Vươn khơi thời 4.0

09:01, 08/01/2021
.
(Báo Quảng Ngãi)- Cùng với sự phát triển của khoa học - công nghệ, ngư dân Quảng Ngãi ngày càng quan tâm đầu tư các máy móc, trang thiết bị hiện đại cho tàu cá và đóng tàu công suất lớn để vươn khơi.
[links()]
Hiện đại hóa tàu cá
 
Đầu năm 2020, dù đội tàu hành nghề lưới vây rút chì của mình đã có nhiều trang thiết bị hiện đại như máy dò ngang, dò đứng, điện thoại vệ tinh... nhưng ngư dân Nguyễn Gia Viên (Lý Sơn) cùng các bạn tàu vẫn tiếp tục tìm hiểu và mua thêm một máy đo dòng chảy trị giá 550 triệu đồng phục vụ đánh bắt. 
Ngư dân trên địa bàn tỉnh ngày càng mạnh dạn đầu tư đóng tàu lớn để vươn khơi.
Ngư dân trên địa bàn tỉnh ngày càng mạnh dạn đầu tư đóng tàu lớn để vươn khơi.
Theo anh Viên, suốt 2 năm qua, đội tàu gồm 3 chiếc (tổng công suất hơn 1.000CV) được anh tập trung đầu tư các trang thiết bị hiện đại phục vụ đánh bắt xa bờ và thông tin liên lạc, với tổng trị giá khoảng 4,5 tỷ đồng. “Máy dò chụp có thể dò ngang với chu vi 1.000m, nên dù đang cách xa luồng cá cả cây số, ngư dân chúng tôi vẫn có thể nhận biết, định vị được đàn cá trên màn hình. Máy dò đứng thì có thể quét theo chiều thẳng đứng để dò cá ở độ sâu đến 50m. Song, bấy nhiêu chưa đủ, bởi hiệu quả của mẻ lưới quăng xuống còn phụ thuộc nhiều vào dòng chảy. Vì vậy, tôi cùng các bạn thuyền thống nhất mua thêm máy đo dòng chảy để hoàn thiện hệ thống máy dò cá. Nhờ lắp đặt thiết bị này, mà tỷ lệ lưới bị dòng nước chảy siết cuốn trôi cũng được hạn chế đến mức thấp nhất và thả mẻ lưới nào là chắc ăn mẻ lưới đó”, anh Viên bộc bạch.
 
Mạnh dạn ứng dụng máy móc vào khai thác đã giúp đội tàu của anh Viên có sản lượng đánh bắt ổn định từ 400 - 500 tấn hải sản mỗi năm. Sau khi trừ chi phí, mỗi lao động có thu nhập trên 120 triệu đồng/năm. Đây là mức thu nhập khá đối với ngư dân đi biển. 
 
Tại làng chài Phổ Quang (TX.Đức Phổ), trong 3 năm trở lại đây, các ngư dân làm nghề lưới vây, lưới rê xa bờ cũng không ngừng hiện đại hóa tàu cá để nâng cao hiệu quả đánh bắt xa bờ. Theo Phó Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá phường Phổ Quang Võ Xuân Cẩm, nếu như trước đây, chi phí mua sắm trang thiết bị hàng hải chỉ chiếm một phần nhỏ so với chi phí đóng tàu, thì thời gian gần đây, chi phí này đôi lúc còn lớn hơn cả chi phí đóng mới tàu cá. Hiện tại, hầu hết các chủ tàu đánh bắt xa bờ tại địa phương đều trang bị các máy móc, thiết bị hỗ trợ đánh bắt và hiện đại hóa ngư lưới cụ với tổng trị giá từ 1 - 2,5 tỷ đồng/tàu. Nhờ đó, các chủ tàu lưới vây, lưới rê đánh bắt xa bờ của địa phương luôn đánh bắt đạt hiệu quả cao, trong đó có nhiều  tàu thu nhập lên đến 500 - 600 triệu đồng/năm”.
 
Việc ứng dụng khoa học - công nghệ vừa giảm sức lao động, vừa nâng cao hiệu quả khai thác thủy sản, nên ngư dân trong tỉnh ngày càng trang bị nhiều loại máy móc, ngư lưới cụ hiện đại để khai thác. Hiện đội tàu đánh bắt xa bờ hành nghề mành chụp và câu cá ngừ đại dương của tỉnh đều chuyển từ đèn cao áp truyền thống sang đèn led để tiết kiệm nhiên liệu, việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá đạt hơn 80%...
“Trong thời gian đến, tỉnh sẽ tranh thủ các nguồn vốn để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ nghề cá. Tiếp tục hỗ trợ ngư dân phát triển nghề cá theo hướng hiện đại và bền vững bằng cách hỗ trợ ngư dân cải hoán, đóng mới tàu thuyền công suất lớn và triển khai giải pháp cấp bách khắc phục cảnh báo của Ủy ban Châu Âu về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định".
 
  Giám đốc Sở NN&PTNT DƯƠNG VĂN TÔ
Vì mục tiêu phát triển bền vững
 
Việc các ngư dân mạnh dạn đầu tư trang thiết bị hiện đại, nâng cấp, cải hoán tàu để  khai thác ở vùng biển xa đã giúp tỉnh phát triển nghề cá theo hướng chuyên nghiệp - tăng dần tàu có công suất lớn, giảm các tàu cá công suất nhỏ khai thác gần bờ. Trong tổng số 5.571 tàu cá của tỉnh, số lượng tàu cá từ 15m - 24m chiếm 3.177 chiếc và tàu lớn (24m trở lên) đã xấp xỉ 200 chiếc. Nhờ đó, sản lượng khai thác thủy sản của tỉnh trong năm 2020 đạt gần 270 nghìn tấn, tăng hơn 14.500 tấn so với năm 2019.
 
Cùng với phát triển đội tàu cá lớn mạnh, tỉnh còn ưu tiên nguồn lực đầu tư hạ tầng nghề cá. Trong năm 2020, việc phát triển cơ sở hạ tầng thủy sản và dịch vụ hậu cần nghề cá đã tạo được điểm nhấn, với việc hoàn thành Dự án Cảng neo trú tàu thuyền và cửa biển Mỹ Á giai đoạn 2 (tổng kinh phí hơn 180 tỷ đồng). Cảng hoàn thành giúp ngư dân vùng cực nam của tỉnh có nơi tránh trú tàu thuyền an toàn, với sức chứa đạt 400 - 500 chiếc, tăng hơn gấp đôi so với sức chứa của giai đoạn 1. Cùng với Cảng neo trú tàu thuyền và cửa biển Mỹ Á, 5 cảng cá khác của tỉnh gồm: Trà Bồng, Tịnh Kỳ, Sa Huỳnh, Tịnh Hòa, Lý Sơn cũng đáp ứng nhu cầu neo trú cho hơn 2.000 tàu cá.
 
Theo Giám đốc Sở NN&PTNT Dương Văn Tô, thời gian qua, dù hạ tầng, dịch vụ hậu cần nghề cá được tỉnh quan tâm đầu tư tạo thuận lợi cho việc neo trú, tránh bão và cung cấp các dịch vụ hầu cần nghề cá. Tuy nhiên, luồng lạch ra vào cảng liên tục bị bồi lấp, nên tàu thuyền ra vào khó khăn, các cảng cá, vũng neo trú tàu thuyền chưa phát huy hết tác dụng và chưa đáp ứng được quy chuẩn cảng cá theo Luật Thủy sản.
 
Bài, ảnh: Ý THU 
 
 
 
 

.