Khôi phục vùng trồng thức ăn chăn nuôi sau bão, lũ

06:12, 05/12/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Sau những trận bão lũ, toàn bộ diện tích hoa màu, bắp, cỏ đã bị hư hại, khiến việc tìm kiếm thức ăn xanh cho gia súc của nông dân gặp nhiều khó khăn. Nhiều hộ dân đã phải bán bớt trâu, bò vì sợ không đảm bảo được thức ăn cho đàn gia súc.
[links()]
Chật vật tìm thức ăn cho gia súc
 
Từng là những nơi trải dài một màu xanh mơn mởn của cỏ, bắp, nhưng sau bão lũ, dọc các bãi bồi ven sông Trà Bồng, Trà Khúc, Phước Giang, sông Vệ... đã nhuốm màu bùn đất và rác. Cỏ mọc tự nhiên ngoài đồng cũng tanh bùn, không đảm bảo vệ sinh. Mưa, bão cũng đã làm ngã đổ, hư hại nguồn rơm rạ dự trữ, khiến việc tìm thức ăn cho trâu, bò gặp nhiều khó khăn.
 
Từ sau bão đến nay, ông Nguyễn Tấn, ở thôn Thạch An, xã Bình Mỹ (Bình Sơn), phải chật vật ngày hai buổi đi tìm thức ăn cho đàn bò 9 con của gia đình. Ông Tấn cho biết: Để có đủ lượng thức ăn cho đàn bò, gia đình tôi đã dành hẳn 4 sào đất để trồng cỏ voi. Nhưng bão, lũ đã làm hư hại tất cả, khiến việc chăn nuôi bò của gia đình ông gặp nhiều khó khăn. 
'Mấy hôm nay phải chạy ăn từng bữa cho đàn bò. Chỉ mong trời nắng ráo tranh thủ cải tạo đất, trồng lại mấy đám cỏ, chứ không biết lấy gì nuôi bò. Giờ mà đi mua rơm cũng không ai bán, mà nếu có bán cũng không mua nổi”. Ông NGUYỄN THỂ, ở thôn Đồng Giữa, xã Hành Tín Đông (Nghĩa Hành)
'Mấy hôm nay phải chạy ăn từng bữa cho đàn bò. Chỉ mong trời nắng ráo tranh thủ cải tạo đất, trồng lại mấy đám cỏ, chứ không biết lấy gì nuôi bò. Giờ mà đi mua rơm cũng không ai bán, mà nếu có bán cũng không mua nổi”. Ông NGUYỄN THỂ, ở thôn Đồng Giữa, xã Hành Tín Đông (Nghĩa Hành)
“Phải mất 4 tháng nữa mới có rơm vụ lúa đông xuân, nhưng nhà chỉ còn có một cây rơm bé xíu. Nếu cho ăn như trước thì chỉ trong vòng một tháng sẽ hết, nên mỗi bữa chỉ cho ăn một ít, cầm cự qua ngày. Tôi phải nấu cháo gạo cho bò ăn thêm. Song, một khi nguồn thức ăn cạn kiệt, tôi cũng phải bán bớt, chứ kham không nổi”, ông Tấn cho biết thêm.
 
Toàn xã Bình Mỹ có khoảng 47ha chuyên trồng cỏ voi để phục vụ chăn nuôi trên 2.650 con bò, trâu. Thế nhưng, bão lũ đã làm hư hại gần hết, số còn lại cũng không lên nổi. Trong khi đó, vụ hè thu năm nay, thời tiết lại nắng nóng kéo dài, hàng chục hécta ruộng phải bỏ hoang, nên thiếu hụt nguồn rơm nghiêm trọng. 
 
Không riêng gì xã Bình Mỹ, nhiều địa phương khác trong tỉnh cũng đang khan hiếm nguồn thức ăn cho trâu, bò. Có điều kiện chăn nuôi nên gia đình ông Nguyễn Thể, ở thôn Đồng Giữa, xã Hành Tín Đông (Nghĩa Hành), luôn duy trì đàn bò của gia đình trên dưới 15 con. Để đảm bảo nguồn thức ăn thường xuyên cho bò, ông Thể thuê thêm đất trồng 3 sào cỏ voi và mua thêm rơm rạ dự trữ cho mùa mưa lạnh, nhưng giờ đã bị bão lũ làm hư hại.
 
Ông Thể chia sẻ: “Mấy hôm nay phải chạy ăn từng bữa cho đàn bò. Chỉ mong trời nắng ráo tranh thủ cải tạo đất, trồng lại mấy đám cỏ, chứ không biết lấy gì nuôi bò. Giờ mà đi mua rơm cũng không ai bán, mà nếu có bán cũng không mua nổi”.
 
Sớm khôi phục đồng cỏ
 
Những năm qua, phong trào nuôi bò lai, bò vỗ béo ngày càng phát triển ở khắp các địa phương trong tỉnh. Nhiều hộ nuôi với số lượng lớn. Một số vùng phù hợp với điều kiện nuôi trâu cũng đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân. Để có thức ăn cho đàn gia súc, hầu hết các hộ chăn nuôi đều chuyển đổi một phần đất trồng hoa màu sang trồng cỏ voi, bắp. Do đó, việc khôi phục đồng cỏ sau bão lũ là rất quan trọng, nhằm đảm bảo nguồn thức ăn phục vụ chăn nuôi.
 
Phó phòng NN&PTNT huyện Nghĩa Hành Lê Quang Nhu cho hay: Bão lũ đã gây thiệt hại nặng nề cho ngành nông nghiệp địa phương, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, chăn nuôi, kinh tế của người dân. Huyện cũng đang đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân tranh thủ thời tiết nắng ráo, tiến hành làm đất, xuống giống để sớm có nguồn thức ăn tại chỗ phục vụ chăn nuôi; tăng cường dùng thức ăn tinh để đảm bảo sức khỏe đàn vật nuôi trong mùa mưa bão.
 
Theo khuyến cáo của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, thời điểm sau bão lũ nguồn thức ăn bị hạn chế, môi trường ô nhiễm, nhiệt độ giữa ngày và đêm chênh lệch nhiều, đã ảnh hưởng lớn đến sức khỏe đàn gia súc. Do vậy, vật nuôi cần được chăm sóc chu đáo,  không cho ăn những loại thức ăn bị mốc, hư hỏng; hạn chế uống nước bẩn...
 
HỒNG HOA
 
 

.