(Báo Quảng Ngãi)- Để vừa bảo vệ sản xuất vụ hè thu, vừa đảm bảo thực hiện tốt các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19, ngành nông nghiệp đề nghị các địa phương chỉ đạo nông dân theo dõi, kịp thời phát hiện và diệt trừ sâu bệnh, cũng như chủ động ứng phó với hạn hán, không để xảy ra tình trạng thiệt hại “kép”.
[links()]
Phòng trừ sâu bệnh
“Nắng nóng, lúa vừa bị bệnh khô vằn, vừa bị chết héo. Tôi phun thuốc hai lần rồi mà vẫn không hết”, ông Nguyễn Lâm, ở thôn An Phước, xã Hành Dũng (Nghĩa Hành), cho hay. Theo ông Lâm, vụ sản xuất hè thu năm nay gặp nhiều khó khăn do nắng nóng kéo dài ảnh hưởng đến sự phát triển của cây lúa, khiến nhiều loại sâu bệnh bùng phát cùng lúc. Như 3 sào lúa nhà ông Lâm vừa bị chuột gây hại, lại thêm bệnh khô vằn và chết héo phát sinh, nên lúa thưa, bông ít.
Người dân dùng máy bơm, đường ống để bơm nước nỗ lực cứu lúa. |
Cùng với việc cử cán bộ kỹ thuật theo dõi, bám sát đồng ruộng để điều tra, phát hiện sớm sinh vật gây hại... Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cũng thường xuyên và kịp thời phổ biến thông tin diễn biến sâu bệnh, để khuyến cáo và hướng dẫn nông dân thực hiện các biện pháp phòng, chống hiệu quả. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến việc chăm sóc lúa không kịp thời, cộng với nguồn vật tư nông nghiệp khan hiếm, nhất là thiếu một số loại thuốc và chế phẩm diệt trừ sâu bệnh. Vì vậy, hiệu quả phòng, trừ sâu bệnh gây hại trên cây lúa nói riêng, các loại cây trồng còn hạn chế.
Ứng phó với hạn hán
Vụ hè thu 2021, toàn tỉnh gieo sạ gần 35 nghìn hécta lúa; trong đó, trà lúa chính trên 21 nghìn hécta, trà lúa muộn hơn 10 nghìn hécta. Vì vậy, cùng với công tác phòng chống dịch bệnh ở trà lúa chính, hiện ngành nông nghiệp và chính quyền các địa phương cũng đã huy động nhân dân nỗ lực chống hạn và xâm nhập mặn đối với trà lúa muộn. “Lúa đang giai đoạn đứng cái - làm đòng. Nếu thiếu nước, cây lúa sẽ không phát triển. Vì vậy bằng mọi cách, tôi phải kiếm nước để duy trì sự sinh trưởng cho 2 sào lúa”, ông Huỳnh Phong, ở xã Nghĩa Hòa (Tư Nghĩa), cho biết. Tuy nhiên, nắng nóng gay gắt kéo dài, khiến kênh mương thiếu nước, giếng khoan cũng cạn, nên không chỉ ông Phong, mà nhiều hộ dân ở xã Nghĩa Hòa lo lắng cây lúa vừa thiếu nước, vừa bị xâm nhập mặn.
Trong khi đó, theo báo cáo của Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Quảng Ngãi, thì dung tích nước hữu ích của 17/19 hồ chứa mà đơn vị này đang quản lý và vận hành hiện chỉ còn từ 2 - 20%, riêng 2 hồ chứa là Cây Quen (Nghĩa Hành) và Suối Loa (Ba Tơ) còn khoảng 45%.
Mặc dù ngay từ đầu vụ, ngành nông nghiệp đã bố trí lịch thời vụ và cơ cấu giống lúa ngắn ngày, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với tình hình thực tế của các công trình thủy lợi, vận động nông dân tuyệt đối không xuống giống trên những diện tích không chủ động nước tưới...
Cùng với đó, chính quyền các địa phương cũng tính toán nguồn nước các hồ chứa và chủ động xây dựng phương án ứng phó với hạn hán. Thế nhưng, thời tiết có nhiều biến động, nắng nóng gay gắt trên diện rộng và kéo dài đã làm cho nhiều cánh đồng lúa tại các địa phương, nhất là các huyện Bình Sơn, Sơn Tịnh... bị thiếu nước nghiêm trọng. Nhiều diện tích lúa chân cao bắt đầu khô héo, nhưng nông dân cũng đành bỏ, vì không tìm được nguồn nước. Vì vậy, cùng với biện pháp tưới luân phiên, tưới ướt - ráo, ngành nông nghiệp cần khẩn trương điều tiết nước từ các nguồn, đồng thời huy động người dân các địa phương sử dụng máy bơm, đường dây dẫn nước để bơm nước cứu lúa.
Bài, ảnh: MỸ HOA