Doosan Vina: Một năm vượt khó

02:12, 21/12/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Năm 2020, mặc dù đối mặt với nhiều khó khăn do đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhưng Công ty TNHH Công nghiệp nặng Doosan Việt Nam (Doosan Vina) đã nỗ lực vươn lên gặt hái được nhiều thành công. Qua đó, đóng góp quan trọng vào kim ngạch xuất khẩu của tỉnh và giải quyết việc làm cho người lao động Quảng Ngãi.
[links()]
Hoàn thành nhiều đơn hàng quy mô lớn
 
Mặc dù gặp nhiều khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19, nhưng trong năm 2020, Doosan Vina đã nỗ lực sản xuất và hoàn thành một số đơn hàng lớn cho đối tác. Cuối tháng 3.2020, công ty đã hoàn thành đơn hàng 27 module nặng 3.770 tấn cho đối tác Samsung Engineering Company Limited, xuất khẩu đến công trường Nhà máy Lọc dầu Ruwais, ở Abu Dhabi. Trong đó, module lớn nhất dài 42m, cao 13,2m, rộng 10m và nặng 222 tấn. Khi Nhà máy Lọc dầu Ruwais đi vào hoạt động, các module này sẽ thực hiện nhiệm vụ nâng cao khả năng linh hoạt trong chế biến dầu thô tại đây. 
Năm 2020, Doosan Vina đã hoàn thành đơn hàng 6 cẩu trục RMQC khổng lồ, với tổng khối lượng hơn 10.200 tấn cho khách hàng Gemadept - CMA CGM (Bà Rịa - Vũng Tàu).
Năm 2020, Doosan Vina đã hoàn thành đơn hàng 6 cẩu trục RMQC khổng lồ, với tổng khối lượng hơn 10.200 tấn cho khách hàng Gemadept - CMA CGM (Bà Rịa - Vũng Tàu).
Vào hạ tuần tháng 11.2020, Doosan Vina cũng đã hoàn thành đơn hàng 6 cẩu trục RMQC khổng lồ, với tổng khối lượng hơn 10.200 tấn cho khách hàng Gemadept - CMA CGM, thuộc dự án Gemalink mà Doosan Vina đã ký kết với đối tác vào tháng 5.2019. Đây là loạt cẩu siêu trường siêu trọng (cao 93m, dài 150m, rộng 27m và nặng hơn 1.700 tấn/chiếc), với tầm vươn lên đến 70m và có khả năng bốc dỡ các container hàng hóa trọng tải 65 tấn từ các tàu mẹ cỡ lớn nhất. 
 
Qua đó, nâng tổng số cẩu trục được Doosan Vina sản xuất và cung ứng lên đến 89 chiếc, trong đó 39 chiếc đang hoạt động tại thương cảng sầm uất PSA (Singapore), 23 chiếc tại cảng JNPT và BMCTPL (Ấn Độ), 8 chiếc tại cảng SGP (Ả rập Xê út), 7 chiếc tại cảng Samarinda (Indonesia) và 12 chiếc tại Việt Nam, gồm cảng Đà Nẵng, Tân Cảng Sài Gòn, Cảng Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn và cảng Gemalink.
 
Tiếp tục nâng cao hoạt động sản xuất
 
Thành quả nổi bật của Doosan Vina trong vài năm trở lại đây là đã ký kết được hàng chục hợp đồng mới và nỗ lực thực hiện các đơn hàng, đảm bảo tiến độ giao hàng trong hai năm (2020 - 2021). Riêng năm 2020, công ty đã hoàn thành sản xuất và xuất thành công 6 chuyến hàng cho đối tác như: Các module cho nhà máy lọc dầu Ruwais ở Abu Dhabi; thiết bị dùng trong quy trình lọc nước biển cho khách hàng ở vương quốc Bahrain; cẩu trục RMQC cho cảng quốc tế Gemalink (Bà Rịa - Vũng Tàu); kết cấu lò hơi CFB cho Nhà máy Điện sinh khối Sodegaura (Nhật Bản)...
 
“Áp lực, khối lượng công việc tại các nhà máy của Doosan Vina luôn khá cao nên ngoài các nhà máy hiện hữu, công ty phải mở rộng thêm các nhà xưởng, khu lắp ráp và khu đóng gói để phục vụ nhu cầu sản xuất, ngoài ra còn liên kết sử dụng hàng nghìn lao động của hơn 40 nhà thầu phụ để đáp ứng yêu cầu sản xuất. Trong quá trình hoạt động, Doosan Vina luôn nỗ lực đổi mới, cải tiến, nâng cao năng lực cạnh tranh và bắt kịp thị hiếu khách hàng, cũng như liên tục cập nhật xu thế phát triển của thế giới để phát triển ổn định, bền vững”, Tổng Giám đốc Doosan Vina Jeong Young Chil cho biết.
 
Một trong những dự án thể hiện năng lực sản xuất và trình độ kỹ thuật cao của đội ngũ công nhân Việt Nam tại Doosan Vina là Dự án Sodegaura Biomass Power, được ký kết với khách hàng Chiyoda (Nhật Bản) vào tháng 8.2018. Dự án chế tạo phần áp lực, phi áp lực và kết cấu thép lò hơi sử dụng công nghệ tầng sôi tuần hoàn (CFB), để cung ứng cho nhà máy điện sinh khối Sodegaura công suất 75 MW, đặt tại tỉnh Chiba (Nhật Bản). Hạng mục trên được Doosan Vina thực hiện. Tổng dự án gồm 11 chuyến xuất hàng với trọng lượng 4.000 tấn, đến nay Doosan Vina đã xuất được 8 chuyến/3.093 tấn và dự kiến hoàn tất đơn hàng này vào tháng 2.2021.
 
"Đây là lần đầu tiên chúng tôi sản xuất và cung ứng sản phẩm cho nhà máy nhiệt điện sinh khối, sử dụng lò hơi công nghệ CFB, hay còn gọi là lò hơi tầng sôi tuần hoàn. Công nghệ này rất tiên tiến, vì nó giúp giảm lượng khí thải CO2 và có thể đốt nhiên liệu sinh khối, bao gồm cả dăm gỗ thành năng lượng điện sạch, thân thiện với môi trường. Công nghệ này đang là xu hướng được các nước trên thế giới tin dùng", Giám đốc Nhà máy Boiler (Doosan Vina) Baek Ho Sik cho biết.
 
Theo ông Baek Ho Sik, hiện nay Doosan Vina đang tập trung vào sản xuất các thiết bị năng lượng sạch và năng lượng tái tạo. Đặc biệt là đang chế tạo lò hơi dùng trong nhà máy điện rác (Waste-to-energy - WTE) để cung cấp cho các khu vực lân cận Kyoto (Nhật Bản). Các thiết bị lò hơi công nghệ WTE này dự kiến sẽ xuất khẩu trong năm 2021.
 
Bài, ảnh: PHẠM DANH
 
 
 

.