Vùng đất ngập nước ven biển: Cần bảo tồn, sử dụng bền vững

07:01, 17/01/2021
.
(Báo Quảng Ngãi)- Dù đóng vai trò quan trọng trong lưu giữ nước mặt và nước ngầm, bảo vệ đa dạng sinh học, nhưng các vùng đất ngập nước vùng ven biển của tỉnh đang dần suy thoái về chất lượng, sụt giảm về diện tích...
[links()]
Sụt giảm đa dạng sinh học
 
Với diện tích hơn 300ha và nguồn lợi thủy sản phong phú, đầm Nước Mặn, phường Phổ Thạnh (TX.Đức Phổ) từng là nơi mưu sinh lý tưởng của người dân địa phương, nhờ vào nghề săn trùn biển mỗi khi thủy triều xuống. Song, hai năm trở lại đây, những người làm nghề săn trùn biển đành xếp lại ngư cụ, vì trùn biển không còn xuất hiện. “Ngày trước, đầm nước này như cái nôi chứa rất nhiều thủy sản có giá trị như: Trùn biển, hàu... Trong đó, loài có giá trị kinh tế cao hơn cả là trùn biển, thường sống tại khu vực gần cầu Thạnh Đức. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, trùn biển trong đầm gần như cạn kiệt”, ngư dân Võ Ngọc Duyên chia sẻ. 
Đầm Nước Mặn (TX.Đức Phổ) từng là nơi sinh sống của trùn biển, nay trở thành bãi sình lầy đầy rác.
Đầm Nước Mặn (TX.Đức Phổ) từng là nơi sinh sống của trùn biển, nay trở thành bãi sình lầy đầy rác.

Tại vùng đất ngập nước xung quanh khu vực rừng dừa nước Tịnh Khê (TP.Quảng Ngãi), nhiều năm trở lại đây, hoạt động nuôi tôm của người dân đã xâm lấn diện tích đất này. Theo thống kê của địa phương, đến nay, diện tích rừng dừa nước còn lại khoảng hơn 9ha. Từng là vùng đất ngập nước đa dạng sinh học, với sự trú ngụ của nhiều loài chim, cò và sinh sống của nhiều loài thủy sản nước lợ như cá đối, cua, ốc, tôm...

Nhưng theo chia sẻ của nhiều người dân địa phương, hiện tại, do diện tích rừng dừa nước còn lại không nhiều, chất lượng nước lại bị ảnh hưởng bởi hoạt động nuôi tôm và nhiều hoạt động kinh tế khác. Ngoài ra, nhiều ngư dân địa phương khi khai thác nguồn lợi thủy sản trong rừng dừa nước lại sử dụng lưới rập - một loại phương tiện “tận diệt” thủy sản. Vì vậy, nguồn lợi thủy sản nơi đây dần cạn kiệt, không còn đa dạng như trước đây.

 
Cần những giải pháp căn cơ
 
Theo thống kê của UBND tỉnh, toàn tỉnh hiện có 5 vùng đất ngập nước ven biển quan trọng, với tổng diện tích 1.765ha, gồm: Vùng đất ngập nước Bàu Cá Cái và sông Đầm (Bình Sơn); đầm Nước Mặn, đầm An Khê (TX.Đức Phổ); vùng biển nông ven bờ huyện Lý Sơn và rừng Nà (Mộ Đức).
 
Thời gian qua, để bảo vệ, nâng diện tích vùng đất ngập nước, tỉnh đã thực hiện 2 dự án trồng mới và phục hồi rừng ngập mặn ven biển tại các xã  Bình Thuận, Bình Phước, Bình Đông, Bình Dương (Bình Sơn). Đối với bảo vệ đa dạng sinh học vùng đất ngập nước, tỉnh đã ban hành nhiều văn bản về việc nghiêm cấm sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc để khai thác  thủy sản và bảo vệ nguồn lợi thủy sản; thường xuyên tổ chức tuyên truyền, phổ biến đến người dân về  bảo tồn đa dạng sinh học nói chung và bảo tồn, sử dụng bền vững đất ngập nước nói riêng. Năm 2018 và 2019, tỉnh đã triển khai dự án “Bảo tồn bãi đẻ của rùa biển dựa vào cộng đồng” tại huyện Lý Sơn. Đồng thời, tổ chức ký thỏa thuận, hợp tác song phương với tổ chức IUCN về bảo tồn rùa biển.
 
Tuy đạt được những kết quả bước đầu, nhưng công tác bảo vệ cũng như phục hồi đa dạng sinh học tại các vùng đất ngập nước trên địa bàn tỉnh còn gặp rất nhiều khó khăn, hạn chế. Bởi hiện tại, ngoài rùa biển; các loài thủy sản quý khác sống ở vùng đất ngập nước vẫn chưa có chương trình, dự án bảo tồn, bảo vệ. Mặt khác, chế tài xử lý đối với hành vi vi phạm trong lĩnh vực bảo tồn và sử dụng bền vững đất ngập nước chưa đủ sức răn đe. Điều này dẫn đến tình trạng xâm phạm đến việc bảo vệ đa dạng sinh học tại vùng đất ngập nước vẫn còn diễn ra và chưa thể chấn chỉnh...
 
Hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư
 
Ngày 29.7.2019, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 66/2019/NĐ-CP về bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước. Bộ TN&MT đang trong quá trình hoàn thiện và trình ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về bảo tồn và sử dụng bền vững đất ngập nước, giai đoạn 2020 - 2030. Liên quan đến vấn đề này, UBND tỉnh cũng vừa có báo cáo gửi Bộ TN&MT; trong đó, có nêu khó khăn, vướng mắc cần được tháo gỡ về “Cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư cho công tác bảo tồn và sử dụng bền vững đất ngập nước chưa đầy đủ, nên việc áp dụng các văn bản pháp luật vào cuộc sống gặp nhiều khó khăn”.

 

Bài, ảnh: Ý THU
 
 
 
 

.