(Báo Quảng Ngãi)- Thời gian qua, huyện Trà Bồng đã thực hiện nhiều giải pháp để tái cơ cấu ngành nông nghiệp, ưu tiên nguồn lực, khuyến khích nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả, nhất là khuyến khích chăn nuôi theo hướng trang trại, gia trại và các loại cây ăn quả, cây dược liệu. Hướng đi này đã từng bước phát huy hiệu quả tại một số xã, mang lại thu nhập ổn định cho người dân.
[links()]
Những mô hình hiệu quả
Trang trại của ông Nguyễn Huấn, ở xã Trà Tân được xem là trang trại kiểu mẫu của huyện Trà Bồng. Mới xây dựng cách đây 3 năm, nhưng với hình thức chăn nuôi heo khép kín, đảm bảo quy trình kỹ thuật tuyệt đối an toàn, phòng chống dịch bệnh hiệu quả, kết hợp trồng trọt, chăn nuôi gà, mô hình trang trại của ông Huấn đã đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Bí thư Huyện ủy Trà Bồng Đặng Minh Thảo kiểm tra mô hình chăn nuôi của người dân. Ảnh: PV |
Còn anh Mai Văn Tiến, ở xã Trà Phú, chọn đầu tư gia trại tổng hợp với vốn đầu tư thấp. Trước đây, kinh tế gia đình anh Tiến phụ thuộc vào vườn keo, năm vừa qua, vợ chồng anh quyết định vay vốn để đầu tư nuôi thêm heo, gà và bò. Anh Tiến cho biết, do vốn ít, nên tôi nuôi gà theo hình thức gối vụ, xuất bán quanh năm, từ đó có thêm vốn để đầu tư nuôi heo, bò. Để tiết kiệm chi phí thức ăn, tôi đầu tư trồng cỏ... Nhờ “lấy ngắn nuôi dài” mà kinh tế gia đình cũng khá ổn định.
Không chỉ phát triển sản xuất theo hướng trang trại, gia trại, nhiều hộ dân cũng mạnh dạn đầu tư vào các loại cây trồng như chuối cấy mô, cam, bưởi... Điển hình như hộ ông Trương Văn Long, ở thôn Bình Tân (Trà Bình), là hộ đầu tiên trồng cây chuối cấy mô. “Theo tôi tìm hiểu thì loại chuối này cho năng suất cao, giá trị sản phẩm cao hơn so với chuối thường. Hiện vườn chuối với 80 gốc của gia đình tôi đang phát triển rất tốt, đang trong thời kỳ trổ buồng. Hy vọng khi thu hoạch sẽ đạt hiệu quả như mong muốn”, ông Long kỳ vọng.
Đồng hành cùng người dân
Những cách làm của ông Huấn, anh Tiến hay ông Long được nhiều người dân học hỏi làm theo. Trưởng phòng NN&PTNT huyện Trà Bồng Huỳnh Thị Thanh Thúy cho hay, hiện nay, các hộ nông dân đã tiếp cận tiến bộ khoa học kỹ thuật và được hỗ trợ vốn phát triển sản xuất. Huyện cũng luôn quan tâm, hỗ trợ người nông dân về kỹ thuật, giống và phòng, chống dịch bệnh.
Với mục tiêu phát triển nông nghiệp bền vững, nâng cao đời sống cho người nông dân, lãnh đạo huyện Trà Bồng thường xuyên tổ chức kiểm tra thực tế, gặp gỡ trực tiếp người nông dân để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng cũng như những khó khăn của người dân để kịp thời tháo gỡ, hỗ trợ khi cần thiết, đặc biệt là trong giải quyết nguồn vốn, tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm và phòng, chống dịch bệnh hiệu quả.
Bí thư Huyện ủy Trà Bồng Đặng Minh Thảo cho biết, thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm và đột phá theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIV, Ban Thường vụ Huyện ủy đã có những định hướng cụ thể, lựa chọn những thế mạnh của địa phương, xây dựng thành các nghị quyết chuyên đề, trong đó trọng tâm chú ý đến phát triển nông nghiệp bền vững; đồng thời kết hợp với Nghị quyết 88 của Quốc hội để phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số và phát triển nông nghiệp của huyện ngày càng bền vững hơn. Với định hướng 5 năm, Đảng bộ huyện sẽ tiếp tục định hướng phát triển những mô hình có hiệu quả, đồng thời tiếp tục nhân rộng, tìm tòi những mô hình mới để phát triển trên địa bàn huyện.
Tiềm năng phát triển kinh tế nông nghiệp ở Trà Bồng là rất lớn. Với những định hướng, sự hỗ trợ kịp thời của cấp ủy, chính quyền địa phương, ngành chức năng, cùng với quyết tâm làm giàu, sự cần cù, nhạy bén của người nông dân là những điều kiện cần và đủ để phát triển nông nghiệp bền vững ở huyện vùng cao Trà Bồng. Qua đó, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ đột phá trong phát triển nông nghiệp nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.
PV