(Báo Quảng Ngãi)- Đầu tháng 3/2022, Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) tỉnh đã ra mắt trang Zalo của ngân hàng. Với kênh thông tin này, khách hàng dễ dàng tra cứu, cập nhật thông tin tín dụng chính sách, lãi suất, mở thẻ, giải đáp thắc mắc, phản hồi ý kiến khách hàng...
[links()]
Trang Zalo Ngân hàng CSXH được thành lập nhằm đẩy mạnh truyền thông hoạt động của ngân hàng trên các kênh đa nền tảng ứng dụng công nghệ số; nâng cao độ nhận diện thương hiệu Ngân hàng CSXH; gia tăng kết nối thông tin giữa Ngân hàng CSXH và khách hàng. Đồng thời, giúp khách hàng dễ dàng tra cứu, cập nhật thông tin hoạt động về tín dụng chính sách như lãi suất cho vay, lãi suất huy động, quy trình vay vốn, các sản phẩm tiết kiệm, các mô hình vay vốn điển hình, dịch vụ mới...
Cán bộ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Bình Sơn hướng dẫn khách hàng cài đặt ứng dụng Zalo của ngân hàng trên điện thoại di động. |
Là khách hàng đã trải nghiệm ứng dụng Zalo của Ngân hàng CSXH tỉnh, chị Huỳnh Thị Mai, ở thôn Phước Lộc Tây, xã Tịnh Sơn (Sơn Tịnh) chia sẻ, cách đây hơn 1 tháng, cán bộ phòng giao dịch ngân hàng CSXH huyện đã hướng dẫn tôi cách cài ứng dụng Zalo của ngân hàng trên điện thoại thông minh. Nhờ những thông tin đăng tải trên Zalo của ngân hàng, tôi biết được nhiều mô hình làm kinh tế hiệu quả ở các địa phương, cách tiết kiệm vốn...
Bên cạnh đó, tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn ở các địa phương nắm bắt thông tin qua Zalo của ngân hàng một cách nhanh chóng, chính xác, giúp cho công tác quản lý tốt hơn. Khách hàng cũng có thể tự giám sát các khoản vay của mình, số lãi nộp hằng tháng, số nợ còn bao nhiêu... Qua đó, giúp khách hàng chủ động tiết kiệm, trả nợ phù hợp, góp phần nâng cao chất lượng tín dụng chính sách tại địa phương. “Hiện tôi đang quản lý 65 khách hàng vay vốn, với tổng dư nợ hơn 3,2 tỷ đồng. Thông qua ứng dụng Zalo được cài đặt trên điện thoại, tôi nắm bắt, tuyên truyền các chương trình tín dụng chính sách chi tiết, đầy đủ hơn”, ông Nguyễn Văn Hiệp, Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn Minh Xuân, xã Tịnh Bắc (Sơn Tịnh), chia sẻ.
Hiện nay, 173 xã, phường, thị trấn trên toàn tỉnh đã có điểm giao dịch xã cố định của Ngân hàng CSXH tỉnh. Qua các buổi giao dịch định kỳ tại các xã, cán bộ ngân hàng CSXH đã tiến hành giải ngân, thu lãi và nợ cho khách hàng; đồng thời trực tiếp hướng dẫn cán bộ các hội, đoàn thể, tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn, khách hàng cài đặt phần mềm Zalo của ngân hàng.
Giám đốc Ngân hàng CSXH tỉnh Trần Duy Cường cho biết, thời gian qua, Ngân hàng CSXH tỉnh đã triển khai nhiều phần mềm ứng dụng công nghệ số nhằm hiện đại hóa trong khâu cải cách thủ tục hành chính. Qua đó, giúp người dân nâng cao hiểu biết về lĩnh vực ngân hàng, tài chính và phát huy hiệu quả sử dụng vốn, từng bước làm quen với công nghệ số, nhất là khách hàng ở vùng nông thôn, miền núi.
Bài, ảnh:
HỒNG HOA