(Báo Quảng Ngãi)- Chưa kịp phát huy hết công năng và hiệu quả, nhiều công trình hạ tầng ở nông thôn và mô hình phát triển sản xuất ở các xã nông thôn mới (NTM) trên địa bàn tỉnh đã bị mưa, bão gây hư hỏng, thiệt hại nặng nề.
[links()]
“Vựa” cây ăn quả tan hoang
Nhìn vườn cây ăn quả bật gốc, gãy ngọn nằm la liệt, ông Phạm Đạt, ở xã Hành Minh (Nghĩa Hành) thất thần, chẳng buồn dọn dẹp. “Phải mất gần 20 năm, tôi mới chọn và trồng được những loại cây ăn quả như chôm chôm, sầu riêng, bưởi da xanh, cam và chanh. Vậy mà, giờ mất hết rồi”, ông Đạt nói.
Nhiều trường học trên địa bàn tỉnh bị hư hỏng do bão, lũ, ảnh hưởng đến công tác xây dựng nông thôn mới ở các địa phương. Trong ảnh: Trường THCS Võ Bẩm, xã Tịnh Khê (TP.Quảng Ngãi) đã bay toàn bộ mái lợp do bão số 9. Ảnh: ĐỨC TƯƠI |
Để có được 5.000m
2 cây ăn quả đa dạng chủng loại, hiệu quả kinh tế cao, ông Đạt đã tốn rất nhiều thời gian, công sức và tiền bạc đầu tư cải tạo vườn tạp, trồng thử nghiệm và chăm sóc. Vì vậy, dù bắt đầu trồng cây ăn quả từ năm 2011, nhưng phải đến 2017, vườn cây ăn quả nhà ông Đạt mới bắt đầu cho thu nhập ổn định, dao động từ 150 - 160 triệu đồng mỗi năm. Tuy nhiên, hiện toàn bộ cây chôm chôm 20 năm tuổi, hàng chục cây sầu riêng trên 10 năm tuổi và hàng trăm cây cam, chanh và bưởi da xanh đã đến tuổi cho thu hoạch đang chết dần, vì bị bật gốc, gãy ngọn.
Trong khi đó, “vựa” chuối ngự xã Hành Tín Đông (Nghĩa Hành) cũng tan hoang, chẳng còn gì ngoài thân cây chuối đổ ngổn ngang. “Hơn 25ha chuối ngự, nguồn thu nhập chính của hàng trăm hộ gia đình trong xã, đã bị thiệt hại hoàn toàn do mưa, bão. Chính quyền động viên người dân dọn dẹp cây đổ trong vườn; đồng thời kiến nghị cấp trên quan tâm hỗ trợ giống hoặc nguồn vốn, để khi thời tiết thuận lợi, người dân triển khai trồng mới”, Chủ tịch UBND xã Hành Tín Đông Đào Thanh Công cho biết.
Ngoài 365ha ở “vựa” cây ăn quả Nghĩa Hành, nhiều mô hình trồng trọt, chăn nuôi ở các xã NTM, hoặc được nguồn vốn phát triển sản xuất NTM hỗ trợ cũng bị mưa, bão gây hư hỏng, thiệt hại gần như hoàn toàn. Phó Chánh Văn phòng điều phối Chương trình NTM tỉnh Nguyễn Phúc Long chia sẻ: “Đây là những mô hình đã và đang phát huy hiệu quả tốt, mang lại thu nhập chính cho người dân, góp phần rất lớn vào việc duy trì và nâng cao chất lượng tiêu chí số 10 về thu nhập và tỷ lệ hộ nghèo ở các xã NTM. Hiện phải đợi các địa phương thống kê, đánh giá mức độ thiệt hại, từ đó mới điều chỉnh phương án và kế hoạch vốn hỗ trợ phát triển sản xuất năm 2021”.
Hạ tầng hư hỏng nặng
Trong 10 năm xây dựng NTM, diện mạo nông thôn trên địa bàn tỉnh đã có nhiều khởi sắc. Từ nguồn vốn huy động trên 11,7 nghìn tỷ đồng (giai đoạn 2016 - 2020), đã đầu tư nâng cấp và sửa chữa 760km đường giao thông nông thôn, 153 trường học và 368 cơ sở vật chất văn hóa; kiên cố hóa hơn 583 tuyến kênh, với tổng chiều dài hơn 310km; hoàn thiện hệ thống lưới điện... Tuy nhiên, mưa bão đã làm nhiều trường học, trạm y tế và hàng trăm tuyến mương thủy lợi, giao thông nông thôn ở các xã NTM bị sạt lở, hư hỏng.
Vườn cây ăn quả của ông Phạm Đạt, ở xã Hành Minh (Nghĩa Hành) bị thiệt hại nặng trong bão số 9, trong đó có hàng chục cây chôm chôm 20 năm tuổi. |
Tại huyện NTM Nghĩa Hành, địa phương duy nhất của tỉnh có 100% trường học và trạm y tế đạt chuẩn quốc gia, với hệ thống máy móc, trang thiết bị đáp ứng nhu cầu học tập, khám chữa bệnh ban đầu cho người dân, nhưng mưa, bão đã làm 37 trường học và nhiều trạm y tế trên địa bàn huyện bị tốc mái, hầu hết máy móc và trang thiết bị cũng bị hư hỏng nghiêm trọng. Còn tại huyện Mộ Đức, cũng có 62 điểm trường bị hư hỏng, thiệt hại.
Theo đánh giá của chính quyền các địa phương, kinh phí để sửa chữa, xây dựng mới cơ sở hạ tầng sẽ rất lớn, nhưng việc huy động nguồn lực sẽ gặp rất nhiều khó khăn, do mức độ thiệt hại lớn, phạm vi rộng. Hơn nữa, những năm qua, chính quyền và nhân dân các xã NTM cũng đã tập trung mọi nguồn lực để thực hiện hoàn thành các tiêu chí NTM. Trong khi đó, dù đã được công nhận xã, huyện đạt chuẩn NTM, nhưng Ban Chỉ đạo Chương trình xây dựng NTM tỉnh vẫn thường xuyên theo dõi, đánh giá mức độ và chất lượng các tiêu chí.
“Với các mô hình phát triển sản xuất, chủ yếu là vườn cây ăn quả, huyện vận động nhân dân từng bước đầu tư kiểu “lấy ngắn nuôi dài”. Còn với cơ sở hạ tầng, địa phương cũng chỉ tiến hành khắc phục tạm thời, còn việc “đầu tư lại” để đảm bảo duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM thì phải nhờ sự tiếp sức của cấp trên”, Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Hành Đinh Xuân Sâm nói.
Bài, ảnh: MỸ HOA