(Báo Quảng Ngãi)- Sau 5 năm triển khai thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020, bằng quyết tâm và sự nỗ lực của các cấp, ngành, tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo toàn tỉnh đã giảm dần qua từng năm; đời sống người dân từng bước được nâng cao, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
[links()]
Đa dạng mô hình giảm nghèo
Năm 2017, gia đình ông Đinh Văn Điếu, ở thôn Mang Hin, xã Sơn Long (Sơn Tây) được cấp 5 con dê, đến nay đàn dê của gia đình ông đã tăng hơn 10 con. “Khi mới nhận con giống về nuôi, tôi cũng gặp nhiều khó khăn vì chưa biết cách chăm sóc, nuôi dưỡng. Nhưng được sự hỗ trợ về kỹ thuật cũng như cách chăm sóc, nên đàn dê dần ổn định và sinh sản tốt", ông Điếu cho hay. Không những mang lại hiệu quả trong phát triển kinh tế gia đình, ông Điếu còn chia sẻ con giống cho các hộ gia đình khác có nhu cầu. Ngoài ra, ông còn nuôi thêm đàn bò 7 con, trồng mì, trồng keo... giúp thu nhập hằng năm của gia đình trên 100 triệu đồng. Năm 2018, gia đình ông đã thoát nghèo, đời sống đã ổn định hơn trước rất nhiều.
Nhiều mô hình, dự án phát triển sản xuất trong nông nghiệp đã giúp người dân thoát nghèo. |
Mô hình nuôi cá nước ngọt bằng lồng bè tại hồ Nước Trong của các hộ dân xã Trà Xinh (Trà Bồng) cũng là mô hình thoát nghèo hiệu quả. Gia đình anh Hồ Văn Hoa, ở thôn Trà Kem là một trong những hộ được hỗ trợ nuôi cá lồng bè tại hồ Nước Trong. Anh Hoa được chính quyền hỗ trợ kinh phí làm lồng bè, cá giống, thức ăn chăn nuôi. Bình quân mỗi năm, anh Hoa thu hoạch 2 đợt cá thịt, với giá bán 60.000 - 70.000 đồng/kg, thu về hàng trăm triệu đồng. Anh Hoa chia sẻ: “Trước đây, tôi chỉ trồng lúa, keo, quế... Khi được chính quyền địa phương hỗ trợ kinh phí để nuôi cá lồng bè, tôi mạnh dạn thử sức và hiệu quả kinh tế mang lại đã giúp gia đình ổn định cuộc sống”.
Trong 5 năm qua, toàn tỉnh đã xây dựng và thực hiện 1.005 dự án phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế cho gần 43.000 lượt hộ với các dự án về trồng trọt, chăn nuôi, hỗ trợ máy móc, dụng cụ sản xuất, nhân rộng mô hình giảm nghèo. Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Phiên, việc nhân rộng các mô hình giảm nghèo đang phát huy hiệu quả, tạo điều kiện cho các hộ nghèo chủ động vươn lên thoát nghèo. “Để nhân rộng, phát huy hiệu quả các mô hình giảm nghèo, các cấp, ngành, địa phương phải chủ động triển khai, hướng dẫn, bám sát trong quá trình thực hiện, thậm chí cầm tay chỉ việc cho người dân. Song, chủ lực vẫn là bản thân mỗi người dân phải tự nâng cao ý thức, trách nhiệm trong làm ăn. Có như vậy công tác giảm nghèo mới thực sự hiệu quả”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Phiên nhấn mạnh.
Nhiều chính sách hỗ trợ giảm nghèo
Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Lương Kim Sơn cho biết: Thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020, Sở LĐ-TB&XH đã ban hành các văn bản triển khai công tác giảm nghèo với mục tiêu cải thiện đời sống, tăng thu nhập của người dân, đặc biệt là ở các địa phương có tỷ lệ hộ nghèo cao. Qua đó, tạo điều kiện cho người nghèo được tiếp cận một cách tốt nhất các dịch vụ xã hội cơ bản; tăng cường đầu tư để nâng cao chất lượng kết cấu hạ tầng, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững, hạn chế tái nghèo, góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội.
Chăn nuôi, phát triển sản xuất trong nông nghiệp là hướng đi giúp nhiều người dân thoát nghèo. |
Từ năm 2016 đến nay, toàn tỉnh có 108.092 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo được hỗ trợ chính sách vay vốn ưu đãi với tổng kinh phí trên 3.322 tỷ đồng. Vốn vay ưu đãi đã giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo có điều kiện vươn lên, tạo việc làm nâng cao đời sống, thu nhập, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn. Bên cạnh đó, chính sách hỗ trợ nhà ở cho người nghèo, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, BHYT, chăm sóc sức khỏe cũng được các địa phương tích cực triển khai.
Đến nay, toàn tỉnh có 1.282 hộ nghèo, hộ cận nghèo xây mới và sửa chữa nhà ở với tổng kinh phí khoảng 32 tỷ đồng; 1.563 lao động là người nghèo, cận nghèo, người dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo được đào tạo nghề, giải quyết việc làm; hơn 1,4 triệu thẻ BHYT được cấp cho hộ nghèo, hộ cận nghèo với tổng kinh phí trên 1.209 tỷ đồng. Các chính sách hỗ trợ về giáo dục, nước sạch, vệ sinh môi trường, trợ giúp pháp lý... được người nghèo tiếp cận đã góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống. Các chính sách hỗ trợ đã thực sự phát huy hiệu quả giúp hàng nghìn hộ nghèo, hộ cận nghèo có điều kiện phát triển sản xuất, cải thiện đời sống, vươn lên thoát nghèo.
Đạt mục tiêu giảm nghèo hằng năm
Từ những chính sách hỗ trợ của Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020, bình quân mỗi năm tỷ lệ giảm nghèo trong tỉnh giảm 1,82%, đạt mục tiêu đề ra. Ước thu nhập bình quân của hộ nghèo đến năm 2020 tăng lên 1,5 lần so với cuối năm 2015. Có 1 huyện nghèo (Sơn Hà) và 11 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn. Có 85,8% xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế; 100% xã có mạng lưới trường mầm non, phổ thông, trung tâm học tập cộng đồng đủ để đáp ứng nhu cầu học tập…
|
Bài, ảnh: VŨ YẾN