(Báo Quảng Ngãi)- Sau bão số 9, công tác khắc phục hư hỏng hạ tầng giao thông được ngành GTVT khẩn trương thực hiện để thông tuyến về các địa phương, nhất là các huyện miền núi. Song khối lượng đất đá quá lớn, nên việc sửa chữa gặp nhiều khó khăn.
[links()]
Trên các tuyến quốc lộ, có hàng chục điểm sạt lở cả taluy âm lẫn taluy dương với khối lượng hàng chục nghìn mét khối. Nhiều cầu cống bị hư hỏng khó có thể khắc phục nhanh chóng được; nền đường bị hư hỏng khoảng 15.400m
2.
Sạt lở làm sạt hơn 2/3 nền đường tại Km 38+760 trên tuyến tỉnh lộ 628. |
Riêng hệ thống đường tỉnh, có hơn 250 vị trí sạt lở taluy dương và 15 vị trí sạt lở taluy âm với khối lượng hơn 200.000m3, trong đó có hơn 60 vị trí ách tắc giao thông đến nay mới chỉ khắc phục để hoạt động giao thông tạm thời. Hệ thống mặt đường hư hỏng hơn 160.000m2; hơn 230 trụ điện và dây điện chiếu sáng công cộng ngã đổ. Phó Giám đốc phụ trách Sở GTVT Lê Nhân cho biết: Thiệt hại do mưa bão gây ra đối với hạ tầng giao thông là 146,5 tỷ đồng. Trong đó, các tuyến tỉnh lộ khoảng 130 tỷ đồng, còn lại là các tuyến quốc lộ ủy thác.
Giám đốc Công ty CP Xây dựng công trình giao thông tỉnh Đinh Tấn Dũng cho hay: Để khắc phục hậu quả mưa bão, công ty huy động hơn 50 phương tiện và 70 công nhân liên tục làm việc trên các công trường để thông xe. Trong đó, có nhiều địa điểm tính chất khẩn trương, nên công tác khắc phục cả ngày lẫn đêm. Hiện các tuyến do công ty phụ trách khắc phục đã thông xe, nhưng vẫn phải tiếp tục hoàn thiện vì khối lượng đất đá tràn trên mặt đường quá lớn.
Theo ông Lê Nhân, Sở đã chỉ đạo Thanh tra Sở, Công ty CP Xây dựng công trình giao thông Quảng Ngãi và các đơn vị liên quan huy động tối đa phương tiện, lực lượng có mặt ngay tại hiện trường tiến hành phân luồng và hốt dọn đất, đá sạt lở nhằm đảm bảo giao thông trong thời gian nhanh nhất, đặc biệt là các tuyến có khối lượng sạt lở lớn như tỉnh lộ 622B, 626, 628.
Đồng thời, phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức cảnh giới, hướng dẫn tại các đoạn tuyến có nguy cơ sạt lở, ách tắc giao thông. Đến nay, đã thông xe về các huyện, kể cả quốc lộ ủy thác. Tuy nhiên, khả năng trong những ngày tới khi có mưa lớn thì sạt lở sẽ tiếp tục xảy ra, nên việc chia cắt giao thông là khó tránh khỏi.
“Hiện công tác khắc phục bước 1 đã hoàn thiện và chi phí khoảng 20,5 tỷ đồng, do các nhà thầu ứng để thực hiện. Do đó, Bộ GTVT, UBND tỉnh cần khẩn trương bố trí vốn để chi trả cho nhà thầu cũng như tiếp tục phương án gia cố, thi công lại các hư hỏng đảm bảo giao thông thông suốt. Đối với các địa phương, cần phối hợp cùng Sở GTVT trong công tác cảnh giới, hướng dẫn, điều tiết người tham gia giao thông, nhất là các vị trí sạt lở để đảm bảo an toàn”, ông Nhân cho biết.
Bài, ảnh: LÊ ĐỨC