Phân bón hữu cơ có nhiều lợi ích trong sản xuất nông nghiệp

10:05, 29/05/2022
.
(Baoquangngai.vn)- Giá phân bón vô cơ (phân hóa học) đang tăng mạnh, nhiều nông dân đã chủ động tạo phân hữu cơ để bón cho cây trồng. Sử dụng phân bón hữu cơ giúp giảm chi phí đầu vào, vừa tăng độ phì nhiêu của đất, vừa giúp giảm ô nhiễm môi trường. 
[links()]
 
Tạo phân hữu cơ không khó
 
Gia đình bà Nguyễn Thị Do, ở thôn An Hà 1, xã Nghĩa Trung (Tư Nghĩa) có 6 sào đất lúa. Mấy chục năm qua, bà luôn duy trì việc ủ phân bò, phân heo kết hợp với rơm, thân, lá cây đậu phộng, lá cây ủ tạo thành phân hữu cơ. Khi phân hoai mục bà Do mang ra đồng bón cho lúa, bắp, đậu, hạn chế đến mức thấp nhất dùng phân hóa học, để tiết kiệm chi phí.

“Hằng ngày, tôi dọn chuồng trại, thu dọn toàn bộ phân bò, phân heo đổ tập trung vào hố phân rồi cho thêm rạ, lá cây vào để ủ thành phân. Tới mùa nhổ đậu phộng, tôi cũng mang toàn bộ thân, lá về ủ thành phân. Với giá phân bón tăng cao như lúc này, 1 sào lúa, nông dân phải tốn hơn 1 triệu đồng tiền phân bón thì tận dụng phân chuồng là biện pháp tốt nhất để giảm chi phí đầu tư”, bà Do bộc bạch. 

Ông Lâm Văn Chánh
Ông Lâm Văn Chánh dùng phân bò ủ thành phân hữu cơ bón cho cây trồng.

Ông Lâm Văn Chánh, ở thôn Lương Nông Nam, xã Đức Thạnh (Mộ Đức) là người đi tiên phong sản xuất nông nghiệp hữu cơ, thân thiện với môi trường.

Gia đình ông Chánh có trang trại tổng hợp với diện tích 6.500 m2. Ông đầu tư khu nuôi trùn quế sinh khối với hơn 100 m2. Ông Chánh lấy phân bò, rơm, lá cây trong vườn ủ nuôi trùn quế. Phân trùn quế quay lại làm phân sinh khối bón cho cây trồng, trùn quế làm thức ăn cho vật nuôi. Nhờ đó, ông tiết kiệm được vài chục triệu đồng tiền mua phân bón mỗi năm. 

Ông Chánh chia sẻ, làm phân hữu cơ không khó. Ngoài cái lợi về kinh tế, phân hữu cơ còn có giá trị dinh dưỡng cao, rất tốt cho đất. Vì thế mà phân chuồng được người nông dân Việt Nam tin dùng từ rất xa xưa”.

Nhiều lợi ích

Theo Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT), hằng năm nước ta sử dụng trên 10 triệu tấn phân bón. Lượng phân bón sử dụng cao hơn so với mức trung bình trên thế giới. Hiệu quả sử dụng phân bón chỉ đạt 45 - 50%.

Bón phân vô cơ quá mức gây chết các loài sinh vật tự nhiên trong đất, khiến nguồn đất dần mất đi độ tơi xốp, màu mỡ. Cây không hấp thụ hết phân hóa học gây lãng phí, phân tích tụ trong đất gây ô nhiễm môi trường. Việc lạm dụng phân bón vô cơ cũng dẫn tới nhiều vấn đề về an toàn thực phẩm như dư lượng kim loại nặng và nitrat trong sản phẩm nông nghiệp.

phân vô cơ
Nông dân cần giảm lượng phân vô cơ, tăng cường sử dụng phân hữu cơ để giảm chi phí sản xuất, bảo vệ môi trường.

Tác hại của phân bón vô cơ đối với con người, môi trường đặc biệt là đất sản xuất nông nghiệp rất rõ ràng. Việc sử dụng phân hữu cơ sinh học mang lại nhiều lợi ích, giúp giảm lượng phân bón vô cơ, phục hồi đất canh tác, giúp cây trồng phát triển cân đối. Đây là giải pháp tối ưu cho nền nông nghiệp nước ta hiện nay.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Quang Trung cho biết, ngành nông nghiệp sẽ phối hợp với các địa phương tổ chức tập huấn sâu rộng cho nông dân canh tác “1 phải 5 giảm” trong sản xuất nông nghiệp, nhất là giảm phân bón vô cơ, tăng cường bón phân hữu cơ.

Hiện nay, giá phân bón thế giới và trong nước liên tục tăng cao, nguồn cung hạn chế và còn diễn biến phức tạp trong thời gian tới. Bộ NN&PTNT đã có chỉ thị yêu cầu các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền nông dân sử dụng phân bón tiết kiệm, cân đối và hiệu quả, khuyến khích sử dụng phân bón hữu cơ, giảm chi phí đầu vào, hướng tới một nền nông nghiệp bền vững, trách nhiệm và giá trị gia tăng cao thích ứng với biến đổi khí hậu, dịch bệnh kéo dài.
 
"Trong các loại phân bón hữu cơ sinh học đều chứa đầy đủ các chất dinh dưỡng đa lượng N, P, K cần thiết cho cây trồng. Ngoài ra, trong phân bón hữu cơ sinh học còn có các nguyên tố trung lượng và vi lượng ở dạng dễ hấp thu giúp cây trồng phát triển cân đối. Phân hữu cơ sinh học sẽ không bị mất cân bằng dinh dưỡng khi cung cấp cho cây trồng như khi sử dụng phân bón hóa học"

Giám đốc Trung tâm Bảo vệ thực vật miền Trung (Cục Bảo vệ thực vật)             LƯƠNG ANH TUẤN

 

Bài, ảnh: ÁI KIỀU
 

.