Sản xuất nông nghiệp theo nhu cầu thị trường

08:10, 12/10/2021
.
(Báo Quảng Ngãi)- Dịch Covid-19 bước đầu được kiểm soát, nhưng chuỗi cung ứng hàng hóa chưa thể phục hồi, thậm chí có thể có sự thay đổi phương thức vận hành so với trước. Để thích ứng với tình hình mới, ngành nông nghiệp khuyến khích các địa phương và nông dân chủ động điều chỉnh sản xuất theo nhu cầu của thị trường, nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế.
[links(right)]
 
Trồng bắp sinh khối phục vụ chăn nuôi là một trong những hướng phát triển phù hợp với nhu cầu thị trường, giúp nông dân tăng thu nhập.         Ảnh: M.Hoa
Trồng bắp sinh khối phục vụ chăn nuôi là một trong những hướng phát triển phù hợp với nhu cầu thị trường, giúp nông dân tăng thu nhập. Ảnh: M.Hoa
Thay vì bán lúa để mua mì, bắp phục vụ chăn nuôi, ông Nguyễn Tấn Lực, thôn Tân Hòa, xã Hành Tín Đông (Nghĩa Hành) dành một sào đất bồi ven sông Vệ để trồng bắp, đảm bảo nguồn thức ăn cho gia súc và gia cầm. “Ngoài sử dụng bắp dạng nguyên hạt, tôi cũng tìm cách phối hợp với một số loại phụ phẩm sẵn có như gạo, cỏ, cám gạo... để chế biến, nhằm nâng cao chất lượng thức ăn”, ông Lực cho hay. Vì vậy, dù giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, nhưng ông Lực không chỉ ổn định được tổng đàn gia súc, gia cầm, mà còn tiếp tục đầu tư mở rộng quy mô.
 
Còn tại vựa rau Nghĩa Dũng (TP.Quảng Ngãi), thay vì sản xuất kiểu “độc canh” như trước thì nay, người dân không chỉ rải vụ mà còn trồng xen canh các loại rau, củ, quả... để vừa đáp ứng nhu cầu thị trường, vừa thuận lợi trong khâu tiêu thụ. “Mình làm theo dạng “mùa nào rau ấy”, nên bị vênh với nhu cầu thị trường. Như mùa mưa, mình tập trung trồng củ, quả trong khi người tiêu dùng lại cần rau xanh. Năm nay tôi đầu tư trồng mỗi loại một ít, thời gian xuống giống xen kẽ nhau”, ông Nguyễn Sáu, ở thôn 6, chia sẻ. Sự thay đổi này giúp ông Sáu thoát cảnh “được mùa mất giá”, vì các sản phẩm được thu hoạch xen kẽ, cộng với sản lượng của mỗi loại không quá nhiều trong cùng một thời điểm, nên không gây ra tình trạng tồn đọng, ùn ứ.
 
Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh (BVTV), thời gian qua, diện tích trồng các loại rau xanh và bắp lấy hạt, bắp sinh khối tăng mạnh. Nguyên nhân là do các mặt hàng trên được thị trường tiêu thụ mạnh, nên giá các sản phẩm cây lương thực, thực phẩm đã và đang có xu hướng tăng, giúp người dân yên tâm đầu tư sản xuất. Như bắp hạt có giá 7.000 - 8.000 đồng/kg, bắp sinh khối 1.200 - 1.300 đồng/kg...
 
Từ hiệu quả bước đầu của việc điều chỉnh kế hoạch sản xuất đối với cây trồng hằng năm, Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh cũng xây dựng kế hoạch vụ đông xuân sắp đến theo hướng “đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp, đảm bảo tiêu thụ nông sản, tránh ùn ứ”.
 
“Cùng với việc thông tin, dự báo kịp thời tình hình sâu bệnh, Chi cục cũng hướng dẫn và hỗ trợ nông dân mạnh dạn điều chỉnh thời vụ, giống và cơ cấu cây trồng, cũng như áp dụng các tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, cũng như thuận lợi trong tiêu thụ”, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Phạm Bá cho biết. Trước mắt, đơn vị này đang tập trung tuyên truyền người dân tính toán kỹ diện tích trồng dưa hấu và ớt trong vụ sản xuất đông xuân đến, vì sản phẩm phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc.
 
Trong khi dịch bệnh Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp và dự kiến kéo dài, nên sẽ ảnh hưởng rất lớn đến vấn đề tiêu thụ, nhất là xuất khẩu. Vì vậy, cùng với việc cung cấp kịp thời và đầy đủ về thị trường, giá cả, kênh phân phối và các chính sách hỗ trợ và thúc đẩy tiêu thụ nông sản... 
 
Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh cũng định hướng người dân chuyển đổi một phần diện tích trồng dưa hấu, ớt sang một số loại đậu, chủ yếu là đậu phụng. Bởi, qua đánh giá nhu cầu thị trường, đậu phụng là cây trồng đáp ứng mục tiêu “kép”. Đó là phát triển ổn định trên những diện tích chưa chủ động nước tưới, hiệu quả kinh tế cao và tiêu thụ thuận lợi. Do đó, ngành nông nghiệp, chính quyền các địa phương phối hợp với một số đơn vị triển khai đầu tư thí điểm và mở rộng hệ thống tưới dành cho cây trồng cạn như đậu phụng, tiến tới hình thành những vùng sản xuất tập trung.r
 
THANH PHONG
 
 
 

.