Tổ thủy nông hợp tác xã: Bao nỗi nhọc nhằn

10:06, 28/06/2022
.
(Báo Quảng Ngãi)- Tổ thủy nông tại các hợp tác xã nông nghiệp (HTXNN) có nhiệm vụ nạo vét mương nội đồng và điều tiết nước từ các kênh chính về đồng ruộng. Đây là khâu quan trọng, góp phần đảm bảo hoạt động sản xuất đạt hiệu quả. Tuy nhiên, việc duy trì hoạt động của các tổ thủy nông hiện gặp khó khăn do mức hỗ trợ ngày công quá thấp.
 
[links()]
 
Điều tiết nước cho các cánh đồng
 
Nắng nóng kéo dài trong nhiều ngày qua khiến cho nhiều đồng ruộng vừa lấy nước xong đã khô. Các thành viên trong đội thủy nông của HTXNN Hành Dũng (Nghĩa Hành) thường xuyên có mặt ngoài đồng ruộng để điều tiết nước từ các kênh chính, con đập, trạm bơm về tận các cánh đồng.
 
Ông Nguyễn Thương, ở thôn Nghĩa Lâm, xã Hành Nhân (Nghĩa Hành), khơi thông dòng chảy, điều tiết nước về ruộng cho người dân.
Ông Nguyễn Thương, ở thôn Nghĩa Lâm, xã Hành Nhân (Nghĩa Hành), khơi thông dòng chảy, điều tiết nước về ruộng cho người dân.
Ông Nguyễn Hữu Hùng, thành viên đội dẫn thủy của HTXNN Hành Dũng chia sẻ, tôi đảm nhận vai trò dẫn thủy ở xứ đồng thôn An Tân và trạm bơm BM5, với tổng diện tích gần 30ha. Mấy ngày nay, thời tiết nắng nóng, lấy xong nước cho cánh đồng này thì cánh đồng khác đã khô. Vậy nên, tôi suốt ngày ở ngoài đồng ruộng. Có hôm chỉ kịp về ăn cơm, rồi lại chạy ra đồng. Trời nắng, nếu không điều tiết nguồn nước sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của cây lúa. 
 
Vừa dọn bữa cơm trưa, chưa kịp ăn, nghe điện thoại báo phải đi khơi thông dòng chảy do rác ứ đọng ngay đầu cống, ông Nguyễn Thương, ở thôn Nghĩa Lâm, xã Hành Nhân (Nghĩa Hành) vội mang cuốc chạy ra đồng. “Làm nghề này vất vả nhưng tôi luôn cố gắng, vì cũng là nông dân nên thấu hiểu nỗi lo của nhà nông. Vào vụ hè thu, ruộng vừa mới lấy nước hôm trước, hôm sau đã khô, nên tôi phải thường xuyên có mặt ngoài đồng", ông Thương cho hay.
 
Khó khăn trong duy trì hoạt động
 
Tổ thủy nông có vai trò quan trọng, vì vậy các HTXNN cố gắng duy trì dịch vụ, mặc dù thu không đủ chi và gặp khó khăn trong quá trình điều hành. Giám đốc HTXNN Hành Dũng Nguyễn Đức Công cho biết, trước đây, xã Hành Dũng thuộc diện xã miền núi được Nhà nước cấp bù thủy lợi phí theo mức hơn 1,8 triệu đồng/ha/vụ đối với hưởng nước trạm bơm, gần 1,3 triệu đồng/ha/vụ đối với hưởng nước từ Thạch Nham. Tuy nhiên, từ vụ hè thu năm 2021 đến nay, Hành Dũng không còn được hưởng chế độ cấp bù thủy lợi phí dành cho xã miền núi, nên mức hỗ trợ giảm còn hơn 1,4 triệu đồng/ha/vụ đối với hưởng nước trạm bơm và 986 nghìn đồng/ha/vụ đối với hưởng nước Thạch Nham.
 
Giám đốc HTXNN Hành Nhân Nguyễn Văn Đóa cho biết, xã Hành Nhân có gần 300ha trồng lúa. Trong đó, hơn 80ha hưởng nước Thạch nham, còn lại là hưởng nước từ các đập và trạm bơm. Song cả 3 đập gồm Đồng Thắt, Đồng Điền và Đồng Giữa đều nằm trên địa bàn xã Long Sơn (Minh Long), cách xa các cánh đồng từ 3 - 6km. Để đảm bảo việc điều tiết nước cho các cánh đồng trên toàn xã, HTX duy trì đội thủy nông với khoảng 20 người. So với các xã đồng bằng hưởng nước Thạch Nham, hoạt động của đội thủy nông ở xã Hành Nhân gặp khó khăn hơn vì phần lớn hưởng nước từ đập và trạm bơm.
 
Không chỉ đảm nhận vai trò dẫn nước, các thành viên đội thủy nông còn làm nhiệm vụ nạo vét kênh mương nội đồng. Mặc dù công việc vất vả nhưng mỗi thành viên trong đội thủy nông chỉ được trả công 20 nghìn đồng/sào/vụ. Tính ra, với công việc dẫn nước cho 15ha lúa trong 2,5 tháng, một thành viên dẫn thủy chỉ được 6 triệu đồng. Trong khi những lao động đi làm công trung bình kiếm được 250 - 300 nghìn đồng/người/ngày. Chính sự chênh lệch trong mức thu nhập này, khiến nhiều người bỏ công việc dẫn thủy tại các HTX để đi làm việc khác.
 
Bài, ảnh: HỒNG HOA
 
 
 

.