Nhân rộng các mô hình chi, tổ hội nghề nghiệp

10:05, 28/05/2022
.
(Báo Quảng Ngãi)- Các cấp hội nông dân ở huyện Sơn Hà đã thành lập các chi, tổ hội nghề nghiệp, để liên kết những nông dân có chung ngành nghề sản xuất. Mô hình này đã giúp nông dân từng bước chuyển đổi phương thức sản xuất truyền thống, nhỏ lẻ sang sản xuất hàng hóa tập trung theo chuỗi giá trị, góp phần nâng cao thu nhập, phát triển kinh tế hộ gia đình.
 
[links()]
 
Là thành viên Chi hội Nghề nghiệp chăn nuôi dê gần 3 năm qua, chị Đinh Thị Nan cùng 12 hội viên khác, ở thôn Làng Vố, xã Sơn Thượng (Sơn Hà) đã vươn lên phát triển kinh tế gia đình.
 
Nhiều hội viên, nông dân ở xã Sơn Thượng (Sơn Hà) có thu nhập khá nhờ tham gia vào Chi hội Nghề nghiệp chăn nuôi dê.
Nhiều hội viên, nông dân ở xã Sơn Thượng (Sơn Hà) có thu nhập khá nhờ tham gia vào Chi hội Nghề nghiệp chăn nuôi dê.
Chị Nan chia sẻ, không chỉ được hỗ trợ vay 40 triệu đồng, mà khi tham gia chi hội nghề nghiệp, tôi còn được các thành viên truyền đạt kinh nghiệm chăn nuôi, liên kết tìm đầu ra tiêu thụ sản phẩm, nên chỉ chưa đầy một năm, tôi đã trả được vốn vay. Bình quân mỗi năm, tôi có thu nhập khoảng 80 triệu đồng từ nuôi dê. Hiện sản phẩm dê bản địa ở địa phương không đủ số lượng cung ứng ra thị trường, nên tôi chuẩn bị tăng đàn, mở rộng chuồng trại. Nhờ tham gia vào chi hội nghề nghiệp mà cuộc sống của gia đình tôi đã đổi thay, phát triển rất nhiều, tôi rất phấn khởi.
 
Nhận thấy cơ sở thi công xây dựng của ông Đinh Văn Chiêm, ở thị trấn Di Lăng (Sơn Hà) rất phát triển và có nhu cầu liên kết, tuyển dụng lao động tăng cao, năm 2019, Hội Nông dân thị trấn Di Lăng đã thành lập Tổ hội Nghề nghiệp xây dựng. Định kỳ hằng tháng, các thành viên tổ chức gặp mặt, cùng trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ khách hàng, nhân công xây dựng các công trình, nhờ đó các thành viên của tổ hội nghề nghiệp có nguồn thu nhập cao. “Sau gần 1,5 năm thành lập, tổ hội nghề nghiệp đã thu hút 10 thành viên tham gia, tạo việc làm cho gần 80 lao động ở địa phương. Việc thành lập tổ hội nghề nghiệp đã góp phần gầy dựng được thương hiệu uy tín, tạo việc làm ổn định, nâng cao thu nhập cho các thành viên”, Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Di Lăng Trần Văn Huynh cho biết.
 
Theo Chủ tịch Hội Nông dân huyện Sơn Hà Nguyễn Tấn Công, toàn huyện có hơn 10 chi, tổ hội nghề nghiệp, với gần 200 hội viên, nông dân tham gia. Đây là nơi tập hợp những hội viên, nông dân có chung lĩnh vực lao động, cùng ngành nghề sản xuất, cùng mối quan tâm, chia sẻ trách nhiệm và cùng hưởng lợi. Tiêu biểu như Chi hội Nghề nghiệp trồng rau sạch ở thị trấn Di Lăng, Tổ hội Nghề nghiệp chăn nuôi heo ky sinh sản ở xã Sơn Cao (Sơn Hà)... Việc thành lập các chi, tổ hội nghề nghiệp đã tăng cường sự gắn kết giữa hội viên với tổ chức hội; từng bước nâng cao năng lực tổ chức sản xuất, nâng cao thu nhập, đời sống cho nông dân vùng cao. 
 
“Thời gian đến, các cơ sở hội nông dân của huyện Sơn Hà sẽ tiếp tục nhân rộng, phát huy các mô hình chi, tổ hội nghề nghiệp, nhằm góp phần tập trung nguồn lực đầu tư, tiếp cận khoa học kỹ thuật, tiết kiệm chi phí đầu vào và kiểm soát được chất lượng, giá cả đầu ra, hỗ trợ kết nối tiêu thụ sản phẩm cho nông dân. Đồng thời, giúp hội viên, nông dân chủ động trong sản xuất hàng hóa; tạo điều kiện thuận lợi tiến tới thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn”, ông Công nhấn mạnh. 
 
Bài, ảnh: HẢI CHÂU
 
 
 

.