Nan giải khắc phục bồi lấp lòng hồ chứa nước

10:12, 28/12/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Hàng loạt hồ chứa nước trên địa bàn tỉnh đang bị cát, đất bồi lấp lòng hồ, khiến năng lực trữ nước bị giảm sút. Thực trạng này đã diễn ra từ nhiều năm nay, nhưng do thiếu kinh phí, nên việc nạo vét, xử lý bồi lấp tại hầu hết các hồ chứa vẫn chưa thực hiện được.
[links()]
Theo Sở NN&PTNT, lượng bùn đất bồi lấp hằng năm tại 123 hồ chứa nước trên địa bàn tỉnh lên đến 312.719m3. Song, công tác nạo vét hằng năm tại các hồ chứa vẫn chưa được thực hiện. Hiện chỉ có 3 hồ chứa nước là Diên Trường, An Thọ, Núi Ngang là được nạo vét theo định kỳ dự án, với tổng lượng bùn nạo vét là 81.327m3. 
Lòng hồ chứa nước Ông Tới, ở xã Đức Lân (Đức Phú) bị bồi lấp nhiều năm, nhưng vẫn chưa được nạo vét.
Lòng hồ chứa nước Ông Tới, ở xã Đức Lân (Đức Phú) bị bồi lấp nhiều năm, nhưng vẫn chưa được nạo vét.
Tại hồ ông Tới, ở xã Đức Lân (Mộ Đức), dù lượng bùn, đất phát sinh hằng năm vào khoảng hơn 1.000m3, nhưng từ năm 2005 đến nay, công tác nạo vét lòng hồ chưa được thực hiện. “Sau nhiều năm bị bồi lấp mà không được nạo vét, khu vực cát, đất bồi lên ở phía tây hồ chứa nước đã bị người dân xâm lấn để trồng keo. Vì vậy, chúng tôi rất mong các ngành chức năng sớm nạo vét, trả lại dung tích trữ nước vốn có của hồ chứa”, Giám đốc HTX Nông nghiệp Tú Sơn 1 Nguyễn Mậu Biên, đơn vị quản lý, vận hành hồ chứa nước ông Tới cho biết.
 
Tại hồ chứa nước Nước Trong, dù lượng bùn, đất phát sinh hằng năm do xói mòn lưu vực ước tính lên đến 197.531m3, nhưng từ khi hồ chứa đi vào hoạt động (năm 2016) đến nay, công tác nạo vét cũng chưa được thực hiện.
 
Cùng chung tình cảnh trên, hầu hết các hồ chứa nước từ nhỏ đến lớn tại các huyện Sơn Tịnh, Bình Sơn, TX.Đức Phổ...  đều bị cát, đất bồi lấp lòng hồ. Tại huyện Mộ Đức, hồ chứa nước Hóc Mít (xã Đức Phú) cần nạo vét hơn 45.000m3 đất, đá bồi lấp; hồ chứa nước Mạch Điểu (xã Đức Phú) cần nạo vét gần 90.000m3. Tại huyện Sơn Tịnh, hồ chứa nước Hố Tre (xã Tịnh Giang) cần nạo vét khoảng 29.000m3. Tại TX.Đức Phổ, các hồ chứa nước Cây Khế (phường Phổ Thạnh); Hóc Cầy, Hóc Nghì (xã Phổ Cường), Cây Sanh (xã Phổ Châu) cũng bị bồi lấp. Vào mùa khô, các hồ chứa nước không đảm bảo nước tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp, nên chính quyền địa phương và người dân kiến nghị nạo vét lòng hồ để tăng dung tích trữ nước, đảm bảo năng lực tưới.
 
Theo Chi cục phó Chi cục Thủy lợi tỉnh Võ Đoàn, do kinh phí phân khai cho thủy lợi còn hạn chế, nên từ trước đến nay, tỉnh mới ưu tiên kinh phí cho việc khắc phục, sửa chữa các hồ, đập xuống cấp, hư hỏng, nhằm đảm bảo an toàn cho hồ chứa nước. Việc nạo vét lòng hồ để tăng dung tích trữ nước, dù cũng là nhiệm vụ cấp thiết, nhưng do kinh phí nạo vét các hồ dao động từ 1 - 3 tỷ đồng hoặc hơn (tùy khối lượng), nên các đơn vị quản lý, vận hành hồ đập, các địa phương khó khăn về kính phí trong thực hiện.
 
"Để tháo gỡ khó khăn về kinh phí, một số địa phương hiện đang xin thủ tục và kêu gọi tổ chức, cá nhân nạo vét lòng hồ theo hình thức xã hội hóa. Song, việc đầu tư vào lĩnh vực này ít lợi nhuận, nên nhà đầu tư ít quan tâm. Do vậy, công tác nạo vét lòng hồ chứa nước định kỳ hằng năm vẫn là một bài toán khó", ông Đoàn nói.
 
Bài, ảnh: Ý THU
 
 
 

.