sạt lở, chưa có nhà PCTT kết hợp cộng đồng. Đơn cử tại thôn Mỹ Hưng, xã Hành Thịnh (Nghĩa Hành)nằm ven sông Vệ, thấp trũng và dễ sạt lở. Khi xảy ra lũ trên sông Vệ, công tác di dời và sơ tán dân ở thôn Mỹ Hưng gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân là nhà kiên cố ít, lại không có nhà PCTT kết hợp cộng đồng, trong khi tuyến đường độc đạo bị ngập sâu nên việc di chuyển gần 400 hộ dân ở nơi đây phải thực hiện bằng ghe máy.

 
Còn trên địa bàn huyện Minh Long, hàng chục điểm sạt lở ven sông Phước Giang, đe dọa trực tiếp tính mạng và tài sản của hàng trăm hộ dân nhưng các khu vực này chưa có nhà PCTT kết hợp cộng đồng. Chủ tịch UBND xã Long Sơn (Minh Long) Võ Văn Gấm cho biết, dân cư phân bố rộng, địa hình bị chia cắt bởi đồi núi và sông suối nên mỗi khi xảy ra thiên tai, việc di dời và sơ tán hàng trăm hộ dân gặp rất nhiều khó khăn. Chính quyền địa phương và người dân mong các cấp quan tâm đầu tư xây dựng nhà PCTT kết hợp cộng đồng, xây dựng công trình kè chống sạt lở ven suối và sông Phước Giang để người dân an cư.
 
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Phước Hiền đã có chỉ đạo, các chủ đầu tư đôn đốc các nhà thầu đảm bảo tiến độ thi công và chất lượng các công trình PCTT; chính quyền các địa phương và các đơn vị phải chủ động phương án ứng phó với rủi ro thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ”. Kiểm tra, phát hiện, xử lý, ngăn chặn triệt để các trường hợp vi phạm Luật Đê điều, tạo điều kiện thuận lợi cho việc ứng phó với sự cố mùa mưa bão, bảo đảm an toàn đê cũng như công trình PCTT. Đối với các vị trí sạt lở, phải theo dõi chặt chẽ diễn biến để có phương án xử lý kịp thời, bảo đảm an toàn công tác PCTT trong mùa mưa bão năm nay.
 
Bài, ảnh: MỸ HOA
 
 

.