Nhân rộng mô hình chăn nuôi heo ky

09:12, 30/12/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Ba năm gần đây, đời sống của nhiều hộ dân ở xã Bình Minh (Bình Sơn) được cải thiện, tăng thu nhập nhờ chăn nuôi heo ky. Đây được xem là mô hình kinh tế phát triển bền vững, tận dụng được thế mạnh đất gò đồi ở địa phương.
[links()]
Năm 2017, từ giới thiệu của người thân về giống heo ky (hay còn gọi là heo rừng lai), với khả năng thích ứng cao, ít dịch bệnh, thịt chắc... vợ chồng chị Nguyễn Thị Lệ Chi, ở thôn Mỹ Long Tây đã mua một cặp giống heo ky để chăn nuôi thử. Sau 3 năm, đàn heo ky của chị Chi đã có 4 con heo nái, 1 heo đực giống. Trung bình mỗi năm, heo nái sinh sản từ 2 - 3 lứa, mỗi lứa từ 7 - 8 con, mang về nguồn thu nhập ổn định cho gia đình chị Chi. 
Nhờ nuôi heo ky, mà gia đình chị Nguyễn Thị Lệ Chi, ở thôn Mỹ Long Tây, xã Bình Minh (Bình Sơn) có cuộc sống khấm khá.
Nhờ nuôi heo ky, mà gia đình chị Nguyễn Thị Lệ Chi, ở thôn Mỹ Long Tây, xã Bình Minh (Bình Sơn) có cuộc sống khấm khá.
Chị Chi chia sẻ: "Mỗi năm, tôi bán hơn chục con heo con và khoảng 6 - 7 con heo thịt, với cân nặng khoảng 30kg/con. Giống heo này có sức đề kháng tốt, chủ yếu ăn các loại rau, cỏ, không sử dụng cám công nghiệp, giúp ít tốn chi phí và thịt heo thơm ngon, an toàn nên không lo đầu ra. Với giá bán bình quân 150.000 đồng/kg, trừ chi phí, mỗi năm tôi thu về gần 30 triệu đồng. Thời gian đến, tôi sẽ đầu tư xây dựng thêm chuồng trại để mở rộng quy mô chăn nuôi".
 
Gia đình chị Chi là một trong nhiều hộ tiên phong nuôi heo ky ở xã  Bình Minh. Từ hiệu quả kinh tế mang lại, các hộ dân trong xã đã đến tham quan, học hỏi làm theo. Chị Đỗ Thị Đẩu, ở thôn Lộc Thanh cho biết: "Trước đây, gia đình tôi chỉ trồng keo, nuôi bò, thu nhập vừa đủ sống. Thế nhưng, từ thực hiện mô hình nuôi heo ky, kinh tế gia đình cải thiện rõ rệt. Heo ky dễ nuôi, ít tốn công chăm sóc. Tôi chỉ tốn gần 15 triệu đồng để mua 1 cặp heo giống, làm chuồng trại thì sau 2 năm, đàn heo nhà tôi đã phát triển lên 4 con nái và cứ 3 tháng là xuất bán một lứa heo con".
 
Từ một vài hộ tiên phong, đến nay xã Bình Minh có hơn 20 hộ chăn nuôi heo ky. Người đi sau học hỏi người đi trước về cách chăn nuôi, từ đó mà kinh tế của nhiều gia đình được cải thiện rõ rệt.
 
Nhận thấy hiệu quả của chăn nuôi heo ky, nên giữa năm 2020, địa phương đã thành lập Tổ chăn nuôi heo ky. Thông qua tổ nghề nghiệp này, các hộ chăn nuôi có thể chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm, hỗ trợ kỹ thuật chăn nuôi, thống nhất về giá bán và tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ.
 
Theo Chủ tịch Hội Nông dân xã Bình Minh Nguyễn Đến, với địa thế đất đồi núi rộng rãi, phù hợp cho việc thả nuôi heo ky, nên mô hình chăn nuôi này được địa phương khuyến khích nhân rộng. Thời gian đến, Hội Nông dân xã sẽ tổ chức thêm nhiều lớp tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi, chăm sóc heo ky và hỗ trợ vay vốn để có thêm nhiều người dân biết và thực hiện mô hình này.
 
Bài, ảnh: H.THU
 
 
 

.