(Báo Quảng Ngãi)- Trong bối cảnh dịch Covid-19, cộng đồng doanh nghiệp (DN), nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều DN phải ngừng hoạt động hoặc thu hẹp sản xuất. Hiện nay, các DN đang nỗ lực khôi phục sản xuất, kinh doanh nhưng vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thách thức.
[links()]
Nỗ lực phục hồi sản xuất
Nhà máy may Vinatex Nghĩa Hành (Công ty CP may Vinatex Nghĩa Hành), đóng tại Cụm Công nghiệp Đồng Dinh (Nghĩa Hành) được đầu tư xây dựng và đi vào hoạt động đúng thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhà máy gặp không ít khó khăn. Nhiều đơn đặt hàng xuất khẩu với số lượng lớn đã bị hủy hoặc kéo dài.
Doanh nghiệp hoạt động trong cụm công nghiệp đã góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, tăng giá trị sản xuất công nghiệp tại các địa phương. |
Dịch Covid-19 cũng làm tiến độ đầu tư xây dựng, sản xuất của Công ty CP Cấu kiện bê tông và Hạ tầng Kiến Trường, thuộc CCN Quán Lát (Mộ Đức) chậm so với kế hoạch. Tuy nhiên, sau khi đi vào hoạt động, DN cũng đã tập trung sản xuất, kinh doanh, từng bước đưa sản phẩm xâm nhập thị trường. “Công ty chuyên sản xuất, cung cấp sản phẩm bê tông thương phẩm và cấu kiện bê tông đúc sẵn chất lượng cao. Hiện nay công ty mới hoạt động 30% so với công suất thiết kế, giải quyết việc làm cho 27 lao động tại địa phương. Sản phẩm bê tông thương phẩm của công ty đang được nhiều DN, người dân ở địa bàn huyện Mộ Đức, TX.Đức Phổ lựa chọn để xây dựng công trình.
Thời gian gần đây, có nhiều công trình, dự án được triển khai nên hoạt động sản xuất, kinh doanh của công ty đã bắt đầu có nhiều khởi sắc.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã ký Quyết định số 167/QĐ-TTg phê duyệt “Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp khu vực tư nhân kinh doanh bền vững giai đoạn 2022 - 2025”. Theo đó, DN kinh doanh bền vững là DNNVV được ngân sách nhà nước hỗ trợ tư vấn tiếp cận tài chính, gọi vốn đầu tư, truyền thông, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường… theo định mức hỗ trợ cao nhất được quy định tại Luật Hỗ trợ DNNVV và các nghị định hướng dẫn Luật. |
Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp
Mặc dù có nhiều nỗ lực để khôi phục sản xuất, kinh doanh nhưng hoạt động của nhiều DN ở các CCN trên địa bàn tỉnh vẫn còn gặp không ít khó khăn, thách thức; một số DN phải ngừng hoạt động, phá sản. Hầu hết các DN này đều thuộc diện DNNVV, thậm chí siêu nhỏ, nên tiềm lực tài chính hạn chế.
Phó Giám đốc Ban Quản lý CCN và Đô thị huyện Bình Sơn Phạm Công Hiền cho biết, CCN Bình Nguyên (Bình Sơn) có 14 dự án đầu tư, trong đó có 12 dự án đi vào hoạt động, giải quyết việc làm cho gần 460 lao động, thu nhập bình quân 5,6 triệu đồng/người/tháng. Trong năm 2021, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, có 2 dự án phải tạm dừng hoạt động.
Được biết, trên địa bàn tỉnh hiện có 15/23 CCN đã đi vào hoạt động; tỷ lệ lấp đầy bình quân gần 68%. Đến nay, các CCN đã thu hút được 142 dự án đầu tư, trong đó đã có 88 dự án đi vào hoạt động sản xuất, kinh doanh; giải quyết việc làm cho gần 3.780 lao động. Tuy ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhưng trong năm 2021 các địa phương cũng đã thu hút được 7 dự án thứ cấp đăng ký đầu vào các CCN, với tổng vốn đăng ký khoảng 169,5 tỷ đồng (bình quân khoảng 24,2 tỷ đồng/dự án); giải quyết việc làm cho khoảng 200 lao động, thu nhập bình quân 4 - 6 triệu đồng/người/tháng. Nộp ngân sách năm 2021 của các DN trong CCN khoảng 121 tỷ đồng.
Để hỗ trợ DN khôi phục sản xuất, kinh doanh trong tình hình mới, cách đây hai tháng, Sở Công thương đã phối hợp với các Sở TN&MT, KH&ĐT... tổ chức các buổi làm việc trực tiếp với từng DN trong các CCN trên địa bàn tỉnh, nhằm rà soát lại thực trạng hoạt động của DN. Qua đó, triển khai các chính sách mới đến các DN và lắng nghe những khó khăn, vướng mắc của DN để đề xuất lên cấp trên có hướng hỗ trợ phù hợp.
Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Đức Thắng cho biết, qua các buổi làm việc, nhiều DN trong CCN kiến nghị đang gặp khó khăn về tiếp cận nguồn vốn. DN mong muốn Chính phủ sớm triển khai chính sách hỗ trợ về nguồn vốn với lãi suất ưu đãi cũng như tiếp tục có những chính sách ưu đãi về thuế, giúp DN giảm bớt khó khăn. Với trách nhiệm của mình, thời gian tới Sở Công thương sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tích cực hướng dẫn, hỗ trợ về chính sách để DN tiếp cận thuận lợi.
So với các DN trong KKT Dung Quất và các KCN tỉnh, các DNNVV trong các CCN có giá trị sản xuất công nghiệp nhỏ hơn, nhưng sự hoạt động ổn định của các DN góp phần quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu lao động tại các địa phương, vùng nông thôn. Vậy nên các cấp, các ngành và địa phương cần tạo điều kiện để DN thuận lợi đầu tư sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân.
Bài, ảnh:
HỒNG HOA