Khởi nghiệp từ nông nghiệp: Cần được trợ lực

08:02, 23/02/2022
.
(Báo Quảng Ngãi)- Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh có nhiều thanh niên thực hiện dự án khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp. Tuy nhiên, để khởi nghiệp thành công trong lĩnh vực nông nghiệp, các dự án rất cần sự hỗ trợ từ các ngành chức năng. 
[links()]
 
Nhiều khó khăn 
 
Năm 2016, anh Đ.T.H, ở huyện Minh Long khởi nghiệp với mô hình nuôi dúi (chuột nứa). Sau khi đầu tư chuồng trại, mở rộng quy mô từ vài con nuôi thử nghiệm ban đầu lên đến gần cả trăm con giống sinh sản, trại dúi của anh H trở thành địa điểm thu hút những người cùng đam mê đến tham quan, học hỏi và mua con giống. Tuy nhiên, sau 5 năm gầy dựng, đến giữa năm 2021, anh H quyết định tạm ngưng mô hình nuôi dúi. “Dịch Covid-19 bùng phát ảnh hưởng đến đầu ra của sản phẩm, nên tôi tạm thời dừng mô hình nuôi dúi. Khi tìm kiếm được đầu ra ổn định, tôi sẽ gầy dựng lại”, anh H chia sẻ.
 
Dự án khởi nghiệp “Mô hình nuôi thỏ và trồng măng tây khép kín theo hướng hữu cơ” của HTX Chăn nuôi thỏ Quảng Ngãi đang từng bước mở rộng diện tích trồng cây măng tây.
Dự án khởi nghiệp “Mô hình nuôi thỏ và trồng măng tây khép kín theo hướng hữu cơ” của HTX Chăn nuôi thỏ Quảng Ngãi đang từng bước mở rộng diện tích trồng cây măng tây.
Đồng lòng thành lập Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Hòa Phú Thịnh từ cuối năm 2018, những người trẻ đam mê khởi nghiệp tại huyện Mộ Đức đã trải qua hành trình đầy thăng trầm để lựa chọn mô hình chăn nuôi, trồng trọt phù hợp. “Thoạt đầu, HTX phát triển mô hình trồng dưa lưới và nấm rơm. Để phát triển bền vững mô hình, chúng tôi chủ động tìm kiếm, liên kết thành công với các doanh nghiệp bao tiêu đầu ra cho sản phẩm. Tuy nhiên, đặc thù thời tiết tại Quảng Ngãi chỉ thích hợp phát triển dưa lưới, nấm rơm trong mùa xuân và mùa hè, còn mùa thu và đông thì không phát triển được, nên HTX không đủ nông sản quanh năm để cung cấp cho doanh nghiệp như đã ký kết. Thành thử, sau hơn 2 năm phát triển mô hình, đến cuối năm 2020, HTX đành tạm ngưng phát triển mô hình trồng dưa lưới và nấm rơm”, Giám đốc HTX NN Hòa Phú Thịnh Nguyễn Anh Tiến chia sẻ.
 
Cần hỗ trợ vốn, thị trường
 
Gần 3 năm kể từ khi đoạt giải ba Cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh lần thứ I, với dự án “Mô hình nuôi thỏ và trồng măng tây khép kín theo hướng hữu cơ”, HTX Chăn nuôi thỏ Quảng Ngãi đã thu hút nhiều bạn trẻ tham gia. Từ 7 thành viên, đến nay HTX đã tăng lên 20 thành viên. 
 
Từ 5 sào trồng măng tây ban đầu tại xã Tịnh Hiệp (Sơn Tịnh), HTX phát triển lên 10ha trồng măng tây cùng nhiều loại rau màu khác ở nhiều địa phương trong tỉnh như Ba Tơ, Trà Bồng, Sơn Tây... Riêng mô hình chăn nuôi thỏ, HTX giữ nguyên quy mô ban đầu là 1.000 con thỏ sinh sản, cung cấp ra thị trường từ 30 - 36 tấn thịt thỏ thương phẩm mỗi năm.
 
Mặc dù dự án đã đạt kết quả bước đầu rất đáng mừng, nhưng theo Giám đốc HTX Chăn nuôi thỏ Quảng Ngãi Phạm Hùng Cường, việc tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm của HTX chủ yếu vẫn đang được các thành viên nỗ lực thực hiện theo hướng truyền thống. Đó là bán trực tiếp cho thương lái, hoặc bán lẻ cho người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh, chứ chưa thực hiện được việc liên kết với doanh nghiệp để bao tiêu đầu ra. Mặc dù các thành viên của HTX đều mong muốn phát triển các sản phẩm chế biến từ thịt thỏ như chả thỏ, xúc xích, chà bông làm từ thịt thỏ... để nâng cao giá trị sản phẩm, nhưng chưa đủ vốn để đầu tư xưởng, máy móc phục vụ chế biến, đóng gói... nên HTX chủ yếu bán sản phẩm thô ra thị trường.
 
Giám đốc HTX NN Hòa Phú Thịnh Nguyễn Anh Tiến cũng cho rằng, việc đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp theo hướng công nghệ cao cần nhiều vốn. Mặc dù từ năm 2019 đến nay, HTX luôn hoạt động có lãi, nhưng không tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi. Để có nguồn vốn đầu tư phát triển mô hình, các thành viên của HTX phải đứng ra vay vốn theo hộ gia đình. Thời gian đến, rất mong ngành chức năng tạo điều kiện, hỗ trợ  để HTX phát triển sản xuất.  
 
Bài, ảnh: Ý THU
 
 

.