Thêm thu nhập từ dán nhãn dữ liệu

11:03, 07/03/2021
.
(Báo Quảng Ngãi)- Cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đã mở ra nhiều cơ hội cho người lao động. Trong số đó, nhiều người khiếm thị đã nhanh chóng nắm bắt, tìm hiểu công việc dán nhãn dữ liệu.
[links()]
Nhận thấy nhu cầu nhân lực cho công việc dán nhãn dữ liệu, cuối năm 2019, Viện Công nghiệp phần mềm và Nội dung số Việt Nam đã phối hợp với Hội Người mù Việt Nam và các doanh nghiệp (DN) công nghệ, chuyên gia nghiên cứu trong nước và quốc tế khởi động dự án “Xây dựng công cụ phần mềm hỗ trợ người khiếm thị kiếm sống bằng nghề dán nhãn thông tin” (Information Labeling - Inlab).
 
Để tiếp cận nghề mới này, người khiếm thị sẽ được đào tạo qua kho dữ liệu mẫu, được huấn luyện và có các bài kiểm tra để đánh giá năng lực. Sau khi đạt tiêu chuẩn để tham gia công việc phân loại dữ liệu bằng âm thanh, người khiếm thị sẽ đăng nhập vào hệ thống phần mềm và tham gia vào công việc dán nhãn bằng cách chọn cho mình một hoặc nhiều công việc trên bảng danh sách công việc. Hệ thống tự động của phần mềm sẽ căn cứ vào thời gian, tần suất làm việc, lượng dữ liệu được dán nhãn và lượng dữ liệu được dán nhãn đúng để đưa ra đánh giá khả năng cũng như mức lương cho người làm việc. 
Người khiếm thị có thể kiếm thêm thu nhập từ công việc dán nhãn dữ liệu.
Người khiếm thị có thể kiếm thêm thu nhập từ công việc dán nhãn dữ liệu.
Chị Võ Cẩm Giang, ở thị trấn La Hà (Tư Nghĩa), là một trong những học viên đầu tiên tham gia dự án đào tạo của Inlab. Ngay sau khi kết thúc khoá học, chị Giang và các học viên ở các tỉnh, thành đã nhận được các đơn hàng đầu tiên từ Công ty Phenikaa Smart Solutions và Nhóm nghiên cứu AI Solutions của Học viện Kỹ thuật quân sự. “Công việc của tôi là thu âm giọng nói thành văn bản hoặc soạn thảo văn bản từ âm thanh. Nhờ có khả năng thao tác tốt các thiết bị điện tử như máy tính và điện thoại, nên tôi không mất quá lâu để làm chủ công cụ dán nhãn dữ liệu. Tôi và đồng nghiệp đã xử lý hơn 3.000 file dữ liệu đúng thời gian mà DN yêu cầu”, chị Giang cho hay.
 
Công việc dán nhãn dữ liệu của người khiếm thị gồm hai gói. Gói 1 yêu cầu người khiếm thị nghe âm thanh và gõ lại thành văn bản. Gói 2 yêu cầu người khiếm thị sẽ đọc một đoạn văn bản được cho sẵn, sau đó thu âm lại thành dữ liệu âm thanh.
 
“Tôi và các đồng nghiệp làm tốt và tạo ấn tượng cho các DN thì về sau các anh chị em khiếm thị khác sẽ có cơ hội kiếm thêm thu nhập để trang trải cuộc sống hằng ngày. Tôi mong sẽ có thêm nhiều đơn vị tin tưởng vào cộng đồng người khiếm thị và tạo thêm việc làm cho chúng tôi”, chị Giang chia sẻ.
 
Một lợi thế khác của dán nhãn dữ liệu là công việc này có thể làm được từ xa, không tốn chi phí đi lại, giảm thiểu rủi ro khi làm việc. Người khiếm thị thường chỉ có những công việc như tẩm quất, làm đồ thủ công hoặc đi bán vé số, hát rong và có nguy cơ bị xâm hại hoặc tai nạn nghề nghiệp...
 
Phó Chủ tịch Hội Người mù TP.Quảng Ngãi Trần Minh Hồng cho biết: "Sau khi hoàn thành khóa học của Inlab và tham gia công việc dán nhãn dữ liệu, tôi thấy đây cũng là một cơ hội có việc làm thêm của người khiếm thị. Bởi công việc này chỉ cần sử dụng tốt máy tính hay điện thoại thông minh, cùng khả năng nghe vốn đã là ưu điểm, chúng tôi sẽ dễ dàng làm công việc này. Ngoài thêm thu nhập trang trải cuộc sống, còn giúp người khiếm thị phát huy khả năng làm việc để họ được khẳng định bản thân, tự tin hoà nhập".
 
Một khó khăn khi làm công việc này đó là nguồn dữ liệu còn hạn chế do các công ty chưa tin tưởng vào khả năng của người khiếm thị, nên họ không giao các gói dữ liệu lớn, nhất là dữ liệu âm thanh, để nhiều người có thể cùng nhận việc. Vì thế, nhiều người khiếm thị mong cộng đồng và các tổ chức, DN hãy tạo thêm thật nhiều công việc cho những người khiếm thị, nhất là trao thêm nhiều niềm tin cho họ.
 
Bài, ảnh: TRUNG ÂN
 
 
 
 
 

.