(Báo Quảng Ngãi)- Quảng Ngãi đã cho phép doanh nghiệp (DN) hoạt động bình thường trở lại. Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, DN đã chú trọng thực hiện "sản xuất phải an toàn, an toàn mới sản xuất".
[links()]
Hiện tại, Quảng Ngãi đã cho phép các DN trước đó có ca mắc Covid-19 trong KCN VSIP Quảng Ngãi (Sơn Tịnh) và KCN Quảng Phú (TP.Quảng Ngãi), được phép hoạt động bình thường. Các DN này đang nỗ lực khôi phục sản xuất, kinh doanh và đề cao cảnh giác đối với dịch Covid-19.
Công nhân trở lại nhà máy
Ngày 27/9, tất cả các phân xưởng của Chi nhánh Công ty Hoya Lens tại Quảng Ngãi đã vận hành trở lại sau đúng 1 tháng phải dừng hoạt động, vì có công nhân mắc Covid-19. Hiện tại, có khoảng 1.100 công nhân (90%) đủ điều kiện để đi làm. Giám đốc Chi nhánh Công ty Hoya Lens tại Quảng Ngãi Bùi Đức Thọ cho biết, công ty đã thiết lập các khu riêng biệt cho từng dây chuyền từ sản xuất đến ăn, nghỉ, đảm bảo công nhân các dây chuyền không tiếp xúc với nhau. Trong trường hợp xấu nhất là dịch bùng phát trở lại thì dừng hoạt động dây chuyền có F0, kiểm soát tất cả F1, F2 theo đúng chỉ đạo của tỉnh. Đặc biệt, có 400 công nhân là "bộ khung" của công ty sẽ thực hiện phương án "3 tại chỗ", nhằm giữ an toàn cao nhất cho nhà máy vận hành.
Từ khi xuất hiện các ca mắc Covid-19 đến nay, Chi nhánh Công ty Hoya Lens tại Quảng Ngãi đã chi hơn hàng chục tỷ đồng để điều trị cho các F0, chi trả toàn bộ chi phí cho công nhân là F1 đi cách ly tập trung; chi phí xét nghiệm RT-PCR, tổng khử khuẩn toàn bộ nhà máy. Không những thế, sau 1 tháng tạm dừng hoạt động, công ty đã mất nhiều cơ hội tốt trong kinh doanh. Dù vậy, công ty có nhiều chính sách hỗ trợ cho công nhân, như đối với các lao động thực hiện "3 tại chỗ", ngoài lương thì mỗi ngày sẽ được hỗ trợ 160 nghìn đồng.
Công nhân Công ty TNHH Mensa Industries (KCN VSIP Quảng Ngãi) đã trở lại làm việc. Ảnh: LĐ |
Theo thống kê, KCN VSIP Quảng Ngãi có 20 DN, giải quyết việc làm cho khoảng 26 nghìn công nhân, lao động. Cuối tháng 8/2021, khi 3 công ty nói trên có công nhân mắc Covid-19, Quảng Ngãi đã buộc các DN trong KCN này phải cắt giảm công suất hoạt động xuống còn 50%. Vì vậy, việc tỉnh cho phép trở lại hoạt động bình thường là rất cần thiết, nhằm đảm bảo không đứt gãy chuỗi sản xuất. Hiện tại 17 DN khác cũng đã trở lại hoạt động bình thường.
Tăng tốc sản xuất, kinh doanh
Tại KCN Quảng Phú, có 26/33 DN đã trở lại sản xuất bình thường; trong đó, các DN lớn như Công ty CP Bia Sài Gòn - Quảng Ngãi, từ chỗ hoạt động 50% công suất, với từ 40 - 50% công nhân vào ca thì nay đã đạt gần 100% công suất và toàn bộ công nhân trở lại làm việc bình thường. Sau khi tháo gỡ tắc nghẽn trong khâu lưu thông, một số lượng lớn hàng tồn kho trước đó của DN này cũng đã được giải phóng. Giám đốc Công ty CP Bia Sài Gòn - Quảng Ngãi Bùi Thị Nhự cho biết, đại dịch Covid-19 đã làm ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất năm 2021 của công ty. Khi tỉnh kịp thời nới lỏng giãn cách xã hội, DN đã nhanh chóng hoạt động bình thường trở lại từ chiều 23/9, tăng tốc sản xuất, kinh doanh những tháng cuối năm.
Đối với các nhà máy trực thuộc Công ty CP Đường Quảng Ngãi, do không thuộc trường hợp "phong tỏa đối với các DN phía nam KCN Quảng Phú", nên việc hoạt động sản xuất, kinh doanh của đơn vị vẫn duy trì trong suốt thời gian qua. Theo Giám đốc Nhà máy nước khoáng Thạch Bích (Công ty CP Đường Quảng Ngãi) Bùi Hùng, đa phần công nhân nhà máy đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin phòng Covid-19, nên đi làm bình thường, tạm thời không tổ chức "3 tại chỗ" cũng giảm được khoản chi phí đáng kể. Việc nới lỏng giãn cách xã hội cũng giúp đưa hàng từ nhà máy ra thị trường được thuận lợi hơn.
Hiện nay, 7 công ty tại KCN Quảng Phú có công nhân mắc Covid-19 gồm: Ten Trai, Hải Anh, Tiến Thành, Nghi Bông, Hoàn Vũ, Hoàng Rin, Bình Dung cũng đã tiến hành khử khuẩn nhà xưởng, tổng vệ sinh theo quy định. Dự kiến trong tuần này, có 4/7 DN chế biến thủy hải sản nói trên sẽ hoạt động trở lại.
Doanh nghiệp cần trợ lực
Lãnh đạo một DN tại KCN Quảng Phú cho rằng, để khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh an toàn trong trạng thái bình thường mới, ngoài lực lượng chức năng của tỉnh thì tỉnh cần mạnh dạn tin tưởng, trao quyền chủ động trong phòng, chống dịch cho từng DN, như tinh thần Nghị quyết 105/2021 của Chính phủ vừa ban hành. Khi trao quyền thì bản thân DN có trách nhiệm tuân thủ đúng quy định để duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, giải quyết việc làm, tạo nguồn thu ngân sách cho tỉnh.
Theo các DN, một trong những khó khăn hiện nay là, công tác tuyển dụng lao động. Đại diện bộ phận tuyển dụng của Công ty TNHH Mensa Industries (KCN VSIP Quảng Ngãi) cho biết, để chuẩn bị cho việc sản xuất, kinh doanh trong những tháng cuối năm 2021, đơn vị đã lên kế hoạch tuyển dụng lao động phổ thông và một số vị trí quản lý, nhưng qua khảo sát, số lao động đăng ký rất hạn chế. Trong khi đó, công nhân làm việc trước đó không đăng ký thực hiện “3 tại chỗ” và xin nghỉ, thì rất ít người quay trở lại nhà máy.
Giám đốc Công ty TNHH giấy Hải Phương Đỗ Hoàng Hải lo lắng, dù công ty đã hoạt động trở lại vào ngày 24/9, nhưng một số công nhân chưa thể đi làm, vì còn ở vùng phong tỏa. Việc xuất hàng hóa đi không thực hiện được do đối tác chính ở TP.Hồ Chí Minh và Bình Dương ngừng hoạt động nên phải lưu kho. Bên cạnh đó, lãi vay ngân hàng, tiền lương công nhân và các khoản đóng góp khác như bảo hiểm xã hội, y tế... cũng khiến DN chật vật. Những khó khăn, trở ngại ấy cần sự chia sẻ, chung tay hỗ trợ giúp đỡ của tỉnh và các cấp, ngành...
T.NHỊ - L.ĐỨC