Mở hướng phát triển kinh tế cho người dân miền núi

02:09, 07/09/2021
.
(Báo Quảng Ngãi)- Nhóm các bạn trẻ là thành viên HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Sơn Liên (Sơn Tây) đã cùng nhau góp vốn, hướng dẫn kỹ thuật, hỗ trợ nông dân địa phương phát triển nhiều mô hình trồng trọt, chăn nuôi, nổi bật là mô hình trồng ổi Soli.
 
Sau một năm triển khai, ổi Soli đã cho quả ngọt, năng suất vượt trội, mở hướng phát triển kinh tế cho nhiều hộ đồng bào miền núi.
[links()]
 
Ổi Soli bén duyên đất núi
 
Trước đây, vùng đồi núi Nước Ta, thuộc xã Sơn Liên là những rẫy mì, keo, quanh năm phụ thuộc nước trời, canh tác kém hiệu quả. Cuộc sống của một số hộ dân nơi đây bếp bênh. Thế nhưng, một năm qua, sau khi áp dụng mô hình trồng ổi Soli theo tiêu chuẩn VietGAP, vùng đồi Nước Ta đã đổi thay với những vườn ổi lúc lỉu quả.
 
Anh Tạ Công Ân (bên trái) và người trồng ổi ở xã Sơn Liên (Sơn Tây) thu hoạch ổi Soli.
Anh Tạ Công Ân (bên trái) và người trồng ổi ở xã Sơn Liên (Sơn Tây) thu hoạch ổi Soli.
Anh Đinh Văn Thiếu, người sở hữu vườn ổi rộng 4ha, phấn khởi nói, nhờ tham gia mô hình trồng ổi Soli mà cuộc sống của tôi đã thay đổi. Thu nhập từ vườn ổi gấp đôi so với trồng mì, keo trước đây.
 
Ổi Soli thân lùn, tán nhỏ mỗi cây cho 30 đến 40 quả. Giống ổi này ra trái quanh năm nên những hộ dân tham gia rất tích cực chăm sóc.
 
Giám đốc HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Sơn Liên Phạm Thị Trầm là một trong 4 thành viên góp vốn xây dựng mô hình trồng ổi Soli. Chị Trầm cho biết, ổi Soli đã được chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP và truy xuất nguồn gốc bằng mã vạch và mã QR. Chúng tôi hướng dẫn người trồng ổi lắp đặt hệ thống tưới tiêu tự động và không sử dụng hóa chất hay thuốc trừ sâu, mà chỉ dùng phân vi sinh chăm bón. Hiện thị trường rất ưa chuộng ổi Soli.
 
Người dân tham gia mô hình trồng ổi Soli góp đất và công chăm sóc. Nhóm dự án sẽ đảm nhận phần vốn và hướng dẫn kỹ thuật trồng ổi. Nhờ áp dụng các tiến bộ kỹ thuật và chăm sóc chu đáo, nên sau một năm ổi Soli trồng ở vùng núi Nước Ta phát triển tốt. Đến đầu tháng 7/2021 đã cho thu hoạch vụ đầu tiên. Sau hơn một tháng thu hoạch, sản lượng ổi đã đạt hơn 3 tấn, nhưng vẫn không đủ cung ứng cho thị trường. Với giá bán lẻ 30 nghìn đồng/kg, thì 4ha ổi Soli đã thu về trên 70 triệu đồng. Sau khi trừ các khoản chi phí, thì lợi nhuận hơn 40 triệu đồng. 
Ngoài mô hình ổi Soli, HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Sơn Liên đã tập hợp nhiều nhóm nhỏ, đa số là những cán bộ trẻ, tâm huyết để kết nối, thu mua và tiêu thụ nông sản địa phương; xây dựng các mô hình khác như trồng bưởi da xanh, đẳng sâm, sâm bố chính và phát triển mô hình nuôi heo rừng lai... Người dân tham gia các mô hình được “cầm tay chỉ việc” và được hỗ trợ vốn để canh tác, phát triển kinh tế. Các mô hình đã góp phần giải quyết việc làm thường xuyên cho hàng trăm lao động ở xã Sơn Liên.
Nhân rộng mô hình
 
Theo anh Đinh Văn Đê, ở xã Sơn Liên, trước đây, gia đình anh thuộc hộ nghèo của xã. Tham gia mô hình trồng ổi trên đất của gia đình, anh được các thành viên HTX hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc và bao tiêu sản phẩm. Nhờ vậy, gia đình có điều kiện lo cho con cái ăn học.
 
Nhiều nông dân là đồng bào dân tộc thiểu số Ca Dong ở xã Sơn Liên, dù không là thành viên tham gia mô hình, cũng được cán bộ hợp tác xã hướng dẫn kỹ thuật trồng ổi. Như anh Đinh Văn Uông đầu tư trồng 1ha ổi Soli đã cho thu hoạch với năng suất cao.
 
Anh Tạ Công Ân, một trong những thành viên tham gia góp vốn, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm ổi Soli, cho biết, chúng tôi muốn đồng bào Ca Dong có hướng đi đúng trong phát triển kinh tế gia đình. Từ hiệu quả ban đầu của mô hình trồng ổi Soli, chúng tôi sẽ tiếp tục góp vốn và liên kết với các hộ dân mở rộng diện tích trồng ổi để tăng sản lượng cung cấp cho các cửa hàng, siêu thị... nhằm tạo thu nhập ổn định cho người dân địa phương.
 
Bài, ảnh: KIM NGÂN
 
 
 
 
 

.