Sức bật từ nghị quyết "tam nông"

05:01, 30/01/2022
.
(Baoquangngai.vn)-  Với những quyết sách, cách làm linh hoạt, phù hợp thực tiễn địa phương, qua gần 15 năm thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn diện mạo nông thôn của Quảng Ngãi ngày càng có nhiều đổi thay, khởi sắc, sản xuất nông nghiệp phát triển hiện đại, đời sống của nhân dân khu vực nông thôn ngày càng được nâng cao.
[links()]
 
“Chắp cánh” cho nông nghiệp phát triển
 
Quán triệt tinh thần Nghị quyết số 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn (Nghị quyết “Tam nông”), tỉnh Quảng Ngãi đã sớm xây dựng các chủ trương, chính sách, chương trình hành động nhằm cụ thể hóa và thực hiện hiệu quả việc phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Trong đó, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh đã ban hành các văn bản quan trọng trong việc chỉ đạo thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM) và Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Đây cũng là những nội dung chỉ đạo trọng tâm trong việc tổ chức thực hiện Nghị quyết "tam nông" trên địa bàn tỉnh.
 
Từ các chính sách đầu tư cho "tam nông", ngành nông nghiệp của tỉnh liên tục có bước tăng trưởng mạnh mẽ. Cơ cấu ngành nông nghiệp được chuyển dịch theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với xây dựng NTM; xây dựng nền nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại; phát triển mạnh công nghiệp và dịch vụ ở nông thôn. 
 
Năm 2020, giá trị sản xuất ngành nông nghiệp (giá so sánh 2010) đạt được 17.089,4 tỷ đồng. So với năm 2008, tốc độ tăng trưởng toàn ngành tăng bình quân 5,89%. Cơ cấu kinh tế ngành nông nghiệp chuyển dịch  theo hướng nông nghiệp giảm, lâm nghiệp, thủy sản tăng. Tỷ trọng chăn nuôi trong cơ cấu kinh tế nông nghiệp cũng có sự chuyển dịch khá tích cực, chăn nuôi từ 28% (năm 2008) tăng lên 46% (năm 2020).
 
Nông dân áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp
Nông dân áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp

 Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Quang Trung cho rằng, Nghị quyết về "tam nông” sau khi triển khai và đi vào cuộc sống đã trở thành luồng gió mới, khích lệ người dân năng động, đổi mới tư duy về sản xuất, thể hiện rõ vai trò chủ thể của người nông dân trong sự nghiệp phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM. Nhờ đó, thời gian qua, sản xuất nông nghiệp của tỉnh phát triển cả về chiều rộng lẫn chiều sâu với chất lượng sản phẩm ngày càng đa dạng, trình độ canh tác có bước phát triển vượt bậc. Bước đầu đưa vào sản xuất một số giống cây trồng mới có năng suất, chất lượng cao. 

Đặc biệt, trên địa bàn tỉnh đã hình thành các vùng sản xuất, chuyên canh có quy mô lớn, đạt giá trị thu nhập cao. Chăn nuôi có sự chuyển dịch từ nhỏ lẻ sang hình thức chăn nuôi trang trại, gia trại và liên kết trong quá trình sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; thủy sản có sự chuyển biến tích cực, giảm số lượng tàu thuyền khai thác gần bờ, phát triển đội tàu khai thác xa bờ, sản lượng tăng hàng năm; phát triển rừng, nhất là phát triển rừng gỗ lớn để nâng cao giá trị từ gỗ được quan tâm. Các tiềm năng phát triển nông, lâm, nghiệp từng bước được khai thác và phát huy hiệu quả.
 
Nhiều thành tựu khoa học và tiến bộ kỹ thuật được áp dụng rộng rãi vào các lĩnh vực sản xuất và đời sống. Ngoài việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất, tỉnh đã tăng cường ứng dụng các thành tựu khoa học, công nghệ về giống cây, con; xây dựng mô hình sản xuất phù hợp với điều kiện tự nhiên, KT - XH từng vùng sinh thái, tạo ra sản phẩm nông nghiệp có giá trị, chất lượng khá, nâng cao hiệu quả sản xuất.
 
Tỉnh Quảng Ngãi đã xây dựng 512 mô hình cánh đồng mẫu lớn với tổng diện tích 9.491,6 ha; chuyển đổi được 6.153,4 ha cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả; có 7/13 huyện, thị xã, thành phố, 69 xã thực hiện dồn điền đổi thửa trên khoảng 263 cánh đồng, với tổng diện tích thực hiện 7.609 ha và có khoảng 107 phương án dồn điền đổi thửa cấp xã đã được UBND cấp huyện phê duyệt. 
 
Đáng chú ý, với việc không ngừng ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp của tỉnh được cải thiện, nhiều sản phẩm đã tạo dựng và khẳng định được thương hiệu, nâng cao hiệu suất kinh tế trên một đơn vị diện tích. Giá trị sau thu hoạch trên 1 ha đất canh tác ước đạt 76 triệu đồng/ha, cao hơn năm 2015 khoảng 16,28 triệu đồng/ha.
 
Phát triển mạnh hạ tầng nông nghiệp, nông thôn
 
Nghị quyết “tam nông” đã góp phần nâng cao nhận thức của hệ thống chính trị và toàn xã hội về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của nông nghiệp, nông dân, nông thôn và được hiện thực hóa bằng các Chương trình mục tiêu quốc gia. Trong đó, Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM là động lực khiến bức tranh nông thôn Quảng Ngãi đã có thay đổi vượt bậc về diện mạo, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân khu vực nông thôn.
 
Đến cuối năm 2020, trên địa bàn tỉnh có 2 huyện đạt chuẩn NTM; 89/148 xã đạt chuẩn NTM; không còn xã dưới 5 tiêu chí. Số tiêu chí NTM  bình quân/xã đã tăng hơn 10 tiêu chí so với năm 2011. Kết cấu hạ tầng nông thôn liên tục phát triển cả về số lượng và chất lượng.
 
Hệ thống giao thông, thuỷ lợi, trường học, các công trình văn hóa,... từng bước được xây dựng, nâng cấp, hoàn thiện theo các tiêu chí NTM một cách đồng bộ. Thời gian qua, đã có hơn 4.500km đường huyện, đường xã, đường thôn, xóm, nội đồng được xây mới, cải tạo nâng cấp và bảo trì. Hơn 436km kênh mương được kiên cố hóa. Đầu tư xây mới, nâng cấp được hơn 195 trường học; 465 cơ sở vật chất văn hóa… 
 
Bộ mặt nông thôn thay đổi rõ rệt
Bộ mặt nông thôn thay đổi rõ rệt
Các chính sách, dự án giảm nghèo được triển khai đồng bộ, kịp thời đã mang lại hiệu quả cao. Đặc biệt, tỉnh đã kịp thời phát động phong trào “Quảng Ngãi chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”, khơi dậy ý chí vươn lên trong lao động sản xuất, thoát nghèo bền vững của một bộ phận người nghèo. Hầu hết các hộ nghèo đều được tiếp cận và thụ hưởng các chính sách giảm nghèo của Nhà nước, nhất là có cơ hội nhiều hơn để tiếp cận các dịch vụ sản xuất, tăng thu nhập. Từ đó tỷ lệ hộ nghèo giảm hàng năm của từng giai đoạn đạt mục tiêu đề ra. 
 
Giai đoạn 2011 - 2015, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 23,92% (đầu năm 2011) xuống còn 9,22% (cuối năm 2015); bình quân mỗi năm giảm 2,94%. Giai đoạn 2016 - 2020, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 15,19% (đầu năm 2016) xuống còn 6,41% (cuối năm 2020); bình quân mỗi năm giảm 1,76%, đạt mục tiêu đề ra. Tỷ lệ hộ nghèo hàng năm giảm mang tính bền vững, hạn chế tối đa tái nghèo. Nếu như trong giai đoạn 2011 - 2015, tỷ lệ hộ tái nghèo 5,69% trong tổng số hộ thoát nghèo thì đến giai đoạn 2016 - 2020, tỷ lệ hộ tái nghèo chiếm 2,81% so với hộ thoát nghèo.
 
Đồi sống người dân nông thôn, nhất là người dân miền núi đã có những chuyển biến tích cực.
Đồi sống người dân nông thôn, nhất là người dân miền núi đã có những chuyển biến tích cực.
Đánh giá qua gần 15 năm thực hiện Nghị quyết “tam nông”, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Đặng Ngọc Huy cho rằng, Nghị quyết 26 về “tam nông” đã được cả hệ thống chính trị trong tỉnh nỗ lực triển khai thực hiện nghiêm túc, tích cực, từ đó đạt được nhiều kết quả to lớn. Những kết quả mang lại không chỉ xây dựng được “nền móng” hiện đại cho nền sản xuất nông nghiệp, cải thiện rõ rệt đời sống, nâng cao thu nhập người dân, thay đổi mạnh mẽ diện mạo nông thôn theo hướng ngày càng tích cực hơn mà còn đóng góp quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển KT – XH của tỉnh và cả nước.
 
Đúc kết thành quả và kinh nghiệm thực tiễn qua gần 15 năm thực hiện Nghị quyết "tam nông", Quảng Ngãi đang tiếp tục nỗ lực xây dựng nền nông nghiệp, nông thôn hiện đại để góp phần đưa tỉnh nhà ngày càng phát triển, đời sống vật chất và tinh thần cho người dân nông thôn được nâng cao về mọi mặt. 
Bài, ảnh:  H.P

 


.