(Báo Quảng Ngãi)- Sau 4 thập kỷ ra đời (1982- 2022), Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982) được xem là hiến pháp của đại dương, là văn kiện pháp lý quốc tế quan trọng, nhận được sự đồng thuận của nhiều quốc gia trên thế giới. Đến nay, có 162 quốc gia phê chuẩn và tham gia UNCLOS 1982.
[links()]
Kiến tạo trật tự hàng hải toàn cầu
Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 được thông qua ngày 30/4/1982 sau hơn 4 năm chuẩn bị và 9 năm đàm phán. Sau 40 năm ra đời, UNCLOS 1982 trở thành hiệp ước quan trọng nhất về các quy tắc, quyền và trách nhiệm hàng hải. Đây cũng được xem là văn kiện pháp lý quốc tế quan trọng nhất (sau Hiến chương Liên hợp quốc), đáp ứng nguyện vọng của cộng đồng quốc tế về một trật tự pháp lý đối với tất cả các vấn đề về biển và đại dương, bao gồm cả đáy biển và lòng đất dưới đáy biển. Vì vậy, sau khi UNCLOS 1982 có hiệu lực vào năm 1994, nhiều quốc gia ven biển đã ra các tuyên bố để khẳng định chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của mình đối với những vùng biển được mở rộng theo quy định của UNCLOS 1982.
Cán bộ Đồn Biên phòng cảng Sa Huỳnh tuyên truyền, nhắc nhở ngư dân chấp hành chính sách, pháp luật của Nhà nước trong quá trình hoạt động trên biển. Ảnh: Mỹ Hoa |
Trên cơ sở UNCLOS 1982, các quốc gia ven biển đã tận dụng các điều khoản lợi thế cho phép mở rộng vùng đặc quyền kinh tế ra tới 200 hải lý dọc đường cơ sở. Các quốc gia không có biển được quyền tiếp xúc với biển hoặc từ biển, cũng được quy định một cách rõ ràng. Sau khi UNCLOS 1982 có hiệu lực, cơ quan quyền lực quốc tế về đáy đại dương được thành lập để tổ chức, kiểm soát các hoạt động dưới biển sâu, nhằm điều hành việc khai thác và bảo tồn các nguồn tài nguyên của biển. Năm 1996, Tòa án Luật Biển quốc tế cũng được thành lập để giải quyết các tranh chấp liên quan đến biển phát sinh từ việc áp dụng hay hiểu biết về công ước.
Thượng tôn công ước
Việt Nam là một trong 107 nước đầu tiên ký tham gia và phê duyệt UNCLOS 1982. Ngày 23/6/1994, Quốc hội đã ra Nghị quyết về việc phê chuẩn văn kiện pháp lý quan trọng này. Điểm 1 trong nghị quyết nêu rõ: “Bằng việc phê chuẩn Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982, nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam biểu thị quyết tâm cùng cộng đồng quốc tế xây dựng một trật tự pháp lý công bằng, khuyến khích sự phát triển và hợp tác trên biển”.
Tham gia UNCLOS 1982, Việt Nam được thừa nhận là quốc gia ven biển có vùng lãnh hải rộng 12 hải lý, vùng đặc quyền kinh tế rộng 200 hải lý, thềm lục địa rộng ít nhất 200 hải lý và có thể mở rộng tới 350 hải lý tính từ đường cơ sở. Diện tích các vùng biển và thềm lục địa mà nước ta được hưởng theo quy định của UNLOS 1982 là gần 1 triệu kílômét vuông, rộng gấp ba lần diện tích lãnh thổ đất liền.
Chủ tịch Hội Nghề cá tỉnh Phan Huy Hoàng cho rằng, UNCLOS 1982 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong cuộc đấu tranh bảo vệ các quyền và lợi ích chính đáng của nước ta trên biển, chủ quyền các vùng biển và thềm lục địa, trong đó có quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Cùng với những chứng cứ lịch sử, pháp lý chứng minh chủ quyền của Việt Nam được xác lập liên tục từ lâu đời đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, thì UNCLOS 1982 là cơ sở pháp lý quốc tế vững chắc để nước ta viện dẫn, nhằm phản bác những yêu sách phi lý của một số quốc gia.
Ngoài ra, UNCLOS 1982 cũng là cơ sở pháp lý chung cho việc phân định vùng biển và thềm lục địa chồng lấn giữa nước ta với các nước xung quanh Biển Đông. Qua đó, kiến tạo sự tin cậy trong các hoạt động trên biển và đại dương, đảm bảo môi trường ổn định, hòa bình, hợp tác và phát triển giữa các nước trong khu vực Biển Đông cũng như quốc tế.
Góp sức cùng cả nước thực thi hiệu quả UNCLOS 1982, thời gian qua, chính quyền các cấp trong tỉnh đã tích cực tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với các chủ tàu, thuyền trưởng, ngư dân, lao động nghề cá và nhân dân khu vực biên giới biển. Qua đó, nâng cao kiến thức và ý thức chấp hành pháp luật, trách nhiệm công dân trong quá trình tham gia quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và an ninh biên giới... góp phần giữ vững ổn định, trật tự khu vực biên giới biển nói riêng, biên giới quốc gia nói chung.
MỸ HOA