Phát triển kinh tế vườn, gia trại: Cần nhiều nguồn lực

02:10, 27/10/2021
.
(Báo Quảng Ngãi)- Dù thụ hưởng nhiều chính sách hỗ trợ, nhưng việc phát triển kinh tế vườn, gia trại của người dân gặp khá nhiều khó khăn.
[links()]
 
Đến nay, sau 2 năm nghỉ làm nhân công thời vụ ở các trang trại chăn nuôi heo, gà, bà Phạm Thị Bích, ở xã Bình Thanh (Bình Sơn), đã thực hiện được mô hình phát triển kinh tế phù hợp. Song song với việc cải tạo 5 sào đất vườn để trồng xen canh các loại dưa lưới, đậu phụng, bà Bích tận dụng nguồn rơm rạ để trồng nấm rơm. “Hàng rào” của khu vườn là lớp cỏ xanh mướt, để làm thức ăn cho 5 con bò. Ngoài ra, mỗi năm bà Bích duy trì nuôi hàng chục con heo thịt và hàng trăm con gia cầm các loại. “Làm nông nghiệp chủ yếu lấy công làm lời. So với việc đi làm công cho trang trại chăn nuôi, thu nhập 4 triệu đồng/tháng, thời gian làm việc từ 12 - 14 tiếng mỗi ngày, thì việc chăn nuôi kết hợp làm nấm, trồng dưa lưới giúp cuộc sống của gia đình ổn định hơn”, bà Bích bộc bạch.
 
Kinh tế vườn, gia trại góp phần rất lớn vào việc tăng thu nhập, ổn định cuộc sống người dân.
Kinh tế vườn, gia trại góp phần rất lớn vào việc tăng thu nhập, ổn định cuộc sống người dân.
Tại xã Phổ Khánh, vùng đất trước đây chỉ trồng được những cây như keo, mì, mía... thì nay đã trở thành “thủ phủ” đậu phụng của TX.Đức Phổ, với diện tích 225ha. Cùng với việc tích cực cải tạo đất, áp dụng kỹ thuật chăm sóc, người dân nơi đây còn đầu tư lắp đặt hệ thống tưới phun, nên năng suất bình quân đạt trên 40 tạ/ha. “Thay vì trồng mì, tôi trồng 5 sào đậu phụng và đầu tư lắp đặt hệ thống tưới phun, nên đậu cho năng suất khá cao. Sau khi trừ chi phí, gia đình thu lãi trên 20 triệu đồng. So với các loại cây trồng khác, trồng đậu phụng đạt hiệu quả kinh tế cao hơn”, bà Trà Thị Út, ở thôn Quy Thiện,  xã Phổ Khánh, cho biết.
 
Theo đánh giá của ngành nông nghiệp, những năm qua, nông dân trên địa bàn tỉnh đã tích cực chuyển đổi một số diện tích lúa kém hiệu quả, đất gò đồi sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao hơn. Như huyện Bình Sơn xác định kinh tế vùng gò đồi là một trong những hướng phát triển trọng điểm của huyện. Vì vậy, từ nhiều nguồn vốn trong giai đoạn 2016 - 2020, chính quyền địa phương đã hỗ trợ trên 50 tỷ đồng. Đồng thời, ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất gắn với xây dựng nhãn hiệu hàng hóa, chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm đối với 27 dự án. 
 
Dù đạt được những kết quả khả quan, nhưng lĩnh vực kinh tế vườn, gia trại vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Đó là chủ vườn hạn chế về nguồn lực, trong khi việc tiếp cận các nguồn vốn tín dụng gặp nhiều khó khăn, hoặc hạn mức thấp, nên việc đầu tư chắp vá, chưa đáp ứng yêu cầu sản xuất; việc định hướng, phân bố sản xuất các loại cây trồng, vật nuôi không phù hợp...
 
Để tiếp sức cho lĩnh vực kinh tế vườn và gia trại, cùng với việc quan tâm hỗ trợ nguồn lực của nhà nước, chủ vườn mong muốn Sở NN&PTNT và chính quyền các địa phương hỗ trợ trong việc tiếp cận nguồn giống chất lượng, kỹ thuật sản xuất theo hướng chuyên canh hàng hóa...
 
Bài, ảnh: THANH PHONG
 
 
 

.