Xóm gò thùng trăn trở giữ nghề

09:11, 19/11/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Thời “hoàng kim” của hàng tôn, thiếc những năm 80, 90 của thế kỷ trước đã qua lâu, nên các tiệm làm nghề gò hàn thiếc ở khu vực đường Hoàng Hoa Thám (TP.Quảng Ngãi) đang thu hẹp dần. Dẫu vậy, vẫn còn những người thợ gò thiếc tâm huyết, tự mình trau dồi kiến thức, đổi mới cách làm để trụ được với nghề.
[links()]
Một thời vàng son
 
Nghề gò thiếc đã từng có một quãng thời gian dài hưng thịnh khi mà cả ở thành thị và nông thôn, vật dụng được làm bằng thiếc được sử dụng rộng rãi. Trước đây, nguyên liệu chính để gia công sản phẩm chủ yếu là thiếc, nhưng để thích ứng với nhu cầu phát triển, người làm thủ công đã phát triển sang các loại nguyên liệu khác như sắt tây, tôn hoa, kẽm. Mặt hàng phổ biến là xô, chậu đựng nước, thùng gánh nước, hòm đựng quần áo, tủ thuốc, đèn dầu, lư hương, khay đựng đồ uống chè, chóp thông gió, máng xối...  
Các sản phẩm tinh xảo được tạo ra dưới bàn tay của người thợ gò thiếc.
Các sản phẩm tinh xảo được tạo ra dưới bàn tay của người thợ gò thiếc.
Nói về thời vàng son của nghề gò thiếc, ông Bùi Tá Phước (72 tuổi), một người có thâm niên hơn 40 năm làm nghề, chia sẻ: “Trước đây, nghề gò hàn thiếc là một trong những nghề hái ra tiền, vì nhu cầu của người dân rất cao, gia đình tôi làm ngày làm đêm cũng không hết việc. Không khí lao động ở tiệm luôn hối hả, tấp nập để sau đó các vật dụng từ thiếc theo những chuyến xe lam, xe ngựa... đi khắp nơi, góp mặt trong rất nhiều hoạt động sinh hoạt và lao động sản xuất của người dân. Cả khu vực này có đến gần 40 hộ gia đình làm nghề, tiếng búa gõ đinh tai suốt từ sáng đến tối, nhưng ai nấy đều vui vì có nguồn thu nhập ổn định”.
 
Để làm nghề gò thiếc, việc học nghề không hề dễ dàng. Bởi không như khi đào tạo ở các trường nghề, những người xin vào học việc tại các cửa tiệm đều học theo cách cầm tay chỉ việc. Trong quá trình học việc, người học để ý nhìn những người thợ lành nghề làm việc rồi bắt chước làm theo. Thông thường, một người học việc phải trải qua từ 2 - 4 năm mới trở thành thợ chính. Còn nếu muốn trở thành một người thợ lành nghề, làm được tất cả công đoạn khó của sản phẩm một cách tinh tế cần nhiều thời gian hơn.
 
Đổi mới để sống với nghề
 
Theo xu thế phát triển, những món đồ thiếc từ bình tưới nước đến chiếc ấm thiếc, chiếc mâm thiếc, gàu thiếc, thùng đựng nước bằng thiếc... từng gắn bó với người lao động nông thôn giờ dần vắng bóng. Hàng thiếc vẫn có mặt trên thị trường, nhưng khá hẹp, tiêu thụ hạn chế ở một số vùng nông thôn, miền núi.
 
Ông Bùi Tá Hoanh, chủ một xưởng gò hàn thiếc trên đường Hoàng Hoa Thám, cho hay: “Xóm Gò Thùng hiện chỉ còn khoảng 5 hộ gò thiếc, nhưng sản xuất cầm chừng, bởi đa số đồ gia dụng hiện nay được thay bằng các vật liệu khác”.
 
Trong cuộc cạnh tranh với các sản phẩm làm ra từ những vật liệu mới, để gìn giữ nghề, những người thợ gò thiếc phải học hỏi, bổ sung kiến thức, đồng thời liên tục tạo ra các sản phẩm mới, phù hợp với thị hiếu của người sử dụng. Gần 50 tuổi đời, hơn 30 năm tuổi nghề, ông Hoanh bộc bạch: “Nhiều năm lăn lộn làm nghề, tôi rút ra được những điều cốt lõi giúp trụ vững và phát triển được nghề gia truyền từ đời cha tôi để lại. Đầu tiên là phải sống được với nghề, nghĩa là sản phẩm mình làm ra phải bán được, điều này liên quan đến chất lượng cũng như mẫu mã của sản phẩm. Đồng thời, phải yêu nghề, hiểu nghề - xem nghề như một đứa con của mình, phải hiểu nó như vậy mới có thể nuôi dưỡng và phát triển nó”.
 
Ngày trước, nhu cầu của người dân chỉ đơn giản là những đồ gia dụng thông thường, nhưng do làm thủ công nên người thợ cũng bận rộn cả ngày mới có thể hoàn thành hết đơn hàng. Giờ đây, nghề gò hàn thiếc đã được hỗ trợ bởi máy móc, làm bán công nghiệp, kỹ thuật cao. Để sống với nghề, những người thợ thiếc giờ còn phải biết sử dụng máy tính, biết thiết kế và đọc các bản vẽ kỹ thuật để nhận đơn đặt hàng theo yêu cầu của khách, chứ không chỉ làm các sản phẩm truyền thống theo mẫu.
 
Vài năm trở lại đây, đồ thiếc làm sẵn ít người mua. Khách hàng của các tiệm đa phần mang bản vẽ thiết kế sẵn, yêu cầu tiệm làm thành phẩm. Thời “hoàng kim” của nghề thiếc đã qua, chỉ những người thợ tâm huyết, yêu nghề mới âm thầm, cần mẫn, sáng tạo để giữ nghề theo cách làm mới. Và họ vẫn mong lửa nghề sẽ được thế hệ sau đón nhận và phát huy.
 
 XUÂN HIẾU
 
 
 

.