(Baoquangngai.vn)- Cục Sở hữu trí tuệ vừa có quyết định về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý (CDĐL) cho sản phẩm quế Trà Bồng. Đây là niềm vui cho nghề trồng quế ở địa phương này, góp phần nâng cao giá trị cho loại cây trồng được xem là “tứ đại danh dược”.
Một tín hiệu vui
Cách đây gần 2 năm, với sự chỉ đạo của UBND tỉnh và hướng dẫn của Trung tâm nghiên cứu đào tạo và Hỗ trợ, Tư vấn - Cục Sở hữu trí tuệ, Sở KH&CN tỉnh phối hợp cùng UBND huyện Trà Bồng, chủ trì khiển khai thực hiện Dự án ”Xây dựng và quản lý chỉ dẫn địa lý “Trà Bồng” cho các sản phẩm quế của tỉnh Quảng Ngãi”.
Qua thời gian triển khai, dự án xác định được đặc thù của quế Trà Bồng, cơ sở khoa học và thực tiễn về điều kiện tự nhiên, yếu tố lịch sử truyền thống, yếu tố con người… Những yếu tố này đã tạo nên tính đặc thù của quế Trà Bồng.
Bên cạnh đó, dự án cũng đã xác định khoảng 80,62% diện tích nghiên cứu (tương ứng với khoảng 30.000ha) là thích hợp cho cây quế Trà Bồng sinh trưởng và phát triển, bao gồm diện tích ở các xã Hương Trà, Sơn Trà, Trà Bùi, Trà Giang, Trà Hiệp, Trà Lâm, Trà Phong, Trà Sơn, Trà Tân, Trà Tây, Trà Thanh, Trà Thùy, Trà Xinh. Phần diện tích này cho chất lượng quế đảm bảo và mang những đặc tính riêng chỉ ở vùng trồng quế tại huyện Trà Bồng mới có. Từ đó, tiến hành xây dựng bản đồ phạm vi bảo hộ CDĐL “Trà Bồng” cho các sản phẩm quế.
Cùng với Tỏi Lý Sơn, quế Trà Bồng đến nay đã được bảo hộ chỉ dẫn địa lý. |
Theo Phó phòng Quản lý công nghệ, thị trường công nghệ và chuyên ngành (Sở KH&CN tỉnh) Phan Thị Cẩm Vân, cùng với CDĐL cho tỏi Lý Sơn, dự án “Xây dựng và quản lý chỉ dẫn địa lý “Trà Bồng” cho sản phẩm quế của tỉnh Quảng Ngãi” đã hoàn thành. Kết quả đã khẳng định danh tiếng, chất lượng của sản phẩm quế Trà Bồng do tính chất đặc thù về điều kiện tự nhiên, con người vùng địa lý Trà Bồng quyết định.
Theo chỉ dẫn địa lý, quế Trà Bồng được xác định thuộc bộ Laurale, họ Lauraceae, chi Cinnamomum, loài Cassia (L.) J.Presl, danh pháp Cinnamomum C. cassia (L.) J.Presl. Ngoài tên địa phương là quế Trà Bồng, còn có những tên thường gọi là quế Bì, quế đơn; giống quế nội hay giống quế Bản địa.
Quế Trà Bồng có lá mọc so le, có hình bầu dục nhưng thuôn dài, mặt trên của lá xanh đậm bóng, mặt dưới lá xanh nhạt. Thân cây là thân không thẳng, không cao, có nhiều nốt sần nhỏ. Vỏ xù xì, bên ngoài có màu xám nâu. Các sản phẩm từ quế đều có mùi thơm nồng đặc trưng, không ngái. Vị cay ngọt pha lẫn vị đắng nhẹ...
Theo nghiên cứu từ dự án, hàm lượng tinh dầu trong vỏ quế Trà Bồng rất cao. |
Hàm lượng Cinnamaldehyde trong tinh dầu của các loại sản phẩm quế Trà Bồng ở mức khá cao. Hầu hết các giá trị trung bình đều đạt mức trên 85%, (w/w). Đặc biệt hàm lượng này trong sản phẩm tinh dầu vỏ và tinh dầu lá có mức trung bình đều đạt trên 89%, (w/w).
Đặc biệt, tỷ trọng tương đối của các loại sản phẩm quế Trà Bồng có giá trị ở mức thấp nên mùi hương của quế Trà Bồng rất thơm (thơm nức, thơm nồng đậm đặc) và có tính dược lý cao, được ví là “tứ đại danh dược”.
Song song với việc đăng ký bảo hộ CDĐL, dự án cũng xây dựng bộ nhận diện thương hiệu CDĐL “Trà Bồng” với đầy đủ các yếu tố cần thiết, đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, mỹ thuật và tính chất pháp lý; hình thành trang thông tin quảng bá cho quế Trà Bồng tại địa chỉ http://quetrabong.com.vn và xây dựng được phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu truy xuất nguồn gốc quế Trà Bồng.
Với những yếu tố cần và đủ, sản phẩm quế Trà Bồng đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận bảo hộ vào ngày 23.11.2020, kèm theo Văn bằng bảo hộ CDĐL.
Cú huých cho quế Trà Bồng
Vùng quế Trà Bồng là một trong 4 vùng quế chính của nước ta, với chất lượng khác biệt hàng đầu so với nhiều vùng quế trong cả nước, lọt vào tốp 10 sản phẩm đặc sản của Quảng Ngãi và 1 trong tốp 8 sản phẩm Việt Nam được xác lập kỷ lục châu Á.
Từ xa xưa, quế Trà Bồng đã nổi tiếng, được mua về làm quà biếu trong và ngoài nước; được các nhà buôn mua về dùng vào việc làm mỹ phẩm, làm thuốc và làm gia vị, làm hương vị cho món ăn hấp dẫn hơn, kích thích được tiêu hóa, làm bánh kẹo, rượu. Bột quế được trộn với các vật liệu khác để làm hương đốt được sử dụng nhiều trong các lễ hội, đền chùa, thờ cúng trong nhiều nước Châu Á. Tuy nhiên, trong những năm qua, việc sản xuất cây quế tuy đã hình thành vùng tập trung nhưng vẫn còn hạn chế.
Nhiều hộ dân người Cor ở Trà Bồng vẫn còn trồng theo tập quán canh tác cũ, chủ yếu trông chờ vào sự may rủi của thời tiết. Ở nhiều mùa vụ, cây quế Trà Bồng có những nhược điểm như bị bệnh, mẫu mã vỏ không đẹp nên khó có được chỗ đứng trên thị trường. Hơn thế nữa, việc tiêu thụ sản phẩm còn mang tính tự phát. Do thiếu thông tin về yêu cầu của thị trường nên người trồng quế dễ bị thương lái ép giá.
Việc xây dựng và bảo hộ CDĐL ”Trà Bồng” là cần thiết trong điều kiện kinh tế thị trường hiện nay, tạo thương hiệu đủ mạnh, nhằm lấy lại vị thế cho quế Trà Bồng.
Việc xây dựng và bảo hộ CDĐL ”Trà Bồng” là cần thiết trong điều kiện kinh tế thị trường hiện nay, tạo thương hiệu đủ mạnh,
tăng giá trị sản phẩm quế, qua đó nâng cao đời sống người dân, cũng như người tiêu dùng.
|
Sinh ra trong một gia đình có nhiều đời gắn bó với cây quế, thu mua, kinh doanh sản phẩm quế, bà Trần Thị Minh Hiếu, 53 tuổi, người có nhiều năm gầy dựng thương hiệu quế Hiếu Dũng, ở xã Trà Sơn, huyện cho hay: Quế Trà Bồng hôm nay không chỉ dừng lại ở việc thu mua, bán các sản phẩm thô mà người dân đã nghiên cứu, chế biến thành các sản phẩm sạch như tinh dầu, nhang, bột, nước lau sàn, nước sát khuẩn... Giá trị các sản phẩm từ cây quế ngày càng được nâng tầm. Thế nhưng, trên thị trường cũng có nhiều loại quế lẫn lộn làm mất đi giá trị của hương quế Trà Bồng.
”Sản phẩm quế Trà Bồng được bảo hộ chỉ dẫn địa lý đã khẳng định được nguồn gốc xuất xứ của quế, chỉ rõ được tính chất và chất lượng đặc thù của sản phẩm quế Trà Bồng khác với các vùng quế khác trong cả nước. Đây là một trong những thuận lợi trong việc tạo thế cạnh tranh trên thị trường, làm tăng giá trị sản phẩm quế, qua đó nâng cao đời sống người dân trồng quế, cũng như người tiêu dùng. Nền văn hóa giàu bản sắc truyền thống, cũng như phong tục tập quán và tài sản trí tuệ của cộng đồng các dân tộc huyện Trà Bồng được gìn giữ”, bà Hiếu nhấn mạnh.
Đối với huyện Trà Bồng, khi cây quế có chỉ dẫn địa lý là cơ sở khoa học và thực tiễn để đề xuất các cơ chế, chính sách đầu tư bảo tồn nguồn giống, phát triển vùng nguyên liệu quế Trà Bồng trên các vùng địa lý có tính tương đồng. Từ đó, mở rộng vùng địa danh tương ứng với chỉ dẫn địa lý, tăng sản lượng sản phẩm quế, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường, góp phần phát triển kinh tế xã hội ở địa phương một cách bền vững.
Phó Chủ tịch UBND huyện Trà Bồng Trần Văn Sương, cho biết: Sau khi được bảo hộ chỉ dẫn địa lý, huyện sẽ tiếp tục vừa nâng cao giá trị cho cây quế, vừa mở rộng diện tích và kêu gọi đầu tư, từng bước đưa sản phẩm tiến sâu hơn ở thị trường quốc tế. Đặc biệt, trong quá trình vừa xây dựng, vừa quảng bá, địa phương chú trọng định hướng cho người dân tăng cường áp dụng khoa học kỹ thuật, nâng cao năng suất cây quế theo hướng hữu cơ để đảm bảo chất lượng và thương hiệu vốn có từ lâu đời.
Bài, ảnh: X.Y